Càng ngày ở phương Tây càng có thêm những hoạt động nhằm làm giảm, thậm chí xóa bỏ những đóng góp và hy sinh to lớn của Liên Xô trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Đồng thời, họ còn muốn phủ nhận vai trò của nước Nga như một quốc gia có quyền thừa kế những chính danh lịch sử đó trong Chiến tranh thế giới thứ hai từ Liên Xô. Tại Đức chẳng hạn, chính quyền sở tại đã cấm những biểu tượng chiến thắng của Liên Xô và Liên bang Nga liên quan tới thế chiến thứ hai trong hai ngày 8 và 9-5, điều mà Moscow đánh giá là “một hành động báng bổ”.

Và vì không chịu thấm thía những bài học đã có từ cuộc thế chiến bi tráng đó nên có vẻ như không ít chính khách ở phương Tây hiện nay đã lựa chọn sự đối đầu trực diện với Moscow trong những ván bài chiến thuật và chiến lược mới. Họ muốn bằng nhiều cách làm nước Nga yếu dần đi để tan vỡ. Có lẽ chính vì thế nên ngày 8-5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đưa ra lời cảnh báo rằng, việc kỷ niệm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ, chủ nghĩa quốc xã hiện lại đang ngóc đầu dậy. Theo lời ông Lavrov, hậu duệ của những Napoleon và Hitler đang cùng với những người Anglo-Saxon lại muốn gây cho nước Nga một thất bại chiến lược, phá hủy nó, buộc nó phải tuân theo những lợi ích bá quyền ích kỷ của họ.

Từ tháng 1 năm nay, NATO đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài từ Bắc Mỹ tới sườn Đông NATO, gần biên giới với Nga với khoảng 50 chiến hạm, 80 máy bay quân sự và hơn 1.100 phương tiện chiến đấu cùng 90.000 binh sĩ. Cuộc tập trận dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 này. Theo lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, trong một tuyên bố ngày 4-5, Nga phải thừa nhận NATO "đang chuẩn bị nghiêm túc cho một cuộc "xung đột tiềm ẩn" với Moscow".

Gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu từ phương Tây nhằm đe dọa trực chiến giữa NATO với nước Nga nếu Moscow bước qua “ba làn ranh giới đỏ” mà phương Tây đã định ra. Trên tờ La Repubblica đã thẳng thắn công bố điều này như một sự “tiết lộ tối mật”. “Ba làn ranh giới đỏ” đó là: Nguy cơ phòng tuyến của quân đội Ukraine bị phá vỡ; Belarus tham gia vào chiến sự và sự lan tỏa chiến sự sang lãnh thổ của các nước vùng Baltic hay Ba Lan, Moldova hoặc “những vụ khiêu khích” liên quan tới các quốc gia này.

Dễ hiểu là trong khái niệm “những vụ khiêu khích” đó có thể là bất cứ một vụ tấn công mạng của hacker hay một vụ biệt kích giả định nào đó... Một số phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây, như tờ Ficancial Times của Anh, đã dọn đường dư luận trước khi tung ra những cái gọi là tối mật như thể Moscow đang chuẩn bị cho những vụ đốt phá nhằm vào hạ tầng cơ sở của châu Âu bằng những phần tử đặc nhiệm của mình...

Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đã đưa ra lời tuyên bố về quyền của Ukraine tấn công vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Nga bằng các loại vũ khí mà London cung cấp cho Kiev, cụ thể ở đây là các tên lửa hành trình tầm xa. Trong lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không ngớt lời phủ nhận “một cuộc chiến tranh với nhân dân Nga” thì theo những tiết lộ của cựu viên chức Lầu Năm góc Stephen Brian, Paris đã đưa cả trăm quân nhân của mình sang thành phố Slavyansk trên đất Ukraine. Kế hoạch sắp tới là số quân Pháp ở trên đất Ukraine có thể lên tới cả nghìn rưỡi người...

leftcenterrightdel

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik 

Nước Nga hiển nhiên, như thường lệ, không khoanh tay đứng nhìn. Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, đương kim Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, đã ngay lập tức đưa ra những tuyên bố cứng rắn về quyền trả đũa của Moscow đối với những quốc gia NATO này. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc trò chuyện điện thoại với người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu, đã nói rằng việc đưa các quân nhân Pháp sang Ukraine sẽ tạo ra những vấn đề cho chính nước Pháp.

Trước đó, văn phòng báo chí của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga dựa trên phát biểu của Giám đốc Sergey Naryshkin đã tuyên bố rằng đơn vị quân đội Pháp khi xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine sẽ mặc nhiên trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Nga. Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cũng đã lên tiếng phê phán tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Cameron và coi đó như một ví dụ về sự “leo thang khẩu khí” có thể gây hại cho nền an ninh của châu Âu. Moscow cũng đã bắt đầu cuộc tập trận với sự tham gia của các loại vũ khí hạt nhân không chiến lược.

Theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, quyết định trên được thông qua vì xét tới những tuyên bố hiếu chiến của các nước phương Tây về việc đưa quân đội của họ vào Ukraine và về những cuộc tấn công có thể xảy ra vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của phương Tây. Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, tham gia tập trận có các đơn vị tên lửa của Quân khu Miền Nam, không quân cũng như các đơn vị hải quân. Báo Anh Daily Mail cũng cho rằng quyết định của Moscow là do những mối đe dọa của phương Tây.

Thực tế lịch sử đã luôn cho thấy, với nước Nga thì không thể có quốc gia nào đủ sức để đè bẹp bằng vũ lực. Và nước Nga hiện nay không từ chối đối thoại với phương Tây, nhưng cũng cương quyết không để cho mình bị lép vế trong các ván cờ quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà trong lễ nhậm chức Tổng thống ngày 7-5 vừa qua, người đứng đầu nước Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: “Chúng ta không từ chối đối thoại với các quốc gia phương Tây. Việc của họ là lựa chọn: Liệu họ có vẫn gắng sức kiềm chế sự phát triển của nước Nga, tiếp tục chính sách xâm lược, không ngừng gây sức ép từ nhiều năm nay tới đất nước chúng ta hay tìm kiếm con đường để hợp tác và hòa bình? Tôi xin nhắc lại: Có thể có cuộc đối thoại về cả những vấn đề an ninh, ổn định chiến lược. Nhưng không phải từ thế mạnh đè yếu, không phải kiêu ngạo, ngông nghênh và tự cao tự đại, mà chỉ với tư thế bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau”.

HỒNG THANH QUANG