Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí The Lancet mới đây, tỷ suất sinh toàn cầu đã giảm từ khoảng 5 con/phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 2,2 con/phụ nữ vào năm 2023 (tỷ suất sinh 2,1 là cần thiết để dân số của một quốc gia duy trì ổn định, không cần bổ sung lao động nhập cư). Trong đó, tỷ suất sinh ở Hàn Quốc là thấp nhất thế giới, chỉ 0,8. Tại Trung Quốc, năm 2023, chỉ có khoảng 9 triệu trẻ được sinh ra, tương đương tỷ lệ 1,3 trẻ/phụ nữ, mức thấp nhất từ năm 1949. Dân số quốc gia đông dân thứ hai thế giới, trong năm 2023 cũng giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 1,4 tỷ người. Các nước châu Âu lại có tỷ suất sinh khả quan hơn mức trung bình là 1,5. Tại khu vực Bắc Mỹ, Mỹ là 1,6 và Canada là 1,4. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), với tỷ lệ sinh hiện tại, đến năm 2100, dân số Hàn Quốc sẽ giảm tới hơn 50%.

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn khu vực châu Phi là có tỷ suất sinh tương đối cao. Dự báo, Samoa, Somalia, Tonga, Niger và Chad có tỷ suất sinh vượt mức thay thế là 2,1 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2100. Một số khu vực ở vùng hạ Sahara vẫn có mức sinh rất cao 5-7 con/phụ nữ.

leftcenterrightdel
 Hàn Quốc đang có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: Independent

 

Một nghiên cứu khác dẫn dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá y tế Mỹ cho biết, đến năm 2050, dân số của 155 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ bị thu hẹp. Vào cuối thế kỷ này, tình trạng trên sẽ xảy ra tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ suất sinh giảm là việc nuôi con và chi phí sinh hoạt ngày càng tốn kém. Đang có rất nhiều người trẻ ở các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng “ngại” sinh con, thậm chí không sinh con là do họ khó có đủ tiền để nuôi một đứa trẻ. Chi phí nuôi dạy một trẻ em đến tuổi 18 ở Hàn Quốc hiện cao nhất thế giới, khoảng 7,7 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người. Tiếp theo là Trung Quốc với chi phí cao gấp 6,9 lần. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Đức, Australia và Pháp cũng có chi phí nuôi con đứng ở tốp đầu thế giới.

Hệ lụy của tình trạng suy giảm tỷ suất sinh chính là việc dân số già hóa, tăng gánh nặng xã hội và khả năng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế. Vì thế, các quốc gia đang “đau đầu” với tình trạng này đều đã có giải pháp. Năm 2015, Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách "một con" và ngày nay, các cặp vợ chồng được phép có đến 3 con. Cùng với đó, chính quyền trung ương cũng như nhiều địa phương nước này cũng thực hiện các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con khi đến tuổi phù hợp như: Miễn thuế, kéo dài thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở, tích hợp dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ vào hệ thống dịch vụ công, ban hành chính sách thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và gia đình cho người lao động...

Hàn Quốc cũng quyết liệt với các chính sách tăng hỗ trợ thúc đẩy sinh con. Theo đó, chính phủ nước này chú trọng hỗ trợ điều kiện sống tốt hơn cho các cặp đôi như: Tăng thời gian nghỉ thai sản, tăng số ngày nghỉ chăm trẻ khi cần thiết và trực tiếp hỗ trợ giúp mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Thậm chí, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tới 2 triệu won (tương đương 37 triệu đồng) cho những phụ nữ muốn đông lạnh trứng trước, để họ có thể có lựa chọn sinh con khỏe mạnh sau này. Thậm chí, tại Seoul, nơi có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, chính quyền thành phố hỗ trợ mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn tới 22 lần thực hiện các biện pháp điều trị vô sinh. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng sinh đôi, sinh ba còn được đăng ký chương trình bảo hiểm miễn phí dành cho con cái.

Song song với những biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt chú trọng khuyến khích việc kết hôn. Nhờ đó, năm 2023, đã có khoảng 194.000 cặp đôi kết hôn, tăng 1% so với năm 2022.

So với Hàn Quốc, Nhật Bản còn có “truyền thống” sinh ít con “lâu đời” hơn nhiều. Vì thế, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng tỷ suất sinh ở nước này giảm còn 1,2 vào năm ngoái, thấp hơn 0,06 điểm so với năm 2022. Xu hướng giảm sinh tại xứ sở hoa anh đào đã ghi nhận trong 5 thập niên qua. Thậm chí, dân số Nhật Bản dự báo sẽ giảm mạnh trong những thập niên tới, đặt ra những thách thức cho nền kinh tế và xã hội. Đối phó với nguy cơ này, Chính phủ Nhật Bản đang mở rộng hỗ trợ các gia đình nuôi con. Thủ tướng Fumio Kishida đã thành lập Cơ quan Trẻ em và Gia đình để giám sát các chính sách liên quan đến trẻ em. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật sửa đổi nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình, bao gồm cả việc mở rộng trợ cấp cho trẻ em và giảm gánh nặng tài chính liên quan đến việc sinh con và giáo dục đại học.

Dù mỗi quốc gia đều có những chính sách nhằm cân bằng tỷ suất sinh nhưng thực tế, theo các chuyên gia dân số, trong xã hội hiện đại, làm sao để khuyến khích người dân sinh thêm con luôn là "bài toán khó vô cùng". Tỷ suất sinh thấp phản ánh nhu cầu của con người hiện đại, khi người ta ngày càng mong muốn có một cuộc sống chất lượng hơn, dành thời gian cho bản thân mình hơn. Vì thế, giải pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất chính là việc cải thiện cuộc sống cho người dân. Việc cải thiện này không chỉ là vấn đề thu nhập mà còn là các chính sách an sinh xã hội phù hợp, mang đến cho người dân một cuộc sống thực sự hạnh phúc.

HOÀNG OANH