Kể từ hội nghị lần trước năm 2019, gần 5 năm qua là khoảng thời gian của những biến động theo chiều hướng không thuận với khu vực. Cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đã đầu độc bầu không khí Đông Bắc Á, khi Washington tìm mọi cách lôi kéo các đồng minh Tokyo và Seoul dựng “bức tường thành” ngăn chặn nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Những liên minh trong lĩnh vực kinh tế, an ninh liên tục xuất hiện; các cuộc phô diễn sức mạnh quân sự, các cuộc tập trận chung, tăng cường phòng thủ tên lửa... liên tục được triển khai khiến tình hình Đông Bắc Á lúc nào cũng căng thẳng. Rồi hàng loạt chỉ trích nhằm vào nhau, từ những vấn đề lịch sử liên quan đến tội ác của phát xít Nhật thời Chiến tranh thế giới thứ hai, nguồn gốc Covid-19... đến những tranh cãi xung quanh chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Nhật Bản với Hàn Quốc đã tạo ra tình thế đối đầu, nghi kỵ, hoàn toàn không thuận lợi cho hợp tác và phát triển.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 27-5 - Ảnh: Yonhap/TTXVN

 

Hệ quả tiêu cực có thể cảm nhận được ngay. Lần đầu tiên sau 19 năm liên tiếp, Trung Quốc không còn là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm 20% so với năm 2022. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hàn Quốc giảm 8%. Với Nhật Bản, năm ngoái, xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc liên tục sụt giảm trong 9 tháng liên tiếp do vấn đề liên quan đến kiểm soát chất bán dẫn, tranh cãi xung quanh việc Nhật Bản xả nước thải có chứa phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị sự cố ra biển.

Tiềm lực tổng thể của khu vực cũng bị ảnh hưởng. Năm 2021, GDP của Trung Quốc chiếm 18,3% tổng GDP toàn cầu, năm 2023 tụt xuống còn 16,9%. Nhật Bản thì mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức và tụt xuống vị trí thứ tư. Trong khi đó, một loạt vấn đề mới liên quan đến cả 3 nước Đông Bắc Á liên tục nổi lên. Đó là tình trạng già hóa, tỷ lệ sinh thấp gây áp lực lên nguồn nhân lực trong tương lai, vấn đề môi trường, an ninh phi truyền thống...

Là những nước láng giềng, gần gũi nhau về mặt địa lý, lại là những đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của nhau, để gián đoạn tiếp xúc cấp cao trong thời gian dài là điều bất thường, tạo nguy cơ đe dọa triển vọng phát triển của khu vực. Chính vì thế, việc Hội nghị cấp cao Đông Bắc Á được khởi động lại là nỗ lực lớn của các nước trong khu vực nhằm vượt qua những khác biệt.

Sự điều chỉnh này xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía, cả phía Trung Quốc lẫn phía Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù đẩy mạnh liên kết với Mỹ trong thời gian gần đây nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể tách rời khỏi đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của mình là Trung Quốc. Ngành bán dẫn của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không thể đứng vững nếu từ bỏ thị trường béo bở như Trung Quốc. Tokyo và Seoul cũng phải cảnh giác trước những biến động trên chính trường Mỹ nếu như ông Donald Trump thắng cử và tái hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, sẵn sàng đối đầu thương mại với cả các đồng minh.

Với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc là bước đi khôn khéo có thể làm xói mòn “sự hội tụ chiến lược” đang nổi lên giữa hai nước này với Mỹ, thúc đẩy tư duy “tự chủ chiến lược” của Tokyo và Seoul thay vì bám chặt vào các ưu tiên an ninh với Mỹ, nhất là với Hàn Quốc-nước vẫn muốn duy trì quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể phá thế bao vây, cô lập mà Mỹ đang nỗ lực tạo dựng.

Với việc ký được Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao lần thứ 9 tại Seoul gồm 38 điểm, đưa ra 6 lĩnh vực lớn để tăng cường hợp tác, trong đó có thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế và thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số về khoa học-công nghệ và giải quyết những vấn đề về thiên tai và an toàn..., có thể nói, giai đoạn trì trệ trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc đã khép lại.

Quan trọng nhất là 3 nhà lãnh đạo khu vực đã thống nhất thể chế hóa hợp tác 3 bên bằng cách thường xuyên tổ chức hội nghị cấp cao và các cuộc họp cấp bộ trưởng. Mặc dù chưa xác định tần suất “thường xuyên” như thế nào nhưng các bên đều bày tỏ sự cần thiết phải có tiếp xúc cấp cao, lần tới là ở Nhật Bản. Phương cách đối thoại trực tiếp đương nhiên sẽ thuận lợi hơn trong việc tăng cường lòng tin, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, giúp xóa đi những nghi ngờ, đồng thời tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đối thoại chiều sâu.

Thực tế là thông qua hội nghị lần này, Tokyo và Seoul đã có điều kiện trấn an Bắc Kinh rằng tham gia liên minh với Mỹ không phải nhằm kiềm chế Trung Quốc, không muốn quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh cũng bày tỏ sự coi trọng quan hệ với Tokyo và Seoul, không muốn để khu vực rơi vào căng thẳng, đối đầu.

“Một khởi đầu mới” đã mở ra trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc, như mô tả của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sau khi rời Seoul. Sự khởi đầu đó sẽ tiến đến đâu thì phụ thuộc vào mức độ niềm tin mà Hội nghị cấp cao Đông Bắc Á vừa tạo dựng. 

TƯỜNG LINH