Đạt lý, phải thấu tình 

Thực tế cho thấy, Vladimir Putin là người rất biết thích ứng với thời cuộc, nhưng cho tới hôm nay vẫn giữ nguyên được trong mình hệ thống tiêu chí tinh thần và đạo đức đã tự chọn lựa từ thuở thiếu thời. Ông không bao giờ giấu giếm thái độ chung thủy một cách tỉnh táo và hợp lý của mình đối với Tổ quốc Xô viết từng nuôi ông khôn lớn. “Ai không tiếc vì sự đổ vỡ của Liên bang Xô viết, người ấy không có trái tim; còn ai muốn tái lập nó giống y như cũ, người ấy không có khối óc”, ngay từ khi mới chỉ tạm thời được giao Quyền Tổng thống Liên bang (LB) Nga hơn hai thập niên trước, Vladimir Putin đã tuyên bố thẳng thắn như vậy (trích dẫn theo Báo Văn học, xuất bản ở Moscow, số 7, ra trong tuần từ ngày 16 đến 22-2-2000). Ông cũng từng nói trên các kênh truyền hình ở Nga khi người ta hỏi ông về lý do khiến ông kiên quyết ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô vào trong bản Quốc ca mới của LB Nga: “Nếu chúng ta xóa bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10-1917, thì có nghĩa là chúng ta đã công nhận rằng, cha ông chúng ta đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý. Bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý như thế được”. Nói theo cách của người Nga, ông không “láu cá với lương tâm” vì ông biết, đó không chỉ là suy nghĩ riêng của ông mà còn là tâm trạng chung của một bộ phận không nhỏ người dân Nga.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các cựu chiến binh Nga trên Quảng trường Đỏ, ngày 9-5-2021. Ảnh: Kremli.com

 

Phát biểu trong phiên họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tại Sochi ngày 21-10-2021, trước các nhà phân tích chính trị đến từ nhiều quốc gia, ông Putin đã nhấn mạnh rằng, tất nhiên, những người ở thế hệ như ông vẫn nhớ những vấn đề đã vấp phải trong giai đoạn đó, nhưng cũng không bao giờ quên những điều tích cực đã được thừa hưởng: “Tôi xuất thân từ một gia đình công nhân nhưng đã được tốt nghiệp đại học tổng hợp, được nhận một học vấn tốt ở Trường Đại học quốc gia Leningrad. Chẳng lẽ đó là ít ư? Thời đó, học vấn được coi và thật sự đã có tác động như một thang máy xã hội thực tế... Cha mẹ tôi đều là những người bình thường, họ không nói bằng những câu khẩu hiệu. Nhưng tôi nhớ rất rõ là, ngay cả khi ở trong nhà, trong điều kiện gia đình, sinh hoạt bình thường, khi thảo luận về vấn đề này hay vấn đề kia, họ luôn luôn, tôi xin nhấn mạnh, cách này hay cách khác, theo kiểu giản dị, dân dã, bày tỏ sự tôn trọng đối với Tổ quốc mình. Đó không phải là một chủ nghĩa ái quốc trình diễn, đó đã là những tình cảm thực trong gia đình chúng tôi”.

Tổng thống Nga cũng thẳng thắn chỉ ra: “Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nói là những phẩm chất tích cực đã được đề cao trong đại bộ phận nhân dân Nga và các dân tộc khác của LB Xô viết. Không ngẫu nhiên mà ngay trước khi Liên Xô tan rã đã có tới hơn 70% người dân bỏ phiếu ủng hộ việc duy trì LB Xô viết. Nhiều người ở các nước cộng hòa liên bang giành được độc lập đã thực sự, chân thành tiếc nuối về những việc đã xảy ra”. Song ông Putin cũng tỉnh táo kết luận: “Nhưng bây giờ là một cuộc sống khác và chúng tôi xuất phát từ quan điểm là, nó đang phát triển như nó có và về mặt nguyên tắc, chúng tôi chấp nhận những thực tế đương đại...”.

Những bài học cũ và mới 

Thực sự thì thế giới đã trở nên bất định hơn nhiều sau khi LB Xô viết tan rã. Và những kinh nghiệm quan trọng mới và cũ có thể rút ra được từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 luôn luôn cần được tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc trên cơ sở những tài liệu còn lưu lại và bối cảnh lịch sử đã hình thành trong quá khứ. Còn nhớ, trong dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 5-11-2017, Tổng thống Putin trong cuộc gặp các nhà khoa học và giảng viên trẻ ở viện bảo tàng lịch sử đương đại đã nhận định: Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 cần “một sự đánh giá chuyên môn sâu sắc và khách quan”. Ông nói thêm, rất tiếc là đã xảy ra nhiều sự kiện nặng nề và đẫm máu, nhưng đó là những gì mà đất nước Nga đã trải qua và thế hệ hôm nay cần phải biết tới. Trước đó, ngày 30-10-2017, Tổng thống Putin đã tuyên bố, trong phiên họp của Hội đồng Phát triển xã hội dân sự và nhân quyền, dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười sẽ được xã hội Nga đón nhận như một biểu tượng của sự vượt qua chia rẽ. Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng, ngày đó sẽ được xã hội chúng ta tiếp nhận như một sự đánh dấu hết những sự kiện bi thảm từng chia cắt đất nước và nhân dân, trở thành biểu tượng của quá trình vượt qua sự chia cắt đó, của sự tha thứ lẫn nhau và chấp nhận lịch sử đất nước như nó thực có, với những chiến thắng vĩ đại và những trang bi thảm”.

