Bó đũa chọn cột cờ

Được Tổng thống Biden đề cử vào chức Chủ tịch WB là một tin khá bất ngờ với ông Banga. Vị trí Chủ tịch WB hiện do ông David Malpass nắm giữ và sẽ kết thúc vào năm 2024. Tuy nhiên, hồi tháng 2 vừa qua, ông Malpass tuyên bố sẽ rời ghế Chủ tịch WB vào cuối tháng 6 tới. Mặc dù không nêu rõ lý do từ chức nhưng dư luận chung cho rằng việc ông Malpass rời ghế lãnh đạo ngân hàng này có liên quan đến tranh cãi xung quanh phát ngôn thể hiện quan điểm của ông về khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Dù đã cải chính rằng mình “không phải là người phủ nhận biến đổi khí hậu”, song áp lực yêu cầu từ chức đối với ông Malpass ngày càng gia tăng. Dư luận yêu cầu tìm kiếm một Chủ tịch WB mới-người sẽ tạo ra những thay đổi và bảo đảm cho ngân hàng này ứng phó với khủng hoảng khí hậu một cách quyết liệt hơn.

Theo thông lệ truyền thống, Tổng thống Mỹ là người tìm kiếm và chọn lựa một công dân Mỹ để đề cử vào chức Chủ tịch WB. Đặc quyền này của Tổng thống Mỹ được cho là xuất phát từ việc nước Mỹ là nơi đặt trụ sở chính của WB (tại Washington DC). Mặt khác, Mỹ cũng là quốc gia nắm cổ phần lớn nhất trong cơ cấu nguồn lực của WB. “So bó đũa, chọn cột cờ”. Tổng thống Biden đã chọn ông Banga trong số những gương mặt sáng giá để đề cử vào chức Chủ tịch WB. Trong thông báo đề cử, Tổng thống Biden đánh giá ông Ajay Banga là người thích hợp lãnh đạo WB với bề dày thành tích và kinh nghiệm hàng chục năm trong việc xây dựng công ty toàn cầu, hợp tác giữa các doanh nghiệp công-tư, ứng phó với những vấn đề về biến đổi khí hậu và di cư. Ông Banga cũng là nhân vật nổi trội với hiểu biết về những thách thức mà các nước đang phát triển gặp phải cũng như khả năng huy động các nguồn vốn tư nhân để giải quyết những vấn đề lớn. Tổng thống Biden mong muốn ông Banga sử dụng những kinh nghiệm của mình ở phố Wall để hỗ trợ việc cho vay chống khủng hoảng khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.

Còn Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đánh giá ông Banga là “lựa chọn đúng đắn để đảm nhận trách nhiệm của WB vào thời điểm quan trọng này”, cho phép ngân hàng “huy động vốn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh”.

Chỉ thành công khi thấy thoải mái với chính mình

Sinh ra ở Pune (thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ), trong một gia đình quân nhân theo đạo Sikh, Ajay Banga học tại trường St Stephen ở New Delhi trước khi gia nhập Học viện Quản lý Ấn Độ ở Ahmedabad-nơi được coi là một trong những trường kinh doanh tốt nhất ở châu Á.

Tốt nghiệp ra trường, Banga bắt đầu sự nghiệp vào năm 1981 tại các công ty con của các tập đoàn nông sản, thực phẩm lớn ở Ấn Độ, ở Nestlé rồi PepsiCo. Banga chuyển sang lĩnh vực tài chính sau khi gia nhập ngân hàng Mỹ Citigroup vào năm 1996, nơi ông đã phát triển tài chính vi mô một cách đáng chú ý từ năm 2005 đến 2009. Ông gia nhập công ty MasterCard vào năm 2009 với tư cách Giám đốc điều hành (CEO) trước khi trở thành Tổng giám đốc một năm sau đó. Năm 2021, ông được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị của MasterCard. “Những nỗ lực của ông đã trao quyền cho 500 triệu người không có tài khoản ngân hàng tiếp cận với nền kinh tế kỹ thuật số, để hướng các khoản đầu tư tư nhân vào các giải pháp ứng phó với sự nóng lên toàn cầu và tăng cường các cơ hội kinh tế trong khuôn khổ đối tác cho Trung Mỹ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng nói về ông Banga như vậy.

leftcenterrightdel

CEO MasterCard Ajay Banga có cơ hội lớn trở thành Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: financialexpress.com 

