Quan hệ giữa Israel và Iran chưa bao giờ bình yên. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Tel Aviv và Tehran mới chỉ áp dụng nghệ thuật chiến tranh bất đối xứng, hay còn gọi là “chiến tranh ma”. Thông qua các nhóm vũ trang như Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Liban hay Houthi ở Yemen... Iran tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm vào Israel. Ngược lại, dù coi Iran là kẻ thù không đội trời chung nhưng Israel thường chỉ tập kích vào lực lượng ủy nhiệm, cơ sở tình báo và lợi ích của Iran ở nước ngoài, hoặc tiến hành cuộc chiến tranh ngầm như tấn công mạng vào các cơ sở hạt nhân, ám sát các quan chức quân sự cấp cao cũng như các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran.
|
|
Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrel thừa nhận Trung Đông đang bên bờ vực chiến tranh. Ảnh: Le Monde |
Nhưng cuộc tấn công của Israel vào Văn phòng lãnh sự Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria đã thay đổi cuộc chơi. Đòn đánh khốc liệt khiến hai tướng Iran tử nạn có thể coi là “giọt nước tràn ly” khiến quan hệ Tel Aviv-Tehran bùng nổ, đồng thời lột bỏ chiếc mặt nạ cuối cùng vốn che đậy cuộc chiến ngầm Israel-Iran. Tehran đã chính thức tuyên bố coi vụ việc này là cuộc tấn công trực tiếp vào chủ quyền của mình, đồng thời khẳng định quyền tự vệ hợp pháp là cần thiết bởi Israel vi phạm luật pháp quốc tế và các công ước Vienna liên quan đến quyền miễn trừ đối với các cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao.
Dù chưa phải là cuộc tấn công tổng lực mà mới chỉ mang tính răn đe, thị uy nhưng đòn trả đũa của Iran là bước ngoặt trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran, khi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Iran khai hỏa nhằm trực tiếp vào lãnh thổ Israel. Thế giới đã chứng kiến một kịch bản chưa từng có khi hàng đàn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV của Iran đồng loạt lao vào Israel. Mối thâm thù kéo dài hàng chục năm qua giữa Israel và Iran đã không còn được che giấu bằng các cuộc chiến tranh ngầm, chiến tranh ủy nhiệm, mà đã lộ rõ thành cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai bên.
Đây là điều mà thế giới hết sức lo ngại, bởi không nhỏ lẻ như các cuộc xung đột giữa Israel với các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, xung đột Israel-Iran là cuộc đụng độ giữa hai cường quốc quân sự trong khu vực. Xét về mặt công nghệ, Israel hiện có ưu thế vượt trội so với Iran. Nước này sở hữu một trong những tổ hợp công nghiệp - quân sự lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới. Các loại vũ khí nội địa chủ yếu của Israel như hệ thống phòng không Vòm sắt, tên lửa Arrow, tên lửa Jericho có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, xe tăng Merkava, súng máy hạng nhẹ Negev, súng tiểu liên Uzi... từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới. Đó là chưa kể Israel còn sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không thừa nhận.
Tuy nhiên, Iran lại có ưu thế hơn về mặt nhân lực. Quân số tại ngũ của Iran hiện là 610 nghìn, so với Israel là gần 200 nghìn. Nếu tính cả lực lượng bán quân sự và lực lượng dự bị, phía Iran có 1 triệu người, trong khi Israel có 642 nghìn. Đặc biệt, theo trang mạng quân sự Nga, Iran hiện sở hữu kho tên lửa lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông. Còn tướng Kenneth McKenzie, Chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ đánh giá, tính đến năm 2022, Iran sở hữu hơn 3.000 tên lửa đạn đạo. Con số này không bao gồm kho vũ khí tên lửa hành trình phóng từ mặt đất ngày càng tăng của nước này. Iran cũng được cho là đủ năng lực về công nghệ để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Chính vì thế, nếu không ngăn được xung đột leo thang, không chặn được hai bên tiếp tục trả đũa nhau, Trung Đông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tổng lực quy mô lớn. Không những thế, đụng độ giữa Israel và Iran còn có nguy cơ kéo nhiều bên liên quan vào vòng xoáy xung đột. Ngay sau cuộc không kích của Israel vào tòa nhà Văn phòng lãnh sự Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã liên tục điện đàm với người đồng cấp Gallant, đồng thời “tái khẳng định cam kết sắt đá của Mỹ đối với an ninh của Israel trước những mối đe dọa từ Iran”. Mỹ đã điều gấp tàu sân bay thứ hai cùng các tàu chiến khác đến Địa Trung Hải để răn đe Iran. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran thì chắc chắn cũng không đứng ngoài quan sát, một khi đụng độ giữa Iran với Israel bùng nổ. Cả Trung Đông sẽ bốc lửa.
Không chỉ kéo theo sự tàn phá, xung đột giữa Iran và Israel còn khiến vấn đề quan trọng nhất của khu vực là tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine tiếp tục bị đẩy lùi, cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas mà thế giới đang mong đợi sẽ bị ngừng trệ, mở ra những vòng xoáy bạo lực mới. Xung đột cũng có thể khiến Iran đóng cửa eo biển Hormuz nằm trên tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng giúp vận chuyển khoảng 30% tổng lượng dầu của thế giới. Nền kinh tế thế giới sẽ bị tác động nghiêm trọng.
Trong thời điểm kịch tính của Trung Đông, rất cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn nguy cơ bạo lực gia tăng. Có điều là đúng vào thời điểm nhạy cảm này, các nước lớn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lại thiếu thống nhất. Sự bất đồng trong đánh giá nguồn gốc dẫn đến căng thẳng ở Trung Đông hiện nay đã khiến cơ quan đóng vai trò “cầm cân nảy mực” trong vấn đề hệ trọng chiến tranh và hòa bình không thể ban hành một nghị quyết liên quan đến những diễn biến nguy hiểm trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran.
Hiện phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc thông báo cuộc tấn công nhằm vào Israel “có thể được coi là đã kết thúc”. Israel cũng tỏ ra cân nhắc khi khẳng định sẽ “xác định cái giá mà Iran phải trả theo cách thức và thời điểm phù hợp”. Đó là tín hiệu tích cực nhưng không đồng nghĩa với việc nguy cơ căng thẳng leo thang đã được loại bỏ. Những cuộc tấn công trả đũa nhau vẫn có thể xảy ra. Trung Đông mới đang trong khoảng lặng giữa tâm bão, trước khi những cơn cuồng phong mới tái hiện.
TƯỜNG LINH