Đây cũng là lần gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2-2022 và cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Modi sang Nga kể từ năm 2019 tới nay. Bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung, New Delhi đã tỏ ra không hề rụt rè chút nào trong những nỗ lực tiếp tục phát triển quan hệ mọi mặt với Moscow.

leftcenterrightdel

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Moskva, ngày 9-7-2024. Ảnh: AA/TTXVN 

 

Với Ấn Độ, Liên bang Nga hiện vẫn giữ một trong những vị trí gần gụi hàng đầu trên bàn cờ quốc tế. Và điều này không có gì khác lạ mà chỉ làm rõ hơn các khía cạnh trong tình hữu nghị và những lợi ích chung mang tính truyền thống trong quan hệ giữa hai nước. Ngay từ thời còn tồn tại Liên bang Xô viết, khi Mỹ và phương Tây thường đứng về phía những kẻ thù của Ấn Độ thì Moscow đã luôn là người bạn đồng hành với các quyền lợi của New Delhi. Bắt đầu từ năm 1957, Liên Xô đã 5 lần phủ quyết các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan tới tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan để giúp New Delhi tránh được những áp lực quốc tế bất lợi. Hiệp ước về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Ấn Độ ký năm 1971 càng củng cố thêm những mối quan hệ bền chắc giữa Moscow với New Delhi. Chính hiệp ước này đã giúp Ấn Độ có được một sự ủng hộ rất quan trọng về ngoại giao cũng như quân sự trong thời gian xảy ra chiến tranh năm 1971, dẫn tới sự ra đời của Bangladesh. Và cũng đặt nền móng vững chãi cho sự hợp tác hai bên trong nhiều lĩnh vực như: Quốc phòng, công nghệ và phát triển kinh tế. Sau khi Liên Xô tan rã, mặc dù quan hệ giữa nước Nga với Ấn Độ đã bị thu hẹp phần nào và chủ yếu liên quan tới lĩnh vực mua bán khí tài quân sự, nhưng chưa bao giờ Ấn Độ coi nhẹ vai trò của Moscow như một cường quốc tầm cỡ thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2016 tới 2020, Ấn Độ đã mua về tới 23% lượng vũ khí xuất khẩu từ Nga, còn Nga đã mua tới 45% lượng vũ khí mà Ấn Độ xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2-2022 và bị phương Tây trừng phạt về kinh tế, lượng "vàng đen" xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng tiêu cực nặng nề. Tình cảnh đó khiến Moscow phải tìm những khách hàng mới không thuộc danh sách thù địch. Và New Delhi đã mau chóng trở thành quốc gia gia tăng mạnh mẽ việc nhập khẩu “vàng đen” từ Nga. Việc này không chỉ giúp Moscow thoát thế kẹt mà còn khiến New Delhi đắc lợi vì tiết kiệm được hàng tỷ USD do được Nga giảm giá tới 40%. Thêm vào đó, do Nga sẵn sàng thực hiện các giao dịch bằng đồng tiền địa phương nên khi mua dầu mỏ từ Nga, Ấn Độ có thể giữ lại kho dự trữ USD đang có mà tiến hành các thanh toán bằng đồng rupee.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nhất, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nhấn mạnh: “Nước Nga luôn là người bạn tin cậy của Ấn Độ trong bất cứ thời tiết nào!”. Chuyến thăm tới Nga vừa qua đã giúp đạt được một số kết quả quan trọng trong sự hợp tác giữa hai nước, ví như trong lĩnh vực dược phẩm và đóng tàu... Một số thỏa thuận mới trong lĩnh vực tài chính cũng sẽ cho phép Moscow giảm bớt được áp lực do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Cần phải nói rằng, trong lúc tìm kiếm những điểm chung cùng có lợi với Moscow, Thủ tướng Ấn Độ vẫn không cắt đứt những mối liên hệ vốn có với phương Tây. Trước khi sang Moscow, ông Modi đã có mặt trong Hội nghị thượng đỉnh của G7 và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhiều nước phương Tây. Rời khỏi Moscow, Thủ tướng Ấn Độ cũng bay ngay tới Áo... Tuy nhiên, Ấn Độ chưa bao giờ có ý định ngả hoàn toàn vào vòng tay của phương Tây. Mặc dù Ấn Độ gia nhập nhóm “tứ tấu châu Á-Thái Bình Dương” (còn gọi là “tứ tấu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”) QUAD (cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản) nhưng chỉ coi đó như một sân chơi cho những hợp tác về kinh tế. Đồng thời, Ấn Độ kiên quyết không tham gia vào nhóm AUKUS hiếu chiến hơn (gồm: Australia, Vương quốc Anh và Mỹ). Bằng mọi cách, New Delhi luôn bày tỏ thái độ không muốn dính dáng tới những liên minh có mục đích chống lại các nước khác. Nhìn tổng thể, Ấn Độ đang tiến hành một chính sách ngoại giao uyển chuyển với nhiều đối tác khác nhau trên cơ sở những lợi ích dân tộc sống còn của mình.

Ở thời điểm hiện nay, theo báo điện tử The Print có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ đã trở nên mạnh mẽ hơn cả về kinh tế lẫn chiến lược, có thể tự bảo đảm đáp ứng rất nhiều nhu cầu của mình, kể cả trên phương tiện khí tài quân sự. Không những thế, New Delhi còn có thể cạnh tranh khá mạnh mẽ với những quốc gia lái súng hàng đầu khi xuất khẩu một số lượng lớn tên lửa và các loại vũ khí khác. Có thực nên vực được đạo, Chính phủ Ấn Độ ngày càng mạnh dạn hơn trong việc tiến hành chính sách đối ngoại tự lập trên cơ sở những lợi ích của chính mình...

HỒNG THANH QUANG