Ngày 19-11-2017, cũng tại phiên họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tại Sochi, Tổng thống Putin đã cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 tạo ra cho phương Tây nhiều ưu thế vì họ đã phải tự cố gắng vượt lên chính bản thân mình trong nhiều lĩnh vực, trước thách thức to lớn tới từ đất nước Xô viết. Theo ông, “cách mạng, đó luôn luôn là hệ quả của sự thiếu trách nhiệm của những ai muốn làm ngưng đọng, đóng băng cái trật tự đã lỗi thời của sự vật đang rõ ràng cần thay đổi và của cả những người cố sức thúc đẩy những thay đổi, không dừng lại ngay cả trước những mâu thuẫn công dân và sự đối đầu mang tính phá hủy”. Và dù lịch sử không thể làm lại được, nhưng Tổng thống Nga trong dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đặt ra câu hỏi: Liệu sau này thế giới có thể phát triển được trên cơ sở tiến hóa để đỡ đi những xương máu phải đổ ra?... Có vẻ như ở giai đoạn hiện nay, ông Putin nghiêng về quan điểm cho rằng, những chấn động xã hội dẫn đến bạo động để thay đổi thể chế thường không phải là con đường giúp thoát khỏi khủng hoảng cùng cực mà chỉ là sự khủng hoảng gia tăng. Ông muốn thay đổi xã hội bằng những cải cách.

Cũng có thể thấy rằng, trong các bài viết hay phát biểu những năm gần đây, ông Putin không bao giờ quên rằng, những người đứng ở khởi nguồn Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã tạo ra những tác động lớn lao đối với lịch sử nước Nga và thế giới. Nhìn từ góc độ này, có lẽ cách nói như của nhà văn, nhà báo Mỹ John Reed trong “Mười ngày rung chuyển thế giới” về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 tới nay vẫn không bị lỗi thời. Tuy nhiên, ông Putin cũng cho rằng, đã có những “quả mìn nổ chậm” được đặt vào nền móng của LB Xô viết ngay từ thời sơ khai do những tính toán chiến thuật và chiến lược còn chưa thấu đáo. Thí dụ, điều quy định trong hiến pháp về quyền tự do của các nước cộng hòa trong LB Xô viết được tùy ý rút ra khỏi một quốc gia thống nhất. Và đó cũng chính là nhân tố thúc đẩy quá trình tan rã LB Xô viết mau lẹ hơn sau hơn 70 năm tồn tại. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Nga Krasnaya Zvezda ngày 13-7-2021, ông Putin đã lưu ý: “Tôi phải nói với các bạn rằng, khi LB Xô viết hình thành, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thì ngay trong ban lãnh đạo Bolshevik cũng đã có những quan điểm khác nhau về câu chuyện này. Và giữa Stalin, người phụ trách lĩnh vực này trong Đảng Bolshevik, cũng đã có những khác biệt nghiêm trọng đối với Lênin. Stalin đã bảo vệ quan điểm về tự trị, về nguyên tắc tự trị khi xây dựng LB Xô viết và cho rằng, tất cả các nước cộng hòa Xô viết còn lại, đã được lập ra trong không gian của đế chế Nga cũ, phải được nhập vào trong thành phần nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết LB Nga (RSFSR). Thế nhưng, Lênin lại có quan điểm khác. Lênin nói về quyền bình đẳng của tất cả các nước cộng hòa, không nhập vào trong thành phần của RSFSR, mà cùng với nó lập ra những quốc gia mới trong những điều kiện bình đẳng với nhau. Stalin gọi đó là chủ nghĩa tự do dân tộc và công khai tranh luận với Lênin. Cũng phải nói rằng, quan điểm của Lênin, nếu chúng ta đọc kỹ các tài liệu, là về nguyên tắc mà nói, Stalin có lẽ đúng, nhưng ở thời điểm ấy thì nói ra là hơi sớm quá. Và ông, như Stalin nói, đã nhượng bộ những người dân tộc chủ nghĩa. Chính bản thân Stalin cũng từng nói rằng, chủ nghĩa LB Nga, đó là giai đoạn chuyển tiếp tới chủ nghĩa trung tâm xã hội chủ nghĩa. Thực chất thì xét theo công việc, những người Bolshevik đã làm như thế vì LB Xô viết về hình thức đã là một quốc gia mang tính liên bang, nếu thậm chí không phải là mang tính liên minh với quyền được rút ra, nhưng về bản chất lại đã là một quốc gia mang tính tập quyền rất cao. Và vì thế nên quyền rút ra tất nhiên đã là một trong những “quả mìn nổ chậm...”.

Cũng theo ông Putin, “quả mìn nổ chậm” thứ hai là cơ chế liên bang đó chỉ phụ thuộc vào duy nhất vai trò bao trùm, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS). Ông Putin nhận xét, chính vì KPSS đã là sức mạnh duy nhất liên kết các nước cộng hòa trong LB Xô viết nên đảng bắt đầu suy sụp thì liên bang cũng đổ vỡ theo... Thực ra, nhận định như thế cũng chỉ là một cách nói ngược để cho thấy rõ hơn vai trò to lớn không gì sánh được của Đảng Cộng sản Liên Xô trong sự sống còn của LB Xô viết. Để mất đảng là mất luôn cả chế độ và tan rã luôn cả một siêu cường...

HỒNG THANH QUANG