Kỳ 1: Richard Nixon và Elvis Presley: Cuộc gặp gỡ "điên rồ"
Cuối năm 1970, Richard Nixon đã nắm quyền được gần hai năm, là một tổng thống được lòng đa số người Mỹ (trừ giới trẻ), những người đang trông cậy vào ông để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trong khi đó, Elvis Presley là một ngôi sao đang mất phong độ. Trở thành diễn viên điện ảnh trong thập niên 1960, nam ca sĩ dần bị lu mờ bởi các ban nhạc và ca sĩ đang nổi lên như The Beatles, Bob Dylan, Led Zeppelin, The Doors, Rolling Stones... "Ông hoàng nhạc rock and roll" Elvis Presley luôn lo lắng trước cuộc nổi dậy của giới trẻ, sự phản văn hóa và sự suy thoái của các giá trị truyền thống.
Một ngày cuối tháng 12-1970, Presley cảm thấy cô độc trong ngôi nhà của mình ở Graceland, thành phố Memphis, bang Tennessee. Bất chợt Presley nảy ra ý định gặp Tổng thống Nixon càng sớm càng tốt. Trước đó, ý tưởng thường trực trong đầu nam ca sĩ là được gia nhập Cục Ma túy liên bang, được trang bị thẻ đặc vụ liên bang, để vạch mặt những kẻ buôn người tràn ngập trong ngành kinh doanh biểu diễn. “Ông hoàng” đang mơ về việc mình sẽ tham gia vào quá trình phục hồi của nước Mỹ.
“Tôi rất muốn gặp ngài, ngài Tổng thống”, Presley thầm nhủ.
Nghĩ là làm, vài giờ sau, Presley đã ngồi trên ghế hạng thương gia trên chuyến bay của hãng hàng không American Airlines đến Washington. Trong chuyến đi, Presley đã viết một bức thư dài 6 trang. “Thưa Tổng thống, trước hết, tôi xin tự giới thiệu: Tôi là Elvis Presley, tôi ngưỡng mộ Tổng thống và tôi rất tôn trọng cách làm việc của ngài”, Presley mở đầu. “Tôi đã nói chuyện với Phó tổng thống Spiro Agnew ở Palm Springs cách đây 3 tuần về mối quan tâm của tôi đối với đất nước”. Sau đó, Presley liệt kê những lý do khiến ca sĩ lo lắng: “Văn hóa ma túy, những người hippie, sinh viên, Black Panthers”. Tất nhiên, Presley bỏ qua chi tiết ông ta nghiện ma túy, thuốc an thần và chất kích thích.
|
|
Tổng thống Mỹ Richard Nixon và “ông hoàng” nhạc rock 'n' roll Elvis Presley trong cuộc gặp ngày 21-12-1970. Ảnh: AP
|
Ca sĩ của các ca khúc “Love Me Tender” và “Heartbreak Hotel” viết tiếp: “Tôi có thể làm tất cả để giúp đỡ nước Mỹ. Vì vậy, tôi mong muốn được bổ nhiệm làm đặc vụ liên bang lưu động. Thưa ngài, tôi đang ở khách sạn Washington, phòng 505-506-507. Tôi đăng ký dưới tên Jon Burrows. Tôi sẽ ở lại thủ đô cho đến khi nhận được giấy chứng nhận là một đặc vụ liên bang. Tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng sự nguy hiểm của ma túy và tôi rất sẵn lòng giúp đỡ ngài, miễn là điều đó được giữ bí mật”. Hơi ngây thơ nhưng được trang bị thần kinh thép, Presley đề nghị: “Tôi rất muốn gặp ngài để chào hỏi, nếu ngài không quá bận”.
Rạng sáng 21-12-1970, Presley xuất hiện trước cổng Nhà Trắng với lá thư trên tay. Đó là lúc 6 giờ 30 phút sáng. Choáng váng, người lính gác đã chuyển bức thư đến cố vấn thân cận của Tổng thống, Egil Krogh. Là người ngưỡng mộ “ông hoàng” Presley nhưng Krogh vẫn nghĩ rằng đây là một trò đùa. Dù vậy, Krogh vẫn cho rằng, có thể để Presley chụp ảnh cùng Tổng thống bởi điều đó không thể gây hại cho Nixon, mà ngược lại có thể cải thiện hình ảnh của Tổng thống trong lòng người dân.
