Đường cong lãi suất đảo ngược-chỉ báo của suy thoái
Trước khi một nền kinh tế rơi vào suy thoái, sẽ xuất hiện rất nhiều tín hiệu, như: Các chỉ số chứng khoán suy giảm mạnh, lạm phát hoặc giảm phát, mất việc làm, các doanh nghiệp lớn phá sản... Trong số những tín hiệu đó, các nhà kinh tế đặc biệt quan tâm đến yếu tố đường cong lãi suất đảo ngược (lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn trái phiếu dài hạn) như một tín hiệu chắc chắn rằng nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái.
Theo thống kê, từ năm 1960, mỗi khi đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và hai năm đảo ngược thì một cuộc suy thoái lại xảy ra. Vào ngày 7-3 vừa qua, sự chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hai năm và 10 năm đạt mức kỷ lục 103,5 điểm cơ bản. Sau đó, khoảng cách đã thu hẹp xuống 102,4 điểm cơ bản. Trong thời kỳ kinh tế ổn định, lãi suất ngắn hạn thấp hơn lãi suất dài hạn. Đường cong lãi suất càng dốc thì đồng nghĩa với tâm lý các nhà đầu tư ít có biến động mạnh. Nhưng trong nhiều tháng qua, chênh lệch giữa trái phiếu hai năm và 10 năm đã bị đảo ngược. Nguyên nhân là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát, gây ra lo ngại suy thoái kinh tế.
|
|
Sàn chứng khoán lớn nhất nước Mỹ. Ảnh: NYSE |
Sau khi Ngân hàng Thung lũng Silicon và Signature Bank ngừng hoạt động, nhiều nhà đầu tư hy vọng rằng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn, vì dữ liệu về giá cho thấy tình hình lạm phát có nhiều tiến triển. Nhưng kể từ đó, các báo cáo mới cho thấy lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Điều đó đồng nghĩa với việc khả năng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất. Lần gần đây nhất đường cong lãi suất đảo ngược hơn 100 điểm cơ bản là vào năm 1981, cũng do hoàn cảnh tương tự. Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker đã phải chiến đấu với lạm phát gia tăng. Sau đó, suy thoái kinh tế xảy ra và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Hơn nửa thế kỷ qua, đường cong lãi suất được coi là chỉ báo quan trọng hàng đầu đối với suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, chỉ báo này lại không phải công cụ xác định được thời điểm xảy ra suy thoái. Theo thống kê, trung bình sau khi đường cong lãi suất đảo ngược, hai năm sau mới xảy ra suy thoái.
Nhằm xác định chính xác hơn thời điểm suy thoái, các nhà kinh tế sử dụng một tín hiệu khác. Đó là đường cong lãi suất lồi trở lại sau khi “lõm”-đảo ngược, tức là khi trái phiếu dài hạn có lãi suất cao hơn trái phiếu ngắn hạn. Trong khi đường cong lãi suất đảo ngược báo hiệu suy thoái sẽ đến trong trung hạn, thì việc đường cong lồi trở lại cho thấy suy thoái sẽ đến trong vòng 6 tháng đến một năm.
Sau khi đạt đỉnh vào ngày 7-3-2023, đường cong lãi suất trái phiếu Mỹ đang dần trở lại trạng thái bình thường. Điều đó có nghĩa, có thể xảy ra một cuộc suy thoái tiềm tàng.
Kinh tế Mỹ có thể suy thoái?
Với việc tăng lãi suất quyết liệt của Fed, lạm phát tại Mỹ đã dần hạ nhiệt. Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI đã giảm từ 9,1% vào tháng 6-2022 xuống còn 6,5% vào tháng 12. Dự báo lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm xuống 3,1% vào cuối năm nay và kết thúc năm 2024 ở mức 2,4%. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát hàng quý mới nhất của Wall Street Journal (WSJ), các nhà kinh tế vẫn cho rằng môi trường lãi suất cao có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái trong năm 2024. Theo đó, xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 61%. Brett Ryan và Matthew Luzzetti, hai nhà kinh tế của Deutsche Bank cho biết: “Dù số liệu CPI đã cho thấy sự cải thiện nhưng một số thành phần như dịch vụ cốt lõi có liên quan đến thị trường lao động vẫn tăng cao. Do đó, Fed sẽ phải duy trì lộ trình thắt chặt tiền tệ để tái cân bằng thị trường lao động và ổn định giá cả. Việc này sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế”.
