Theo các chuyên gia của IMF, mức độ tăng trưởng GDP của Nga trở nên mạnh mẽ hơn nhờ hoạt động tích cực của nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) và sự gia tăng tiêu dùng cá nhân do thu nhập thực tế của người dân không ngừng được tăng thêm. Nước Nga đã trở thành một trong 3 quốc gia (cùng với Brazil và Trung Quốc) trong Nhóm G-20 có được sự gia tăng mức lương của người dân. Các lĩnh vực kinh tế cũng hoạt động ngày một khả quan hơn, đặc biệt là CNQP. Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình N-TV, chuyên gia quân sự, nhà sử học, Đại tá quân đội Áo Markus Reisner cho rằng, những biện pháp cấm vận của phương Tây không ngăn cản được nền CNQP Nga hoạt động hết công suất, thậm chí theo 3 ca. Chính vì thế, nguồn vũ khí của Nga, trong đó có các loại máy bay không người lái, luôn rất dồi dào.

leftcenterrightdel

Đồng Rubble Nga. Ảnh Getty 

Tại sao nước Nga, quốc gia mà như các bình luận viên phương Tây vẫn thường nói rằng có GDP ít hơn một số nước EU cũng như ít hơn so với bang Texas và bang California của Mỹ, lại có thể vượt qua được vòng phong tỏa kinh tế của liên minh các quốc gia chiếm tới hơn một phần ba dung lượng nền kinh tế thế giới? Trả lời câu hỏi này, bình luận viên Mark Episkopos trên tờ The American Conservative cho rằng, ở mức độ cao, đó là kết quả của sự né tránh các biện pháp cấm vận rất khéo léo và khôn ngoan của Moscow cũng như các chính sách làm suy yếu ảnh hưởng của cấm vận. Nước Nga đã áp dụng rộng rãi những hệ thống xuất khẩu song song, hệ thống những đối tượng môi giới thương mại, các hành trình đa dạng trong xuất khẩu năng lượng... Moscow còn hóa giải được sức ép của phương Tây bằng cách làm sâu sắc hơn các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia chính yếu của “thế giới miền Nam”. Nga cũng đã tìm ra những biện pháp thoát khỏi ràng buộc của đồng USD trong các thanh toán quốc tế.

Trong khi đó, tình hình trong khu vực đồng euro có vẻ như lại bị những bóng mây đen suy thoái ám ảnh. IMF cho rằng, tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 của các nước Tây Âu sẽ lộn ngược đầu, giảm từ 1,2% xuống còn 0,9%. Nguyên do là giá năng lượng trở nên đắt đỏ hơn và sự suy giảm mức trao đổi hàng hóa với Moscow. Khi theo đuôi Mỹ áp đặt những biện pháp cấm vận đối với Nga một cách hết sức cực đoan, phương Tây đã tự chối bỏ một thị trường rộng lớn và rất giàu tiềm năng. Trong khi đó, Moscow đã mau lẹ tìm những đối tác thích hợp ở những khu vực khác. Các chuyên gia cho rằng, vốn dĩ Tây Âu là những quốc gia có sức ỳ lớn và tính bảo thủ cao, không dễ đáp ứng những biến đổi mau lẹ của thời cuộc. Khác với người Nga, cái khó ló cái khôn. Hồi đầu tháng 3 năm nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu chính thức tuyên bố rằng nền kinh tế của “lục địa cũ” hiện chỉ đưa ra được những chỉ số tồi tệ nhất trong thực hiện chính sách tiền tệ của hai năm qua. Theo các chuyên gia phân tích của Bloomberg, hiện nay, “nền tài chính quốc gia của nhiều nước phương Tây đã bị tổn thất nặng nề”. Nạn lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát. GDP của khu vực đồng euro trong thực tế đang “án binh bất động”. Tình trạng phi công nghiệp hóa và dịch chuyển sản xuất sang các khu vực khác gia tăng mau lẹ hơn. Những vấn đề về dân số cũng nảy nòi ngày một nhiều. Đến mức tờ The Economist phải cảnh báo: “Nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với cú sốc 3 chiều” và “nền kinh tế châu Âu đang bị “thập diện” tấn công...”.

Nước Mỹ dù ở bên kia đại dương trong vai trò "ngư ông đắc lợi" cũng không phải không bị tác động một cách tiêu cực và suy giảm vị thế của mình trên trường quốc tế. Trước tiên, đó là ảnh hưởng của đồng USD trên thế giới đang bị rung lắc ngày một mạnh. Nước Nga nói riêng và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong thế bắt buộc đang cố gắng gây dựng những cơ chế thanh toán cùng nhau không thông qua đồng USD. Không ngẫu nhiên mà Thượng nghị sĩ Mỹ Marko Rubio từ năm 2023 đã cảnh báo: “Sau 5 năm nữa, chúng ta sẽ chẳng còn được nói tới các biện pháp trừng phạt vì rất nhiều quốc gia sẽ thực hiện các hợp đồng của mình bằng các đồng tiền khác, chối bỏ đồng USD. Và chúng ta sẽ không còn cơ hội để trừng phạt họ...”. Trong thực tế, ở thời điểm hiện nay, tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung tới Nga đã không như họ mong muốn. Thậm chí có thể coi như phương Tây đang thất bại trong những nỗ lực như thế. Theo bình luận viên Mark Episkopos trên tờ The American Conservative, việc các biện pháp trừng phạt đối với Nga bị thất bại chứng tỏ trong chính sách đối ngoại của Mỹ đang có những lỗ hổng nghiêm trọng.

HỒNG THANH QUANG