Là nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và ca sĩ, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu kiến trúc và giảng viên ở Beirut, sự nghiệp nghệ thuật của Jallad gắn liền với những sự kiện lịch sử mà quê hương Lebanon nằm bên bờ Địa Trung Hải của cô từng trải qua. Beirut là nơi Jallad chào đời cách đây 33 năm, chỉ vài tháng trước khi chiến tranh kết thúc, cũng là nơi cô chọn để quay về. Đó cũng là lý do để Jallad cho ra đời album solo đầu tiên mang tên “Marjaa: The battle of the hotels” (tạm dịch: Marjaa: Trận chiến của các khách sạn). Album cũng là phần mở rộng luận văn thạc sĩ của cô tại Đại học Columbia (Mỹ).
Album chính là sự kết hợp hai thiên hướng: Âm nhạc và nghiên cứu đô thị. Thông qua lăng kính kiến trúc, Jallad kể lại một phần của cuộc chiến tranh Lebanon, đó là “trận chiến của các khách sạn" và làm cho giọng hát trong như pha lê của cô uốn khúc trên nền chiaroscuro (một thuật ngữ tiếng Italy để diễn tả kỹ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hội họa).
|
|
Nữ ca sĩ Mayssa Jallad.Ảnh: bandcamp.com |
Album, giống như thành phố vào thời điểm đó, mô tả “trận chiến của các khách sạn” diễn ra vào đầu cuộc nội chiến ở Lebanon (1975-1990). Phần đầu tiên “Dahaliz” (“Hành lang”) trong album dẫn dắt người nghe tới thủ đô Beirut vào thập niên 1930 khi đi tìm Holiday Inn-một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên ở Beirut. Việc tìm kiếm chỉ có kết quả khi khán giả chìm đắm trong lời ca của bài hát thứ ba “Baynana”. Jallad cho khán giả biết vị trí của tòa nhà Holiday Inn trước đây đã được thay thế bằng bệnh viện St.Charles nhưng đến những năm của thập niên 1970, nơi đây lại biến thành một khách sạn sang trọng...
Các bài hát trong album đều bảo vệ quan điểm “kiến trúc phải được coi là nhân vật chính của chiến trường đô thị đầu tiên trên thế giới”. “Ngày nay, có rất nhiều tòa tháp trống được tập trung vào phát triển bất động sản và không tính đến nhu cầu của người dân thành phố”, nữ ca sĩ nói.
Jallad có cả một tuổi thơ ở Beirut và ngay từ khi còn nhỏ đã cảm giác rằng một điều gì đó quan trọng đã xảy ra ở đó. Cô nói: “Tôi luôn cảm thấy có điều gì đó thực sự không ổn, nhưng không thể chỉ ra. Chính thành phố đã cho tôi manh mối, với tất cả lỗ đạn trên tường, nhưng tôi chỉ nhận được những mẩu tin nhỏ”. Lớn lên, Jallad theo học chuyên ngành kiến trúc của trường đại học Mỹ ở Beirut, sau đó sang Mỹ học ngành khoa học bảo tồn lịch sử Trường Đại học Columbia ở New York. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Jallad nói thuần thục hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Năm 2013, cô từng đồng sáng lập nhóm indie-pop Safar với nghệ sĩ guitar Élie Abdelnour.
Đối với Jallad, thành công của “Marjaa: The battle of the Hotels” đang hứa hẹn những cuộc chinh phục mới. Một phiên bản mới của album sẽ được phát hành vào tháng 10, sau đó là các buổi biểu diễn ở châu Âu vào tháng 11-2023. “Bây giờ tôi có thể coi ca hát là nghề nghiệp của mình. Đây là điều tôi mơ ước. Chỉ nghĩ về điều này thôi cũng khiến tôi xúc động”, Jallad-người làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cho Procol Lebanon-một sáng kiến nghiên cứu do Viện Thịnh vượng toàn cầu thành lập, thừa nhận.
Nữ ca sĩ cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật vừa âm nhạc, vừa kiến trúc “bởi chúng ta phải nói về lịch sử khó khăn của đất nước và lịch sử ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào”.
HOÀNG ĐĂNG