    |
 |
Ngay cả ở giải Nobel cũng không thể hoàn toàn thoát ra ngoài sự liên đới của chính trị. Nguồn: Sputniknews |
Đó là nhà sinh lý học Mỹ David Julius và nhà sinh học phân tử Ardem Patapoutian (sinh ra ở Lebanon, hiện làm việc ở Mỹ). Công trình được vinh danh của họ là những khám phá về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác. Giải Nobel Vật lý ngày 5-10 đã được tuyên bố trao cho 3 nhà khoa học: Syukuro Manabe (sinh ở Nhật Bản, hiện có quốc tịch Mỹ), Klaus Hasselmann (người Đức) và Giorgio Parisi (người Italy) nhờ những đóng góp đột phá trong việc dự đoán biến đổi khí hậu và sự hiểu biết của con người đối với các hệ thống vật lý phức tạp. Giải Nobel Hóa học ngày 6-10 đã được công bố trao cho nhà hóa học người Đức Benjamin List và nhà khoa học Mỹ gốc Scotland David W.C.MacMillan, nhờ những đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu về sự phát triển quá trình xúc tác hữu cơ không đối xứng, mở ra các ứng dụng trong việc xây dựng phân tử...
Như mọi năm, các giải Nobel mang tính khoa học trên đều chủ yếu được đón nhận với sự hào hứng và trầm trồ nhất trí. Và cũng như mọi năm, đặc biệt trong những năm gần đây, giải Nobel Văn học 2021 đã tạo ra được sự bất ngờ không nhỏ, khi hầu hết các nhà văn đang được coi là “thê đội đầu” trên thế giới, có tỷ lệ đặt cược cao đều không được nhắc tên. Người nhận giải Nobel Văn học năm nay là tiểu thuyết gia người Tanzania nhưng đang sống ở Anh và cũng viết bằng tiếng Anh, nhờ “sự thâm nhập kiên định và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và các lục địa”. Đó là nhà văn Abdulrazak Gurnah, 73 tuổi. Ông đã tới “hòn đảo sương mù” từ những năm 60 của thế kỷ trước và có thể nói là còn ít được độc giả biết tới trên quy mô toàn cầu...
Cho tới nay, đã có 118 nhà văn được nhận giải Nobel Văn học, trong đó có 31 người (kể cả Gurnah) viết bằng tiếng Anh. Vinh dự này từng được dành cho 14 nhà văn viết bằng tiếng Pháp, 14 nhà văn viết bằng tiếng Đức, 11 nhà văn viết bằng tiếng Tây Ban Nha, 7 nhà văn viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chính Nobel (tiếng Thụy Điển). 6 nhà văn viết bằng tiếng Italy, 6 nhà văn viết bằng tiếng Nga, 5 nhà văn viết bằng tiếng Ba Lan, 3 nhà văn viết bằng tiếng Na Uy, 3 nhà văn viết bằng tiếng Đan Mạch, 2 nhà văn viết bằng tiếng Hy Lạp, 2 nhà văn viết bằng tiếng Nhật và 2 nhà văn viết bằng tiếng Trung cũng từng được trao giải Nobel... Trong những ngôn ngữ từng có nhà văn được nhận giải Nobel có các thứ tiếng: Arab, Bengal, Hungary, Iceland, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Czech.... Cần phải thấy rằng, là câu chuyện “thuần túy văn chương”, nhưng việc xét chọn giải Nobel Văn học rất không dễ dàng. Viện Hàn lâm Thụy Điển từng không tìm ra được nhà văn xuất sắc nhất để trao giải thưởng này vào các năm: 1914, 1918, 1935, 1940-1943. Tháng 5-2018, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã bắt buộc phải tuyên bố là sẽ không công bố tên họ nhà văn được nhận giải Nobel Văn học vì đã phát hiện ra một số trường hợp các viện sĩ để lộ thông tin về kết quả bỏ phiếu trước... Trong lịch sử đã từng có không chỉ một nhà văn vì lý do này hay lý do khác từ chối nhận giải Nobel Văn học (như nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre hay nhà văn Nga Boris Pasternak...). Năm 2016, việc trao giải Nobel Văn học cho nhạc sĩ rock Bob Dylan “vì đã tạo ra những cách thể hiện thi ca mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ” cũng đã gây nên nhiều tranh luận trái chiều. Dylan đã không tới Stockholm dự buổi lễ trao giải.
