Giải Nobel là một trong những sự kiện văn hóa xã hội toàn cầu trọng đại, thu hút sự quan tâm của công chúng không kém gì giải vô địch bóng đá thế giới, thế vận hội... Lịch sử nhân loại thực chất là tiến trình bất tận, trong đó, mỗi cá nhân và tập thể chung sức chung lòng phấn đấu cho con người ngày một hoàn thiện và xã hội ngày thêm hoàn mỹ. Cuộc đấu tranh sáng láng, kiên cường và bền bỉ đó đòi hỏi nhiều quyết tâm và nghị lực. Những cố gắng này, thể hiện qua các thành tựu văn học, khoa học và hòa bình liên tiếp giành được, cần được ghi nhận và tuyên dương kịp thời. Để khích lệ và nhân rộng niềm tin. Sự thật này không cần bàn cãi. Chính vì thế, mùa giải Nobel hàng năm bao giờ cũng được toàn thế giới đón nhận thân thương, trang trọng và nồng nhiệt nhất.
Quả thật, Alfred Nobel (1833-1896) là một công dân toàn cầu sáng giá bậc nhất. Ông phụng sự xã hội hết mình không chỉ khi còn sống mà cả khi đã rời xa “cõi tạm”. Là nhà trí thức đúng nghĩa, nhà bác học tầm cỡ hàng đầu thế giới, ông kết tinh những gì là cao quý nhất của gia đình, dòng họ và tổ tiên xa xưa vốn là dân “cày sâu cuốc bẫm”. Ông nội Nobel làm nghề thợ cạo kiêm thầy lang. Cha Nobel là một bước đột phá. Ông học kỹ sư xây dựng, trầy trật làm ăn, và chỉ thật mở mắt khi sang Baku, Nga lăn mình vào công nghiệp dầu mỏ. Rồi thất bại, kiên quyết làm lại, thất bại nữa, mấy lần như thế, ông nhất định không đầu hàng cuộc sống. Ông nỗ lực phát huy hết sức mạnh trí óc và trái tim của mình. Cuối cùng, một cách chính đáng, gia đình Nobel trở thành doanh nghiệp thành công nhất và lọt vào nhóm vài nhà giàu sụ ở Thụy Điển. Sự nghiệp lẫy lừng mà ông xây dựng được là một niềm tự hào và cổ vũ lớn cho các con, nhất là Alfred Nobel. Sống nghĩa là hữu ích tối đa cho đời, tâm niệm ấy của cha ngấm vào máu thịt Nobel. Sống được như thế quả không hề dễ.
Bài học kiên định của cha đã giúp Alfred Nobel vượt qua mọi bất hạnh, gian nan, hoàn thành sứ mệnh cao cả: Cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Nhân nghĩa có thừa, ông lận đận trong hạnh phúc riêng. Do dồn hết tâm trí vào “khoa học phụng sự loài người”, ông xao nhãng nhiều niềm vui trần thế thông thường, đặc biệt chuyện đôi lứa. Năm 43 tuổi, ông gặp Sophie Hess, cô gái 20 tuổi người Áo làm nghề bán hoa tươi. Hai người yêu nhau, tưởng một tổ ấm sẽ ra đời. Nhưng, như về sau cô gái thổ lộ, quan hệ đó chỉ là sự “hỗ trợ tài chính vô tư” của nhà bác học thực tế chứa chan nhân ái. Trước khi gặp Hess ít lâu, Nobel đăng tin tuyển thư ký và một cô gái Áo, tên Bertha von Suttner (1843-1914), có học thức và lịch lãm được nhận. Hai người tâm đầu ý hợp. Nhưng sau hai tuần, cô xin nghỉ việc. Sự thật, cô bị mẹ của người yêu, Arthur von Suttner, kém cô 7 tuổi, do muốn dập tắt mối tình của hai người, đã gửi gắm cô cho Nobel. Nhưng tình yêu đã thắng. Về Áo, cô bí mật kết hôn, hai vợ chồng tay trắng lưu vong và làm việc quên mình. Ý nguyện phụng sự cuộc đời, nhất là hòa bình, đã được thực hiện khá mỹ mãn. Tiểu thuyết Hãy buông vũ khí, xuất bản năm 1889 của Bertha von Suttner là một hiện tượng văn chương xã hội xúc động bấy giờ, tác động mạnh mẽ tới phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Bà là một chiến sĩ hòa bình lừng lẫy, được nhân loại sùng kính và tri ân. Năm 1905, bà là người phụ nữ đầu tiên được tặng Giải Nobel hòa bình.
