Sụp đổ một đế chế

Được thành lập vào năm 1983, SVB đã phục vụ ngành công nghệ cao trong suốt những thăng trầm của 4 thập kỷ qua. Trong thời kỳ bùng nổ khởi nghiệp (start-up) diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, SVB phát triển nhanh chóng nhờ đáp ứng nhu cầu của các công ty khởi nghiệp đầy tham vọng. Nhờ đó, SVB lọt vào tốp 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD. Trong một thời gian dài, SVB là điểm tựa tài chính vững chắc cho khoảng 50% tổng số công ty khoa học công nghệ và khởi nghiệp tại Mỹ. Quy mô hoạt động của SVB còn vươn ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ, tới cả Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Israel, Thụy Điển và Anh.

Sự sụp đổ bất ngờ của SVB khởi nguồn từ ngày 8-3, khi ngân hàng này thông báo vừa bán lỗ một loạt trái phiếu và sẽ phải rao bán tiếp lượng cổ phiếu trị giá 2,25 tỷ USD để bù đắp cho khoản lỗ trái phiếu. Lãi suất cao ở hiện tại đã làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà SVB và các ngân hàng khác đã “ngấu nghiến ôm về” trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gây ra khoản lỗ 1,8 tỷ USD cho SVB.

leftcenterrightdel

Trụ sở Ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, Califonia (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: Reuters 

Thông tin SVB rao bán lượng cổ phiếu khủng lập tức “đánh động” các nhà đầu tư. Ngay ngày hôm sau, một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư và khách hàng bắt đầu. Các chi nhánh của SVB chứng kiến dòng người ồ ạt kéo tới rút, chuyển tiền. Chỉ trong một ngày, ngân hàng này đã phải chi ra 42 tỷ USD cho khách hàng. Chưa hết, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của SVB có mức sụt giảm kỷ lục hơn 60% trong ngày. Sáng 10-3, quá tải trước áp lực từ mọi phía, SVB cầu cứu Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), đồng thời tuyên bố phá sản và lập tức được đưa vào diện “tiếp nhận”. 

Nếu như SVB là ngân hàng lớn đối với các công ty công nghệ và khởi nghiệp thì Signature Bank (SB) nổi tiếng là một trong những ngân hàng uy tín nhất của Mỹ và thế giới hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử. SB vốn có hoạt động lớn ở mảng cho vay bất động sản, nhưng cuối cùng lại trở thành một ngân hàng tiền ảo. Việc chuyển hướng hoạt động này giúp SB tăng gấp đôi lượng tiền gửi chỉ trong vòng 2 năm. Vào đầu năm 2022, khoảng 27% tiền gửi tại ngân hàng này đến từ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực tài sản số.

Việc SB đi sâu vào hoạt động ngân hàng tiền ảo trở thành một vấn đề đối với ngân hàng này khi thị trường tiền ảo tụt dốc vào cuối năm 2022. Biến động thị trường sau vụ sụp đổ của sàn tiền ảo FTX vào tháng 11-2022 đã dẫn tới hàng tỷ USD tiền ảo bị rút khỏi SB. Trong khoảng thời gian trước khi sụp đổ, SB cho biết đã cắt giảm hoạt động ở mảng tiền ảo và cắt quan hệ với một số khách hàng trong lĩnh vực tiền ảo. Trong đó, SB đã ngừng mối quan hệ với sàn tiền ảo Binance. Tuy nhiên, động thái này không đủ để trấn tĩnh nhà đầu tư.

Việc hai ngân hàng hàng lớn của Mỹ “rủ nhau phá sản” chỉ trong vỏn vẹn có vài ngày đang tạo ra cơn địa chấn của ngành ngân hàng Mỹ, đồng thời gây biến động mạnh trên thị trường tài chính, ngân hàng và kim loại màu tại nước này.

Gốc rễ của sự đổ vỡ

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá gốc rễ dẫn tới sự đổ vỡ của SVB đã xuất hiện từ vài năm trước. SVB dường như đã “chơi tất tay” tài sản tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ Mỹ trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0. Với chính sách này, cùng với sự bùng nổ về số lượng công ty công nghệ và khởi nghiệp trong khoảng 20 năm qua, SVB phát triển quá nóng và giá trị tài sản tăng lên nhanh chóng mặt.

