Cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 50 tàu chiến, 80 máy bay các loại và 9.000 quân nhân tới từ 20 quốc gia thành viên NATO. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh phương Tây đang không ngừng thổi độ nóng trong các phát ngôn liên quan tới Moscow, Baltops 24 với quy mô lớn nhất từ trước tới nay được đánh giá như một hành động làm gia tăng sự căng thẳng không chỉ trên biển Baltic mà ở cả quy mô châu lục bằng những sức ép liên hoàn nhằm vào nước Nga.
|
|
Baltops 24 (Ảnh -lrt.lt). |
Baltops là những cuộc tập trận trên biển Baltic và các khu vực lân cận với nó, được NATO tiến hành từ năm 1971. Tham gia các cuộc tập trận này thường là Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Đan Mạch, Estonia, Latvia, Litva, Hà Lan, Ba Lan, Anh và Phần Lan... Thi thoảng có thêm sự tham gia của một số nước thành viên NATO khác. Trong quá trình tập trận, các quân nhân NATO thường rèn luyện các kỹ năng đổ bộ lính thủy, triển khai hỏa lực hỗ trợ các đơn vị trên bờ biển của đối phương, truy tìm và tiêu diệt các tàu ngầm, phản đòn tấn công từ trên không của đối thủ tiềm năng, phát hiện và tháo gỡ mìn, triển khai hoạt động của các tàu nổi, tàu ngầm, máy bay không người lái và các nhiệm vụ tác chiến khác... Tuy nhiên, trên cơ sở những kinh nghiệm đã nhận được mới đây trong quá trình đụng độ trên Biển Đen giữa quân đội Ukraine với các lực lượng vũ trang Nga, theo các chuyên gia, kịch bản diễn tập Baltops 24 chắc chắn đã có những thay đổi và bổ sung. Thông báo chính thức của NATO cũng cho biết là trong cuộc tập trận lần này đã huy động “liên quân đông đảo nhất của các đơn vị lính thủy đánh bộ trên biển Baltic cũng như liên quân đông đảo nhất thuộc các lực lượng chống mìn của NATO”. Baltops 24 đã triển khai luyện tập việc chuyên chở thương binh, hoạt động phòng không, tác chiến khống chế tàu trên biển, tác chiến với tàu ngầm, các tàu chiến dịch đổ bộ và rà phá mìn... Lần đầu tiên trong lịch sử, tham gia Baltops 24 đã có các đơn vị và phương tiện thuộc Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ.
Theo lời nguyên soái không quân Anh quốc Johnny Stringer, “cách tiếp cận tổng thể về an ninh trên biển Baltic như thế sẽ tạo ra một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đối với những đối thủ tiềm năng, ngăn chặn xâm lược, củng cố ổn định cũng như tạo thêm sự tự tin cho các nước NATO cùng dân chúng tại đó”. Mặc dù ông Stringer không cụ thể hóa “những đối thủ tiềm năng” là các quốc gia nào, nhưng theo nhiều nhà quan sát, theo truyền thống của NATO, Baltops 24 đã không nhằm vào mục tiêu nào khác ngoài Moscow. Trao đổi với cơ quan truyền thông RT của Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tổng thể các vấn đề châu Âu và quốc tế thuộc Trường Đại học Tổng hợp nghiên cứu quốc gia Nga “Trường Kinh tế cao cấp”, Vasily Kashin, đã nhấn mạnh rằng, những nỗ lực của NATO trong khuôn khổ Baltops 24 nhằm chống lại Moscow và NATO cũng đã không quá cố gắng để giấu giếm điều này: “Baltops 24 có nhiệm vụ nâng cao tiềm lực của NATO trong tác chiến chống lại Nga. Ngoài ra, Baltops 24 còn được tiến hành trên cơ sở tính toán tới khả năng gia tăng xung đột ở Đông Âu...”. Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo của các nước NATO những năm gần đây đã thường xuyên nhấn mạnh tới khả năng về việc Moscow có vẻ như luôn sẵn sàng chỉ cần trong 48 giờ là có thể chiếm đoạt được các nước vùng Baltic thì định hướng bài Nga của một cuộc tập trận trên biển Baltic như Baltops 24 là điều hoàn toàn có thể dự đoán được.
Còn nhớ, tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom trả lời phỏng vấn tờ The Guardian đã nhấn mạnh tới sự cần thiết để các nước Bắc Âu thông qua những quy tắc mới và xây dựng hệ thống ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra thảm họa môi trường trên biển Baltic bởi cái gọi là việc Moscow sử dụng những tàu chở dầu kém chất lượng... Theo ông Konstantin Blokhin, chuyên viên khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề an ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, điều thực chất khiến Stockholm quan tâm không phải là chất lượng các con tàu chở dầu của Nga mà là khả năng Moscow có thể sử dụng chúng để qua mặt các biện pháp cấm vận của phương Tây. Thụy Điển còn liên tục làm nóng vấn đề bảo vệ hòn đảo lớn nhất của nước này là Gutland nằm cách thành phố Kaliningrad của Nga 300km... Tháng 5 vừa qua, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Byden đã tuyên bố rằng dường như Nga có thể chiếm lấy Gutland để có thể một mình làm chủ vùng biển Baltic. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước đó cũng đã kêu gọi cần gia tăng phòng thủ cho Gutland.... Thêm vào đó, không chỉ một năm nay, trên các phương tiện truyền thông, phương Tây đã không ngừng làm nóng chủ đề về khả năng phong tỏa biển Baltic đối với Moscow... mà thậm chí Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngay từ năm 2022 đã gọi Baltic là “vùng biển nội bộ” của NATO (!)
Cũng chính vì thế nên không ngẫu nhiên mà năm nay, Moscow đã phải đặc biệt chú ý tới diễn biến của Baltops 24, thậm chí có ý kiến từ các chuyên gia Nga coi đó là một “hành vi gây chiến”. Chuyên viên khoa học Blokhin cho rằng: “Nước Nga cần phải hành động tương ứng và để đáp trả NATO, sẽ phải tạo ra những khó khăn đối với các nước phương Tây, tăng cường hạ tầng quân sự của mình trên những vùng lãnh thổ tiếp giáp với NATO, tiến hành các cuộc tập trận, thăm dò độ bền chắc của họ. Nếu họ định làm nóng tình hình thì chúng ta cũng sẽ phải làm hệt như thế. Nếu chúng ta không tạo ra cho họ những vấn đề thì họ vẫn sẽ được ăn no, ngủ kỹ trong tương lai”.
Theo cách tư duy này, vùng biển Baltic ngay cả sau khi Baltops 24 kết thúc vẫn có thể tiếp tục là một địa bàn nóng và ngày một nóng hơn. Đây là điều không tốt lành cho hòa bình và ổn định ở châu Âu...