Trên thực tế những năm gần đây, lượng du khách từ Ấn Độ tới Việt Nam ngày càng tăng. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023, Việt Nam đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 231% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2024, con số này đã là 231.000, tăng tới 164% so với cùng kỳ năm 2023.
Những năm tới, dự báo nhu cầu du lịch của người Ấn Độ sẽ “bùng nổ”, nhất là khi đất nước đông dân nhất thế giới này dự kiến sẽ có thêm gần 20 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới nhận định, đến năm 2027 sẽ có khoảng 50 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài với mức chi lên tới 100 tỷ USD.
|
|
Du khách Ấn Độ thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: NGỌC MỸ
|
So với các điểm đến khác, Việt Nam sở hữu những thế mạnh vượt trội để thu hút du khách Ấn Độ. Trong đó, trước hết là vị trí địa lý. Khoảng cách giữa Việt Nam và Ấn Độ không quá xa, chỉ khoảng 4-5 giờ bay. Thứ hai, người Ấn Độ dành sự quan tâm lớn cho yếu tố chi phí du lịch, trong khi Việt Nam lại có giá thành dịch vụ cạnh tranh, thấp hơn 10-15% so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những công trình, văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh mang đặc trưng của Ấn Độ nên dễ dàng có sự giao thoa và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Về kết nối, gần đây nhiều đường bay mới đã được mở thẳng từ Việt Nam đi Ấn Độ. Hiện đường bay thẳng giữa hai nước đã có hơn 60 chuyến mỗi tuần.
Lượng người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, nhưng để khai thác thị trường này lại hoàn toàn không dễ. Bởi thứ nhất, đây được coi là thị trường “nhạy cảm về giá”. Giá cả luôn là yếu tố quan tâm đầu tiên và quyết định chuyến đi của du khách Ấn Độ. Họ sẽ tìm đủ mọi cách để chắc chắn rằng các doanh nghiệp lữ hành đã chào cho họ mức giá ưu đãi nhất. Đặc biệt, du khách Ấn Độ không chỉ “mặc cả” từ trước chuyến đi mà còn cả trong quá trình thực hiện dịch vụ và kể cả khi đã kết thúc dịch vụ. Mặt khác, dù luôn đòi hỏi chi phí thấp nhất nhưng du khách Ấn Độ lại yêu cầu chất lượng dịch vụ vẫn phải ở mức tiêu chuẩn chứ không được giảm theo giá thành.
Một vấn đề khác đối với du khách Ấn Độ là dù đi du lịch ở bất cứ đâu, họ vẫn luôn luôn yêu cầu ẩm thực Ấn Độ trong chuyến đi. Vì thế, điểm đến du lịch sẽ không hấp dẫn du khách Ấn Độ nếu thiếu ẩm thực Ấn Độ.
Dù du khách Ấn Độ thuộc hạng “khó chiều” nhưng ngành du lịch Việt Nam không thể không quan tâm tới thị trường khổng lồ này. Và vì thế, cần có những giải pháp để thu hút du khách Ấn Độ. Trong đó, trước hết là hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh thông tin đại chúng. Du khách Ấn Độ có thói quen tiếp nhận, tìm hiểu thông tin điểm đến, sản phẩm du lịch qua hệ thống các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trước khi đưa ra quyết định du lịch. Vì thế, việc đẩy mạnh quảng bá qua công nghệ số sẽ là con đường hiệu quả để tiếp cận phân khúc khách này.
Giải pháp tiếp theo là du lịch Việt Nam cần chuẩn bị ngay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa hiểu văn hóa, thói quen sinh hoạt cũng như ẩm thực của người Ấn Độ. Việc này rút ra từ kinh nghiệm thực tế khi giai đoạn 2016-2017, lượng du khách Nga và Trung Quốc tăng đột biến nhưng ngành du lịch đã không bảo đảm được nhân lực để đáp ứng. Cùng với đó, theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam cần hoàn thiện hệ sinh thái về các nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt chuẩn để phục vụ du khách Ấn Độ, đáp ứng các nhu cầu về ẩm thực, cầu nguyện... của du khách.
Ấn Độ là một trong những thị trường du lịch mà Việt Nam cần phải đầu tư thu hút trong thời gian tới. Đây rõ ràng là nguồn khách có nhiều tiềm năng và có tác động lớn đến việc quảng bá hình ảnh, dịch vụ du lịch của Việt Nam đến Ấn Độ. Trong tương lai, ngành du lịch phục vụ khách Ấn Độ tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, trải nghiệm độc đáo và gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia.
TRẦN MINH