Ngay sau khi có tin về vụ tai nạn máy bay chở ông Raisi, trên thế giới xuất hiện nhiều liên tưởng kinh hoàng với “phát súng ở Sarajevo” năm 1914 từng dẫn tới bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Xuất hiện thuyết âm mưu về những sự cố có thể dẫn tới bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba, tức là thế chiến đầu tiên trong thế kỷ 21. Nhiều người đã cố gắng tìm dấu vết của Israel hay Hoa Kỳ trong thảm họa này. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, các nhà lãnh đạo ở Tehran cho tới nay vẫn rất kiềm chế để không cho các lực lượng cực đoan sử dụng thảm họa này vào mục đích kích động những bùng nổ đụng độ trực tiếp giữa Iran với các quốc gia Do Thái hay Hoa Kỳ. Đơn giản là không ít người nhìn thấy trong thảm họa đó những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thù địch mà nhiều năm nay Washington đã tiến hành chống lại Tehran. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif cho rằng trách nhiệm về vụ tử nạn của ông Raisi thuộc về Hoa Kỳ, quốc gia đã áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Iran. Ông Zarif khẳng định: “Điều này sẽ được ghi vào danh sách những tội ác của Mỹ chống lại nhân dân Iran”.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran, ngày 20.5.2024. Ảnh: Xinhua

 

Sau khi thảm họa xảy ra với Tổng thống Raisi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố ngay rằng: “Hoa Kỳ không có bất cứ dính dáng tới vụ tai nạn. Đó là sự thật”. Nhà Trắng cũng lên tiếng bác bỏ mối liên hệ giữa những biện pháp cấm vận với vụ rơi máy bay ở Iran... Tuy nhiên, có vẻ như Washington vẫn không thay đổi thái độ thù địch lưu niên đối với cá nhân các nhà lãnh đạo Iran, trong đó có cố Tổng thống Raisi.

Ông Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran vào tháng 6-2021. Trước đó, ông từng đứng đầu Cơ quan Tư pháp Iran. Ông đã được dự đoán là lựa chọn hàng đầu thay thế lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei (85 tuổi) sau khi ông Khamenei qua đời hoặc từ chức. Ông Raisi là người có vai trò quan trọng trong việc khởi động đối thoại giữa Iran với Israel. Theo đánh giá của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Raisi “đã luôn là một đối tác tin cậy, một con người rất thẳng thắn, tự tin, trước hết là một con người đã luôn hành động vì những lợi ích dân tộc của mình”. Ông Putin cho rằng, sự ra đi của ông Raisi là một mất mát lớn, trước hết là đối với Iran.

Theo Hiến pháp Iran, cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 50 ngày sau khi Tổng thống Raisi tử nạn. Trong khoảng thời gian này, không loại trừ những mưu toan của các thế lực cực đoan, thù địch gây rối ở khu vực biên giới Iran hay trong chính quốc gia này. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, khó có khả năng bức tranh chính trị ở Iran thay đổi màu sắc vì nhân vật quyền lực tối cao tại đất nước này, Ayatollah Ali Khamenei, vẫn ở nguyên vị trí của mình.

Trong bất luận trường hợp nào, thảm họa đối với cố Tổng thống Ebrahim Raisi vẫn tiếp tục có thể là một nguy cơ dẫn tới những khủng hoảng lớn hơn trên trường quốc tế. Vấn đề ở đây là các bên cần biết cách kiềm chế trong những điều tra nhằm xác minh sự thật để không bị quá mù ra mưa. Không ngẫu nhiên mà Phó đại diện thứ nhất của Liên bang Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky khi trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti ngày 24-5 đã nhấn mạnh: “Tình hình ở Trung Đông hiện nay thực sự đã nóng bỏng đến mức có thể ảnh hưởng đến bất cứ thứ gì. Điều này phụ thuộc vào việc tình hình sẽ được sử dụng thế nào và những hệ lụy của nó sẽ ra sao. Và không nên vội đưa ra các kết luận và dự đoán mọi sự trước khi những người bạn Iran của chúng ta chưa kết thúc điều tra. Theo cái nhìn của tôi, hiện tại tất cả các bên đều cố gắng hành xử một cách kiềm chế trong tình huống này...”. Phương châm chính hiện nay là không đổ thêm dầu vào lửa...

HỒNG THANH QUANG