Thực tế cho thấy, trong một thế giới tiếng là “toàn cầu hóa” nhưng rất không đồng nhất và thậm chí ẩn chứa vô vàn mâu thuẫn như thời đương đại, văn học, ngay cả ở giải Nobel, cũng không thể hoàn toàn thoát ra ngoài sự liên đới của chính trị. Và đó cũng là tính chất của giải Nobel Hòa bình. Không phải bao giờ những giải Nobel Hòa bình cũng tạo được sự chào đón ở chính tổ quốc của người nhận giải. Năm nay, giải Nobel Hòa bình đã được chia cho nữ nhà báo Mỹ gốc Philippines Maria Angelita Ressa và Tổng biên tập tờ Novaya Gazeta ở Nga Dmitry Muratov. Angelita Ressa từng được coi là “nhà báo nổi tiếng nhất ở Philippines” và trong gần hai thập niên đã làm việc cho CNN với tư cách phóng viên điều tra chính ở Đông Nam Á. Bà cũng được biết tới nhiều với việc đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của tờ Rappler, rất nhiệt tình trong việc chống các tin giả mạo. Bà được đánh giá khác nhau tùy theo góc nhìn chính trị ở các quốc gia và từng phải “lên bờ xuống ruộng” vì những hoạt động báo chí của mình. Thậm chí, tháng 2-2019, bà còn bị bắt vì tội phỉ báng trực tuyến do có đơn cáo buộc cho rằng Rappler đã đăng một bài báo sai sự thật liên quan đến một doanh nhân. Tại Philippines, Angelita Ressa không phải là nhà báo được chính quyền hoan nghênh, vì đã chỉ trích thẳng thắn những gì mà bà coi là không đúng đắn trong hoạt động của nguyên thủ quốc đảo này. Nhà báo Dmitry Muratov làm chủ bút tờ Novaya Gazeta từ năm 1995, nổi tiếng với những bài báo chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền. Tờ Novaya Gazeta từng có nhiều phóng viên bị tử nạn vì hoạt động chuyên môn của mình. Khi hay tin mình được trao giải Nobel năm nay, ông Muratov đã nói với báo chí rằng, ông coi đó là phần thưởng dành cho các đồng nghiệp đã hy sinh. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chúc mừng và nhận xét rằng, nhà báo Muratov đã làm việc nhất quán với các lý tưởng của mình, là một người tài năng và dũng cảm. Tổng biên tập Muratov tuyên bố rằng, ông sẽ dành số tiền kèm theo giải Nobel Hòa bình cho Quỹ từ thiện “Vòng tròn nhân ái”.
Ngày 13-10, trong phiên họp toàn thể “Tuần lễ Năng lượng Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi được hỏi đã lưu ý, nhà báo Muratov sau khi nhận giải Nobel Hòa bình với khoản tiền theo quy định sẽ không bị coi là “điệp viên ngoại quốc”, nếu ông không vi phạm luật pháp Nga và nếu không gây nên lý do để bị buộc tội như thế... (Ở Nga, những ai nhận tiền của nước ngoài để hoạt động đều có nguy cơ bị xem xét là “điệp viên ngoại quốc”). Ông Putin cũng nhấn mạnh: “Còn nếu sử dụng giải Nobel làm lá chắn để vi phạm luật pháp Nga, thì có nghĩa là cố tình làm việc đó để thu hút sự chú ý tới mình hay vì những động cơ nào khác nữa...”. Theo lời ông Putin, “nằm ngoài bất kỳ những cống hiến nào đó, ai cũng phải hiểu một cách rõ ràng và mạch lạc: Cần tuân thủ các đạo luật của nước Nga”. Không thể thẳng thắn hơn được nữa.
Chính trị đang hiển hiện trong mọi mặt của đời sống. Những người nhận giải Nobel cũng khó có thể thoát ra ngoài những ràng buộc như thế.
HỒNG THANH QUANG