Lúc đầu, Tổng thống Nixon cho rằng yêu cầu của nam ca sĩ là quá đáng. Ngoài ra, rock and roll không phải sở thích của ông. Là người yêu nhạc cổ điển và cũng là nhạc sĩ nổi tiếng (ông chơi 5 nhạc cụ: Piano, clarinet, violin, accordion, saxophone), Nixon còn là tác giả của một bản concerto cho piano. Nhưng cuối cùng, đối với ông, chính trị luôn thắng. Vậy hãy cùng đến phỏng vấn với “Ông hoàng nhạc rock and roll”...
Chiều hôm đó, Presley ăn mặc lòe loẹt, khoác áo choàng đen, cổ xẻ và thắt lưng vàng đi gặp người đứng đầu nước Mỹ. Trước khi đến Nhà Trắng, “Ông hoàng nhạc rock and roll” đã ghé thăm Cục Ma túy liên bang, nơi ông gặp Phó giám đốc John Finlator. Là một nhà sưu tập huy hiệu cảnh sát, Presley hỏi Finlator rằng liệu ông có thể nhận được một chiếc huy hiệu của Cục Ma túy liên bang hay không. “Hoàn toàn không thể”, Finlator trả lời. Presley nói: “Tôi có cuộc gặp với Tổng thống. Liệu có phiền nếu tôi đưa ra yêu cầu này với Tổng thống không?”. Finlator đáp: “Chắc chắn đó là cách duy nhất để ông có thể có được nó”, Phó giám đốc Finlator mỉm cười chế nhạo khi đưa Presley ra cửa.
Tại Nhà Trắng, ca sĩ Presley và Tổng thống Nixon cùng ăn nhẹ. Presley gợi lại buổi hòa nhạc hippie Woodstock năm 1969, chỉ trích The Beatles “đơn giản là đến Mỹ để kiếm tiền”, chỉ trích John Lennon có quan điểm chống nước Mỹ. Giữa “ông hoàng” Presley và Tổng thống Nixon dường như bắt đầu tìm ra điểm chung. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân mật hơn.
Trong cuốn sách “Richard Nixon”, tác giả Antoine Coppolani viết: “Mối quan hệ của hai người chắc chắn là do nguồn gốc xã hội khiêm tốn của họ. Presley là con trai của một người lính canh, Nixon là con một người bán tạp hóa. Cả hai đều phục vụ trong quân đội: Nixon là lính hải quân trong Chiến tranh Thái Bình Dương, còn Presley đi lính ở Đức năm 1958.
Là người đam mê súng ống nên ca sĩ không đến tay trắng. Để làm quà, anh ta mang theo một chiếc hộp đựng khẩu Colt 45 và một số viên đạn bạc. Tuy nhiên, các nhân viên mật vụ đã tịch thu món quà ở lối vào Nhà Trắng.
Sau cuộc hàn huyên, nam ca sĩ vẫn ám ảnh về chiếc huy hiệu. “Liệu Tổng thống có thể cấp cho tôi một huy hiệu đặc nhiệm chống ma túy không?”, Presley hỏi. “Để xem liệu chúng tôi có thể tặng huy hiệu cho anh không đã”-dứt lời, Nixon quay sang Krogh.
Presley sau đó đã nhận được một huy hiệu... Rất vinh dự và phấn khích, Presley bất ngờ ôm lấy Tổng thống Nixon. Để kỷ niệm lần gặp gỡ, Tổng thống Nixon và “ông hoàng” Presley đã bắt tay, chụp ảnh cùng nhau.
Giữ bí mật hơn một năm, câu chuyện trên được tiết lộ bởi một bài báo trên tờ Washington Post vào tháng 1-1972, 5 năm trước khi Presley qua đời vào năm 1977. Bức ảnh bắt tay giữa hai nhân vật nổi tiếng hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ.
(còn nữa)
TRANG ANH