Các chuyên gia kinh tế của Capital Economics dự báo, 90% khả năng kinh tế Mỹ trượt vào suy thoái trong vòng 6 tháng tới. CEO Brian Moynihan của Ngân hàng Mỹ (BoA) dự đoán suy thoái sẽ xảy ra vào quý III năm 2023. Trong khi đó, CEO Jamie Dimon của JPMorgan đánh giá, Mỹ có thể tránh được suy thoái, song ông và cộng sự vẫn đang chuẩn bị tâm thế cho một cuộc suy thoái nhẹ vào giữa năm.
Dù hầu hết các chuyên gia đều dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, tuy nhiên, mức độ có thể chỉ nhẹ nhàng và ngắn hạn. Kinh tế trưởng của BoA, Michael Gapen đánh giá, khả năng Mỹ trượt vào suy thoái là cao, nhưng “không sâu rộng và không kéo dài”. Hầu hết các nhà kinh tế cũng có chung nhận định, kinh tế Mỹ vẫn rơi vào suy thoái nhưng cuộc suy thoái này sẽ chỉ nông và trong thời gian ngắn. Dự báo, GDP Mỹ tăng 0,1% trong quý I-2023, giảm 0,4% trong quý II, đứng yên vào quý III và tăng 0,6% trong quý IV.
Cùng với khả năng suy thoái tại Mỹ, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), còn cảnh báo về nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều sẽ suy giảm một cách đồng loạt. “Chúng tôi dự báo khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ bị trượt vào suy thoái,” bà Georgieva nói với kênh truyền hình CBS của Mỹ.
Từ tháng 10-2023, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân được đưa ra là những trở lực từ cuộc chiến ở Ukraine, sức ép do lạm phát và việc các ngân hàng Trung ương lớn đồng loạt nâng lãi suất. Với Trung Quốc, bà Kristalina Georgieva đánh giá, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn. Lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua, đà tăng trưởng thường niên của Trung Quốc có khả năng ngang bằng hoặc thấp hơn so với đà tăng trưởng toàn cầu. Điều này sẽ làm suy giảm hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam - điểm đến đầu tư
Với độ mở của nền kinh tế lên tới khoảng 200% GDP, diễn biến của nền kinh tế thế giới có tác động rất lớn tới Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn năm 2022-một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng Trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, lạm phát tăng kỷ lục ở nhiều quốc gia và nỗi lo về một cuộc suy thoái bao trùm toàn cầu-cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững. Thậm chí, còn cán đích ấn tượng với tăng trưởng GDP ở mức 8,02% và tình hình lạm phát được kiểm soát. Kết quả đó là nhờ những thành tựu Việt Nam đạt được trong thập kỷ vừa qua, như: Thực hiện chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần được tái cấu trúc, tình hình thanh khoản của toàn hệ thống được cải thiện; cơ sở hạ tầng liên tục được nâng cấp; dự án chính phủ điện tử được triển khai trên toàn quốc, tạo điều kiện cho nền kinh tế số tăng trưởng...
So sánh kinh tế Việt Nam hiện tại với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008, chuyên gia chỉ ra những điểm sáng khiến tăng trưởng năm 2023 có thể được duy trì. Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng quản trị độc lập Dragon Holdings đánh giá: "Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ổn định, giữ được đà tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp do chịu sức ép từ lạm phát và những diễn biến khó lường của chu kỳ lãi suất cao".
Thực tế những tháng đầu năm 2023 cho thấy, nền kinh tế toàn cầu còn gặp rất nhiều khó khăn cho đến cuối năm. Các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn chưa dừng tăng lãi suất và tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ. Do đó, Việt Nam cũng sẽ phải thắt chặt tiền tệ, nhằm ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang trong xu hướng và là điểm cư trú an toàn cho dòng vốn quốc tế. Nhiều tập đoàn nước ngoài vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Hàng loạt dự án đầu tư công lớn được triển khai, các hiệp định thương mại được ký kết, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát... sẽ là những yếu tố tạo đà cho kinh tế phát triển. Trong năm 2023, mặc dù nhiều thị trường lớn như châu Âu và Mỹ được dự báo là sẽ giảm nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam, song nước ta vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng nhờ một số hiệp định với các đối tác lớn trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cùng đó, nền kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển dần sang nền kinh tế tiêu dùng nhờ vào quy mô dân số và dân số trẻ. Do đó, trong năm 2023, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại so với năm 2022 nhưng dự báo vẫn duy trì ổn định ở mức 6%-7%.
TRẦN LONG