Từ đầu tháng 6 tới nay, lần lượt Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và mới đây nhất là Thái Lan thông báo sẽ sớm khởi động quy trình xin gia nhập BRICS. Trong khi Thái Lan kỳ vọng sẽ trở thành thành viên chính thức của khối vào tháng 10 tới, thì Malaysia cho rằng, gia nhập BRICS là bước đi phù hợp với xu thế chung đa phương hóa. Còn Thổ Nhĩ Kỳ xem việc gia nhập BRICS như là sự lựa chọn thay thế cho mục tiêu trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) vốn bị “đóng băng” hàng thập kỷ qua, nhằm thúc đẩy triển vọng kinh tế.

leftcenterrightdel

 Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 24.8.2023. Ảnh: Xinhua

Gia nhập BRICS đang trở thành một xu thế mới trên thế giới. Mới đầu năm 2024, BRICS đã có bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển khi cùng lúc kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). So với lần mở rộng đầu tiên khi kết nạp Nam Phi năm 2011, hiện nay số lượng thành viên của BRICS tăng gấp đôi. Chưa dừng ở đó, theo người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov, hiện số lượng quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS đông đến mức nhóm này khó có thể đáp ứng đầy đủ mong đợi của tất cả quốc gia.

Sức hấp dẫn với BRICS không phải là ngẫu nhiên. Trong 15 năm, kể từ khi ra đời năm 2009, BRICS đã vươn mình từ một tổ chức thiên về đầu tư thành một nền tảng chính trị cho hợp tác liên chính phủ với tham vọng mang lại cho khu vực Nam bán cầu nhiều ảnh hưởng hơn trong các vấn đề thế giới. Theo con số thống kê, hiện BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và 1/4 tổng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, theo ước tính, BRICS đủ khả năng chiếm tới 50% GDP toàn cầu vào năm 2040, trở thành một cực quan trọng trong thế giới đa cực mà nhóm đang hướng tới.

Tiềm năng của các nước thành viên BRICS cũng rất đa dạng. 3 trong số các thành viên sáng lập của nhóm là Brazil, Trung Quốc và Nga là những nước xuất khẩu kim loại quý và đất hiếm có vai trò hết sức quan trọng, thì 3 quốc gia khác là Ai Cập, Ethiopia và Saudi Arabia lại nằm quanh kênh đào Suez, tuyến thương mại huyết mạch quan trọng bảo đảm trên 12% thương mại toàn cầu. Còn Saudi Arabia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu, mang lại cho khối này tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường năng lượng. 

Quan trọng nhất là gia nhập BRICS, các nước thành viên có cơ hội tham gia vào mối quan hệ mới theo công thức “win-win”, tức là cùng thắng. Sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của nhiều nước Nam bán cầu đang thúc đẩy các quốc gia này tìm kiếm những mối liên kết mới để thoát khỏi sự ràng buộc của các hệ thống do phương Tây lãnh đạo, nơi mà họ luôn cảm thấy như mình luôn ở “chiếu dưới”. Với mục tiêu chung là chống lại ảnh hưởng chi phối của phương Tây với trật tự kinh tế và địa chính trị thế giới, BRICS trở thành địa chỉ hấp dẫn mà các nước phương Nam như Malaysia, Thái Lan... hướng tới. Sự tham gia vào các thị trường mới như BRICS sẽ đem lại lợi ích đáng kể. Tư cách thành viên BRICS có thể mở ra những thị trường và cơ hội đầu tư mới, giúp đa dạng hóa nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một hoặc một số đối tác thương mại. Đề cập đến mục tiêu gia nhập BRICS, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã không ngần ngại bình luận: “Phương Tây muốn kiểm soát quỹ đạo của thế giới, nhưng chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận điều này. Các quốc gia độc lập có quyền tự do bày tỏ nguyện vọng. Trật tự thế giới đơn cực không còn tồn tại. Sự trỗi dậy của BRICS và Trung Quốc đang mở ra niềm hy vọng mới về kiểm soát và cân bằng quyền lực toàn cầu”.

Sở hữu những nguồn lực khổng lồ nên đương nhiên BRICS có nhu cầu, đòi hỏi chính đáng về việc ý kiến của mình cần phải được lắng nghe và tôn trọng. Tiềm lực kinh tế càng mạnh thì cơ hội tác động của BRICS tới trật tự địa chính trị quốc tế càng mở rộng, tạo ra sự thách thức với trật tự đơn cực cũ do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Không chỉ mở rộng thành viên, BRICS bắt đầu tạo ra những cơ chế để nâng tầm ảnh hưởng. Mới đây, BRICS thông báo “đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn tất quá trình phi USD hóa”, nghĩa là sẵn sàng cho một “hệ thống trao đổi tiền tệ quốc tế đa cực”. Khi ra đời, hệ thống thanh toán mới này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với hệ thống thanh toán bằng USD.

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS thì đã lên kế hoạch từ bỏ hoàn toàn đồng USD vào năm 2026, hướng tới mục tiêu “lật đổ” thế thống trị của USD như là đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới. Trên thực tế, từ đầu năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã chính thức thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp cho các giao dịch năng lượng giữa hai nước. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu thực hiện một số hợp đồng thương mại với Nga mà không dùng USD.

Cú bứt tốc của BRICS đang “phả thêm hơi nóng vào gáy” của những thiết chế kinh tế hàng đầu thế giới mà phương Tây nắm quyền lãnh đạo. Tất nhiên, tham vọng của BRICS là hướng tới một thế giới đa cực, trong đó nhóm sẽ có vai trò ảnh hưởng, chứ không phải là tái hiện cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa các cường quốc hàng đầu thế giới.

TƯỜNG LINH