Ngày 19-1-1993, trước ngày nhậm chức Tổng thống thứ 42 của xứ cờ hoa, Bill Clinton đã tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng của phe Dân chủ sau 12 năm quyền lực rơi vào tay phe Cộng hòa. Nhiều ngôi sao đã đến tham dự buổi lễ, trong số đó có các nghệ sĩ nổi tiếng như: Barbra Streisand, Michael Jackson, Elton John... Lần lượt các ngôi sao biểu diễn trên sân khấu.

leftcenterrightdel

 Ngày 3-11-1992, ứng cử viên Tổng thống Bill Clinton (bên trái) và phó tướng liên danh Al Gore giơ tay giành chiến thắng ở bang Arkansas. Ảnh: AP

Trong bầu không khí cuồng nhiệt này, 18.000 khách mời chỉ chờ đợi một điều duy nhất: Màn trình diễn của Fleetwood Mac! Trước ánh mắt đầy ngạc nhiên của các quan khách, 5 thành viên của nhóm nhạc Fleetwood Mac-những người từng trên đỉnh cao sự nghiệp vào cuối thập niên 1970 đã đồng ý gác lại bất đồng và lên sân khấu thể hiện một trong những bản hit lớn nhất của họ: “Don't Stop” (tạm dịch: Đừng dừng lại)... Một bữa tiệc đầy cảm xúc!

Christophe Delbrouck, nhà văn và tác giả cuốn tiểu sử về nhóm nhạc Anh-Mỹ này, giải thích: “Bạn phải nhận ra bản chất đặc biệt của thời điểm này. Đây là lần đầu sau nhiều năm, những nghệ sĩ này chơi cùng nhau. Tay chơi guitar Lindsey Buckingham đã rời nhóm vào năm 1987. Ca sĩ Stevie Nicks cũng làm như vậy vào năm 1990 để cống hiến hết mình cho sự nghiệp solo của mình. Cả hai cũng xúc phạm nhau rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Từ một ban nhạc đã bán được hàng triệu đĩa nhạc vào thời kỳ hoàng kim, năm 1993, Fleetwood Mac đã trở thành cái bóng của chính mình”...

Nhưng vì sao “Don't Stop” lại có ý nghĩa như vậy với Tổng thống Bill Clinton? Bruce Lindsey, cựu thân tín của Tổng thống Clinton, kể riêng cho L'Express về chuyện “Don't Stop” trở thành bài "quốc ca không chính thức" của Thống đốc bang Arkansas. Lindsey kể: “Bill Clinton và tôi đã đến California để phát biểu trước khi ông ấy tuyên bố tranh cử tổng thống. Tình nguyện viên trẻ Shawn Landres khi đó làm tài xế cho chúng tôi. Shaw nói với ông Clinton rằng, nếu ông ấy tranh cử, “Don't Stop” sẽ là bài hát chủ đề cho chiến dịch tranh cử hợp lý nhất. Shawn lấy chiếc băng cassette và mở bài hát này ngay trên ô tô. Khi nghe bài hát, Bill Clinton như bừng tỉnh. Lời bài hát “Ngày mai sẽ tốt hơn trước” như một thông điệp, hoàn toàn phù hợp với những gì ông mong muốn truyền tải. Nhưng vẫn còn quá sớm để chọn một bài hát cho chiến dịch”.

Lựa chọn cuối cùng được đưa ra một cách vội vàng vài tuần sau đó. “Một ngày trước khi tuyên bố ra tranh cử, khi duyệt chương trình, chúng tôi nhận ra rằng bản nhạc mà ban nhạc “Hope High School” sẽ chơi không đủ hấp dẫn để huy động đám đông. Tôi được giao nhiệm vụ tìm kiếm bản nhạc phù hợp. Tôi nhớ đến gợi ý của Shawn. Sau khi gọi điện cho một số cửa hàng băng đĩa địa phương, tôi đã tìm thấy một bản mẫu trong album “Rumors” phát hành năm 1977. Chúng tôi đã nghe và quả quyết rằng “Don’t Stop” sẽ thành công”, Bruce Lindsey kể tiếp.