Sóng gió bắt đầu đảo chiều kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến các khoản vay đối với doanh nghiệp và cá nhân trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí đi vay cao hơn đã làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ-vốn đem lại nguồn lợi tức không nhỏ cho SVB. Lãi suất cao cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư hạn chế rót vốn vào các công ty khởi nghiệp. Nguồn vốn cạn kiệt buộc các công ty này phải rút ra những khoản tiền đã gửi. Chưa kịp cân đối khoản lỗ khổng lồ từ trái phiếu, SVB lại phải đối mặt với tình thế bất ngờ khi khách hàng ồ ạt rút tiền, và sụp đổ là điều không thể tránh khỏi.

Sự sụp đổ của SVB và SB đột ngột như cơn sóng thần, diễn ra chỉ trong 48 giờ “điên rồ”, làm gợi nhớ hình ảnh những ngày tháng đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi Ngân hàng Lehman Brothers, một trong 5 định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố phá sản. Sự sụp đổ của định chế tài chính 158 năm tuổi này trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 khi nó quét qua các thị trường tài chính thế giới, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một giai đoạn đen tối: 10.000 tỷ USD bị thổi bay, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo, nhiều quốc gia rơi vào tình cảnh suy thoái.

Nỗ lực chặn “hiệu ứng domino”

SVB sụp đổ đánh dấu thất bại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời làm dấy lên quan ngại về “hiệu ứng domino” trong toàn bộ hệ thống. 

Để ngăn chặn một sự sụp đổ mang tính hệ thống sau vụ SVB, Chính phủ Mỹ đang nỗ lực tìm hướng giải quyết. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn an toàn và chính phủ chưa cần tung ra một gói cứu trợ vào thời điểm này. Sau khi SVB sụp đổ, FED, Bộ Tài chính Mỹ và FDIC đã phải đứng ra cam kết bảo vệ quyền lợi của tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng điều kiện cung cấp các khoản vay ngắn hạn. Trong một tuyên bố chung, các cơ quan trên nhấn mạnh nhà chức trách đang “hành động quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua việc củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng”.

Trong khi đó, FED cũng đang tiến hành đánh giá công tác quản lý với SVB cũng như nguyên tắc hoạt động của chính ngân hàng này. Theo FED, công tác đánh giá sẽ do Phó chủ tịch phụ trách giám sát của FED-ông Michael Barr-chỉ đạo và mọi kết luận sẽ được công bố vào ngày 1-5 tới. “Chúng ta cần phải đánh giá một cách toàn diện, cẩn trọng và kỹ lưỡng về cách chúng ta giám sát và quản lý ngân hàng này, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm”, Phó chủ tịch Barr khẳng định.

Trong nỗ lực ngăn chặn tác động của vụ sụp đổ SVB, Chính phủ Anh đang thực hiện một kế hoạch để các công ty công nghệ nước này có tiền gửi bị mắc kẹt sẽ không cạn kiệt tiền mặt. Trả lời phỏng vấn với BBC, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết mặc dù không có rủi ro đối với toàn bộ hệ thống tài chính Anh, song “có rủi ro nghiêm trọng” đối với một số công ty hứa hẹn nhất của nước này trong lĩnh vực công nghệ và khoa học đời sống. Do vậy, Chính phủ Anh tìm cách giảm hoặc tránh mọi thiệt hại cho các công ty này.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc SVB và SB phá sản có thể không dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn diện với ngành ngân hàng hay “gây hiệu ứng domino”, kéo nền kinh tế Mỹ vào vòng xoáy suy thoái mới. Tuy nhiên, vụ phá sản này có lẽ là bài học đắt giá cho các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ. Cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Mỹ cũng cần phản ứng nhanh hơn với các dấu hiệu rủi ro của thị trường để tránh tái diễn kịch bản tồi tệ của cuộc suy thoái 2008-2009.

 TRẦN MINH