Là người Mỹ gốc Ấn Độ thành danh ở xứ cờ hoa, ông Banga luôn hướng về cội nguồn. Ông là cầu nối hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư giữa Mỹ và Ấn Độ. Năm 2014, ông Banga đã gặp ông Narendra Modi-người vừa đắc cử Thủ tướng Ấn Độ và có chuyến thăm Mỹ. Tại New York, Thủ tướng Modi và Tổng giám đốc công ty MasterCard đã thảo luận về triển vọng của Ấn Độ trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Là người thẳng thắn, không vòng vo, có tài ngoại giao xuất sắc nhưng ông Banga cũng khá hài hước. Trong một lần giảng bài tại Trường kinh doanh Stern ở New York, ông từng nói với sinh viên rằng mình đã “tận hưởng thời gian ở Học viện Quản lý Ấn Độ có lẽ hơi nhiều”. Nhấn mạnh sự cần thiết của tính đa dạng trong kinh doanh, ông Banga chia sẻ: “Tôi luôn có xu hướng nổi bật trong một căn phòng với chiếc khăn trên đầu và bộ râu dày. Tôi luôn tìm kiếm ngẫu nhiên việc làm thêm khi ở sân bay. Trong sự nghiệp, tôi sớm nhận ra rằng, nếu không cảm thấy thoải mái với chính mình thì tôi không thể thành công. Điều quan trọng là bạn nhận ra mình là ai và cảm thấy thoải mái với điều đó”.

Thách thức chờ đón lãnh đạo mới

Mặc dù Tổng thống Biden đề cử công khai ông Banga nhưng WB vẫn sẽ chấp nhận đề cử từ các quốc gia thành viên khác cho đến hết ngày 29-3. Ban giám đốc WB sẽ quyết định danh sách rút gọn gồm tối đa 3 ứng viên và thực hiện các cuộc phỏng vấn chính thức. Quyết định sau cùng bầu Chủ tịch WB thực hiện trong tháng 5, trước khi ông Malpass rời nhiệm sở ngày 30-6.

WB cho biết, tiêu chí đầu tiên của một chủ tịch tương lai là “thành tích lãnh đạo và những thành tựu đã được chứng minh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển”. Ông Banga gần đây đã tham gia một số cơ quan với tư cách là cố vấn khí hậu. Ông là Phó chủ tịch Quỹ Chống khủng hoảng khí hậu BeyondNetZero của General Atlantic khi quỹ này mới thành lập vào năm 2021. Nếu được Ban giám đốc WB xác nhận, ông Banga sẽ là người Mỹ gốc Ấn đầu tiên đứng đầu một trong hai tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB. Trước đó, 13 đời chủ tịch được bầu của WB đều là công dân Mỹ; còn bà Kristalina Georgieva, người Bulgaria, giữ chức Quyền Chủ tịch WB năm 2019.

Dù ai trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của WB cũng sẽ đứng trước hàng loạt thách thức xung quanh vấn đề tài chính và cơ cấu vốn cũng như việc ứng phó biến đổi khí hậu và chống đói nghèo. Theo CNN, sau khi ông Malpass rời đi vào ngày 30-6 tới, tân Chủ tịch WB sẽ phụ trách giám sát hàng tỷ USD viện trợ tài chính cho việc xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu trợ khẩn cấp cùng nhiều vấn đề khác ở các nước đang phát triển. Nhưng quan trọng hơn là tân Chủ tịch WB phải tìm cách đạt được càng nhiều tiền vốn càng tốt từ các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ. Điều này sẽ là một vấn đề lớn do sự đối đầu về mặt chính trị giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số-cơ quan có ảnh hưởng lớn tới việc chi tiêu của quốc gia.

Bên cạnh đó, Chủ tịch WB kế nhiệm sẽ có nhiệm vụ xây dựng lại niềm tin vốn đã bị lung lay. Theo Clemence Landers, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, các quốc gia đang tồn tại “khủng hoảng niềm tin” vào các tổ chức tài chính quốc tế. Với những nước đang phát triển, họ lo những cải tổ hệ thống của WB có thể khiến ngân hàng sao nhãng sứ mệnh cốt lõi là xóa đói, giảm nghèo. Các chuyên gia tài chính cho rằng, người kế nhiệm ông Malpass sẽ phải trấn an những lo ngại đó, bên cạnh đưa ra những thay đổi quan trọng.

Trong khi đó, Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo thế giới và một số nhóm môi trường đã hối thúc WB tăng cường nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu. Tháng 11-2021, Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về hành động khí hậu Selwin Hart chỉ trích WB vì đã “loay hoay trong khi thế giới đang nóng lên” và nói rằng tổ chức này liên tục hoạt động kém hiệu quả trong hành động vì khí hậu.

Giới chuyên gia nhận định, tân Chủ tịch WB cần phải là người có năng lực cải tổ tổ chức tài chính đa phương này để tập trung nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông Jake Schmidt, Giám đốc chiến lược về khí hậu tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ nhận định: “Sự ra đi của ông Malpass cho phép WB nhấn nút thiết lập lại và cam kết thực hiện vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Thế giới cần nguồn tài chính khí hậu ngày càng nhiều để đáp ứng quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu và nhu cầu của các nước đang phát triển”.

HOÀNG ĐAN