Ban đầu, sự lựa chọn âm nhạc của Clinton khiến mọi người bàn tán. Trong chiến dịch tranh cử, các thành viên trẻ tuổi đã thúc giục ứng cử viên Đảng Dân chủ nên chọn một nhóm nhạc hợp thời trang hơn. Trong chương trình “Saturday Night Live” được nhiều người xem, các diễn viên hài trêu chọc Bill Clinton rằng thập niên 1990 đang quay trở lại nước Mỹ. Đó là thời điểm nhạc rap bắt đầu xâm chiếm làn sóng radio và thế giới khám phá ra Nirvana... Đột nhiên, nhạc pop California có vẻ ngô nghê.

Christine McVie, ca sĩ của ban nhạc Fleetwood Mac và là nhà soạn nhạc, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng “Don't Stop” sẽ phù hợp hơn với nhạc nền quảng cáo của một công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, thế hệ baby boomer mà Clinton hy vọng sẽ thu phục được lại rất vui mừng khi có thể lắng nghe bài hát này một lần nữa. “Không có khía cạnh chính trị nào trong âm nhạc của Fleetwood Mac, mặt khác, tác phẩm được đề cập là đề cao đức tính dũng cảm, sức mạnh đạo đức. Do đó, chủ đề này rất hợp lý trong bối cảnh Mỹ đang tiêu thụ thuốc chống trầm cảm nhiều hơn các sản phẩm gây ảo giác”, Lindsey khẳng định.

Russell Riley, giáo sư tại Đại học Virginia và là tác giả cuốn sách “Bên trong Nhà Trắng của Clinton: Lịch sử truyền miệng” khẳng định: “Khi ê kíp vận động tranh cử của ứng viên Clinton lấy lại và phát hành lại, bài hát ra đời năm 1977 này đã là một bản hit cũ. Tuy nhiên, bài hát đã phản ánh tâm trạng của chiến dịch, báo trước một sự thay đổi thế hệ trong nền chính trị Mỹ. Vào thời điểm đó, nước Mỹ vừa trải qua 12 năm thống trị của Đảng Cộng hòa với Ronald Reagan và sau đó là George H.W.Bush làm Tổng thống gắn liền với các cuộc chiến tranh bên ngoài nước Mỹ. Vì vậy, ứng viên Tổng thống Clinton và phó tướng Al Gore của Đảng Dân chủ đã mang đến một điều gì đó mới mẻ. Và chiến dịch đã tận dụng được điều đó”.

Để vượt qua đối thủ, ứng viên Bill Clinton đã dốc hết sức vào âm nhạc và các phương tiện truyền thông mới. Trong khi George H.W.Bush từ chối xuất hiện trên MTV, kênh truyền hình mà ông mô tả là kênh dành cho thanh thiếu niên, thì ứng cử viên Đảng Dân chủ lao tới đó và trực tiếp trả lời các câu hỏi của thính giả trẻ. Clinton còn xuất hiện trên Arsenio Hall Show, đeo kính râm và chơi saxophone. Hình ảnh này sẽ còn in sâu trong ký ức nhiều người. Nhà sản xuất điều hành của NBC News, Bill Wheatley nói: “Tôi không chắc tối nay chúng ta đã học được nhiều điều ngoài việc Bill Clinton đeo kính đen và sẵn sàng chơi saxophone...”.

Những nỗ lực trên đã có tác dụng. Vào ngày bầu cử 3-11-1992, 11 triệu cử tri từ 18 đến 24 tuổi đã đi bỏ phiếu, so với 8 triệu cử tri vào năm 1988. Đây là con số cao nhất kể từ cuộc bầu cử năm 1972 trong cuộc đua giữa Richard Nixon và George McGovern.

Phần còn lại của câu chuyện đã được biết: Bill Clinton đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vì ông đã giành được đa số đại cử tri (370 so với 168). Nhờ chiến dịch tập trung vào giới trẻ và âm nhạc, Bill Clinton đã trở thành Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ.

TRANG ANH