Thật phải lẽ, việc Nobel được hưởng từ bà một tình bạn đúng nghĩa. Sau khi chia tay, hai người liên tục thư từ qua lại đều đặn, cho tới khi Nobel tạ thế. Bertha von Suttner vô tình cho Nobel thấy thế nào là một con người đích thực, thế nào là hòa bình lý tưởng. Thư từ của bà không khác một nguồn sáng soi tỏ con người ông, không quá lời khi nói rằng chính bà gợi ý cho Nobel về các giải thưởng mang tên ông, được trân trọng suốt hơn một thế kỷ. Tiêu chí đầu tiên của sứ mệnh làm người là phải lao động cật lực. Với một đứa trẻ, đó là học hành miệt mài, thu nhận kiến thức nhiều nhất có thể. Nobel tự hào về chặng đường thứ nhất đó. Là một chú bé ốm yếu, ông nỗ lực học giỏi, thành thạo 5 thứ tiếng, nghiên cứu quên mình. Ông là chủ sở hữu của 355 bằng phát minh sáng chế, 93 công ty và xí nghiệp ở hơn 20 quốc gia. Xin chú ý, mục tiêu của ông không phải là danh lợi. Thành tựu lớn nhất của ông là tìm ra thuốc nổ an toàn khi vận chuyển. Mua đất ở một làng Pháp hẻo lánh, làm nhà thí nghiệm, ông kiên nhẫn hàng tháng trời, quyết chế tạo được loại thuốc nổ ấy. Đã có lần, thí nghiệm của ông làm chết 5 người, trong đó có chú em út thân yêu. Nhưng chính viễn cảnh phát minh của mình sẽ giảm hoạt động cơ bắp, tăng nhanh tiến độ và hiệu quả việc phá núi, xẻ hầm… đã thôi thúc ông lao động không biết mệt mỏi. Ông đi khắp thế giới, đưa phát minh nhanh nhất vào đời sống của các cộng đồng. Phát minh này giúp rất nhiều cho công nghiệp, nhất là làm đường, xuyên núi, xuyên biển, hải cảng, khai thác mỏ. Đáng buồn, cũng như mọi phát kiến hay phát minh khác, nó bị lợi dụng ngay vào chiến tranh trước nhất.
    |
 |
Tượng đài Alfred Nobel tại công viên tưởng niệm Alfred Nobel Planet, Đại học Alfred Nobel, Ukraine. Ảnh: Đại học Alfred Nobel |
Ông để lại một tài sản kếch xù, khoảng 32 triệu krona Thụy Điển, suýt soát 179 triệu euro, thời giá năm 2013. 1 triệu krona dành tặng các cháu, bạn bè và nhân viên cũ (ông không có vợ, con). Phần còn lại, ông di chúc lập thành Quỹ Nobel (ra đời năm 1900) an toàn, tức là sinh lợi, mỗi năm chia đều lãi thành 5 phần bằng nhau, trao tặng những người không phân biệt quốc gia, chủng tộc, nam nữ… có cống hiến lớn nhất cho nhân loại trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y tế, văn học và hòa bình (lĩnh vực kinh tế do Ngân hàng Thụy Điển đề xuất năm 1969).
Việc công bố di chúc của Nobel năm 1897 dậy sóng dư luận Thụy Điển. Tài sản khổng lồ đó sao không dành cho gia đình? Sự thật, Nobel nhận thấy người ruột thịt của ông sản xuất và kinh doanh chưa đúng cách, chưa giỏi. Trao tiền cho họ lợi bất cập hại. Cho các cháu ư? Đáp lại là quan niệm sống “chuẩn không cần chỉnh”: Ai sinh ra trên đời cũng phải tự lực cánh sinh! Dựa dẫm chỉ khiến xã hội thêm thối nát và trì trệ. Lối sống ấy, tức tiêu chí làm người thứ hai này, lý giải thuyết phục thành công và tấm lòng của Nobel vậy. Vì sao ông không vinh danh các nhà toán học? Không phải như đồn đoán, rằng ông không muốn công kênh “tình dịch” của ông (cướp mất Sophie Hess), một nhà toán học Thụy Điển. Hẳn ông chưa nhìn đúng tầm quan trọng của khoa học cơ bản, như hôm nay người ta thường khẳng định: “Thế giới là toán học”.
Đến tuổi vị thành niên, Nobel từng viết bằng tiếng Anh rất nhiều thơ và hai tiểu thuyết bị bỏ dở. Ông thấy chúng ấm ớ quá. Thế là từ bỏ ngay giấc mộng chữ nghĩa mà hầu như ai cũng ôm ấp một đôi lần. Tiêu chí sứ mệnh làm người thứ ba là đây: Chỉ nên sáng tạo theo đúng sở trường, nghĩa là phải tự biết; không nên ảo tưởng trong bất kỳ việc gì, dù chúng vẽ ra thiên đường tươi đẹp đến mấy. Được biết, các sáng chế của ông, do tính thiết thực, được nhiều nước muốn “độc quyền” sử dụng. Khi ông bán một phần cho Ý, Chính phủ Pháp nổi giận (bấy giờ Ý với liên minh của mình đang chống Pháp). Tuy vậy, ông vẫn không nao núng.
Tiếp tục sản xuất cho những nơi cần, không đội tiền lên đầu, ông vẫn là một trong những người giàu nhất thế giới hồi ấy. Đó là vì ông kiên định lập trường sống chủ động, tích cực. Tiêu chí thứ tư này của sứ mệnh làm người được chứng minh bằng việc lựa chọn Nobel văn chương hơn một thế kỷ qua. Sống chủ động và tích cực hiển nhiên là lối sống đúng đắn nhất, phù hợp với bản chất loài người. Lối sống này là khó nhất trong hầu như mọi mô hình xã hội. Nền tảng của nó là đạo lý của nhân dân lao động: Thuần khiết, bao dung, nhân ái, lợi ích và ý chí của số đông là quyết định. Chính lối sống ấy đòi hỏi ông “sáng chế” các giải Nobel, được hiểu như những lời nhắc nhở chí nghĩa chí tình, không thể thiếu trong cuộc sống chung giữa mọi tập thể lớn nhỏ. Bắt đầu từ một đôi bạn, từ một cặp người tình…
BÌNH TÂM