Tan vỡ “giấc mơ London”

Lúc bấy giờ ở Pháp, kết quả bỏ phiếu của nước Anh giống như “tiếng sét ngang tai”. Tổng thống Pháp bấy giờ là François Hollande than thở: “Quyết định rời khỏi EU của Anh là một lựa chọn đau đớn và tôi vô cùng tiếc về điều đó”. Nhà lãnh đạo Pháp nói thêm: “Cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh là cuộc kiểm tra nghiêm túc đối với lục địa già”.

Tin tức này đã ảnh hưởng nặng nề đến các công dân Pháp cư trú tại Anh, đặc biệt bởi cộng đồng người Pháp là cộng đồng lớn nhất được thành lập ở xứ sở sương mù. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, năm 2016 có 140.224 người Pháp định cư tại Anh thì năm 2022 con số này là 142.233. Như vậy, trong 6 năm qua, số lượng người Pháp sống ở Anh không có nhiều biến động. Có người chọn ở lại, có người chọn ra đi.

leftcenterrightdel
 Người dân Pháp ở Anh đứng trước những lựa chọn khó khăn khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu cách đây 8 năm. Ảnh: Wallpaper Flare

 

Martin là một trong những người Pháp rời Anh sau Brexit. Martin nhớ lại, anh cùng vợ và hai con, lúc đó mới 4 và 7 tuổi, đến London vào năm 2015, một thành phố khi đó đang tỏa ra năng lượng “kiểu New York”. Đối với các con của Martin, đó là cơ hội duy nhất để có được khả năng song ngữ có giá trị.

Nhưng “giấc mơ London” của Martin đã sụp đổ vào tháng 6-2016. “Cuộc trưng cầu  ý dân giống như cơn ác mộng. Tôi đã nhìn thấy những khuôn mặt như sắp khóc trên đường phố thủ đô nước Anh một ngày sau chiến thắng của những người ủng hộ Brexit. Lúc đó, tôi từng hy vọng quyết định này sẽ không được áp dụng”, anh Martin nói.

Năm 2018, Martin và gia đình nhỏ của anh không thể nộp đơn xin “thường trú”, một thủ tục để ở lại Anh với yêu cầu 5 năm cư trú trên đất Anh. Đối mặt với tình trạng không chắc chắn vào thời điểm đó, cùng với ngã rẽ trong sự nghiệp, Martin và vợ nhận lời mời làm việc ở Brussels (Bỉ). “Cảm giác thiên đường đã mất và viễn cảnh về một sự lãng phí to lớn đối với châu Âu, đặc biệt là đối với người Anh”, Martin chia sẻ.

Khác với Martin, Cécile là một trong những người Pháp đã chọn ở lại xứ sở sương mù bất chấp Brexit. “Hoạt động nghề nghiệp của tôi không phụ thuộc vào quốc tịch Pháp cũng như nơi tôi sống. Chồng tôi là người Anh, có công việc ở đây. Các con tôi mang hai quốc tịch Pháp-Anh, được giáo dục theo hệ thống của Anh. Bạn bè của tôi chủ yếu là người Anh. Tôi hoàn toàn hòa nhập vào đời sống xã hội Anh về mọi mặt”.

Nhưng ký ức về ngày 24-6-2016 vẫn in sâu trong tâm trí Cécile. Một “cú sốc lớn”. Giống như nhiều người Anh, tối hôm trước, Cécile đi ngủ trong yên bình trong khi các cuộc thăm dò dự đoán nước Anh sẽ ở lại EU. “Chúng tôi thức dậy khi nghe đài thông báo kết quả bầu cử. Tôi đã khóc. Những bạn người Anh của tôi đều hết sức kinh ngạc. Tôi cảm thấy xấu hổ khi sống ở đây vào ngày Anh thực sự rời EU”.

Khoảng thời gian sau cuộc trưng cầu ý dân thật sự bất ổn với những người Pháp ở Anh. Mãi đến năm 2020, Cécile cuối cùng đã làm được thẻ cư trú dài hạn để tiếp tục sống ở Anh mà không bị giới hạn thời gian cũng như được hưởng những lợi ích từng có, chẳng hạn như an sinh xã hội. Đối với Cécile, có rất ít thay đổi, ngoại trừ cuộc sống với những phiền toái hằng ngày của Brexit, với những hạn chế di chuyển của người và hàng hóa. 

Sống chung với Brexit

Giống như Cécile, Corinne chuyển đến Anh vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, mọi thứ đều đơn giản và cô luôn coi nước Anh như quê hương của mình. “Chúng tôi từng ở trong mái nhà chung EU”, người mẹ 4 con bồi hồi nhớ lại. Ngày 24-6-2016, Corinne bật khóc khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố. “Một kết quả sít sao nhưng phần thắng nghiêng về việc nước Anh ra khỏi EU. Chỉ cần nhìn Thủ tướng Boris Johnson ngày hôm đó bạn sẽ hiểu. Chúng ta nhận thấy trên khuôn mặt ông ấy không phải là vẻ hân hoan chiến thắng mà là sự hoảng sợ bị đè nén”.

Corinne cảm thấy buồn hơn khi lúc đó mình không còn là công dân Pháp sống ở Anh mà là người nhập cư từ EU. Phải mất một thời gian khá dài, Corinne mới có thể lấy lại sự ổn định... Với cô, rời khỏi Anh không phải là một lựa chọn. “Cuộc sống của các con tôi đều ở đây, và tôi cũng vậy”, Corinne chia sẻ. Tuy nhiên, cô phải học cách sống chung với "di sản" của Brexit mà 8 năm sau, nó tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế Anh. 

Khảo sát gần đây của tổ chức “Nước Anh trong một châu Âu thay đổi” cho thấy, 66% người dân Anh tin rằng Brexit gây thiệt hại kinh tế. Giáo sư Jonathan Portes thuộc Đại học King’s College London cho rằng, tác động trực tiếp và rõ nhất của Brexit là tạo ra các rào cản thương mại đáng kể giữa hai bên. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo năm 2025, kinh tế Anh sẽ đứng cuối bảng trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 1%, thấp hơn mức 1,2% được tổ chức này dự báo trước đó. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm 2024 xuống còn 0,4% từ mức 0,7% trước đó.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn Cambridge Econometrics (Anh), tổng giá trị gia tăng thực tế của Anh trong năm 2023 thấp hơn khoảng 140 tỷ bảng so với mức dự đoán nếu Anh vẫn ở lại EU và sẽ giảm khoảng 311 tỷ bảng (10,1%) đến năm 2035. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều xấu. Theo Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, sau Brexit, Anh vẫn là nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất châu Âu, với tổng số vốn FDI cao hơn Đức, Pháp và Italy gộp lại. 

Sau 8 năm Brexit, đến nay, 51% người Anh vẫn mong muốn nước này quay trở lại với EU. Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer, người có nhiều khả năng thành công trong cuộc bầu cử vào ngày 4-7 tới, cho biết sẽ đàm phán lại về hiệp định thương mại với EU trong năm 2025, nhưng vẫn không tái gia nhập EU. Dù kết quả cuộc bầu cử sắp tới ra sao, cộng đồng người Pháp ở Anh vẫn mong muốn hai quốc gia bên bờ eo biển Manche tiếp tục duy trì sự gắn kết để vơi bớt phần nào nỗi buồn chia ly ngày 24-6 của 8 năm về trước.

HOÀNG ĐAN