Ngày 1-5-2004, cùng lúc EU tiếp nhận 10 thành viên mới gồm Cyprus, Malta cùng 8 nước thuộc Đông Âu và Liên Xô là Czech, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia và Litva. Vào thời điểm đó, sự kiện này được mô tả như vụ nổ “Big Bang”, vụ nổ mà theo vật lý lý thuyết đã đồng thời sinh ra không gian, năng lượng và vật chất để hình thành nên vũ trụ như hiện nay.

Không đơn thuần giúp nâng số lượng thành viên của khối tăng mạnh từ 15 lên 25 nước, đợt mở rộng lịch sử này đã chính thức khép lại giai đoạn châu Âu bị chia cắt bởi Chiến tranh lạnh, mở ra thời kỳ hội nhập Đông-Tây. Chưa bao giờ giấc mơ về “ngôi nhà chung châu Âu”, nơi mọi người dân châu lục cùng chung tay xây dựng một châu Âu hòa bình, dân chủ và thịnh vượng, lại gần đến vậy. Tham vọng lớn mà các đại dự án đặt ra như “châu Âu không biên giới”, “đồng tiền chung châu Âu”... cũng có cơ hội trở thành hiện thực.

leftcenterrightdel

Cờ Liên minh châu Âu (EU) . Ảnh: Reuters

 

Sau 20 năm nhìn lại, lực đẩy từ “vụ nổ lớn” đã giúp EU có bước nhảy vọt, gia tăng đáng kể tiềm lực và ảnh hưởng của mình. Với sự góp mặt thêm của 10 nước, diện tích EU tăng lên gần 4 triệu km2, tổng dân số vào khoảng 456 triệu người. Đặc biệt, đợt mở rộng năm 2004 đã đưa GDP của EU lên khoảng 9.200 tỷ euro, chỉ còn đứng sau nhóm các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico. Tỷ trọng của EU trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, đầu tư toàn cầu cũng tăng lên đáng kể.

Từng bước, cơ sở hạ tầng và kết nối hiện đại quy mô lục địa được xây dựng trên khắp các quốc gia thành viên nhờ các khoản đầu tư và quỹ của EU. Nhờ đó, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế EU vẫn liên tục tăng trưởng trong 20 năm. Châu Âu cũng được hưởng lợi với nhiều đổi mới hơn, nhiều lĩnh vực đầu tư hơn, sự di chuyển tự do hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và nguồn nhân lực với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra cơ hội lớn cho tất cả mọi người.

Với các quốc gia mới gia nhập, sự tăng trưởng kinh tế đáng kể là thành tích không thể phủ nhận. Trong 20 năm qua, quy mô nền kinh tế Ba Lan và Malta đã tăng hơn gấp đôi, trong khi Slovakia tăng trưởng 80%. Với người dân các nước thành viên mới, tiền lương thực tế đã tăng gấp đôi và mức độ nghèo đói giảm đi một nửa. Trong số 26 triệu việc làm mới được tạo ra trên khắp EU trong 20 năm qua, 6 triệu việc làm là ở 10 quốc gia thành viên mới.

Trong bối cảnh lần mở rộng gần nhất diễn ra cách đây đã 11 năm với sự xuất hiện thêm của Croatia, trong khi danh sách chờ gia nhập EU đã lên tới 9 nước, có nước nộp đơn xin gia nhập từ năm 1989 như Thổ Nhĩ Kỳ, nhu cầu mở rộng EU đã trở nên cấp thiết. Thế nhưng, chính vào thời điểm bước ngoặt này, dư chấn từ “vụ nổ lớn” lại bắt đầu tạo ra nhiều vấn đề với EU, đặt liên minh này trước những thách thức lớn về con đường phát triển trong tương lai.

Trước hết, sự mở rộng nhanh chóng từng được ca ngợi như “cú đột phá” giờ bị coi là không vững chắc, đưa đến nhiều hậu quả, trước hết là sự thiếu đoàn kết trong nội bộ. Khi khối càng mở rộng, với những thành viên có quan điểm và lợi ích khác biệt, sự chia rẽ ngày càng bộc lộ rõ. Một bộ phận không nhỏ người dân châu Âu có tâm lý hoài nghi về lợi ích mà EU đem lại, lo ngại quyền lực từng nước bị cắt xén để chuyển sang các cơ quan quyền lực của EU ở Brussels, Bỉ. Cuộc “chia tay” của Anh với EU sau 47 năm gắn bó từng tạo cú sốc làm liên minh rung chuyển là bằng chứng cho thấy không phải ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi sống cùng dưới “mái nhà chung”.

Trong nội bộ EU, chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia thành viên không chỉ đe dọa các giá trị cốt lõi của khối, mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết. Trong những năm gần đây, một số đảng và phong trào dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy tại một số nước như Hungary, Ba Lan..., ủng hộ chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu. Một số quốc gia thành viên EU thì phản đối chính sách phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư khiến gia tăng căng thẳng giữa các nước, đặc biệt là giữa các nước Đông Âu với các nước lớn trong EU như Đức, Pháp, Italy...

Thêm vào đó, khác với các đợt mở rộng trước đây, khi yếu tố lợi ích kinh tế chiếm vai trò chủ đạo, hiện nay, những toan tính địa chính trị lại trở thành nguyên nhân chi phối. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, vấn đề mở rộng EU chuyển sang gắn với chính sách ngăn chặn Nga của các nước phương Tây. Việc Ukraine nhanh chóng được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6-2023 được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mô tả là để phản ứng lại việc Nga “đang tấn công tất cả những gì chúng tôi tin tưởng-tự do, dân chủ, thịnh vượng và hợp tác”. Albania và Serbia, những nước nộp đơn xin gia nhập EU từ nhiều thập kỷ trước, đã ngay lập tức bày tỏ sự lo ngại nguy cơ Ukraine vượt trước trong cuộc đua gia nhập EU nhờ yếu tố chính trị nêu trên.

Nếu EU không giải quyết được các vấn đề nảy sinh, mở rộng EU có thể trở thành tác nhân gây rắc rối, chứ không phải động lực thúc đẩy liên minh.

TƯỜNG LINH