Phóng viên (PV): Thưa chị, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là vùng văn hóa mang bản sắc độc đáo trong sự đa dạng, phong phú. Vậy đề tài DTTS của VHNT nơi đây có gì đặc biệt?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Tôi sinh ra, lớn lên, gắn bó với vùng đất Tây Nguyên và luôn tự hào về mảnh đất này. Chính vì thế, khi sáng tác về đề tài DTTS, mỗi văn nghệ sĩ, dù có cách thể hiện qua tác phẩm riêng nhưng đều vô cùng tâm huyết. Đồng thời, sự đa dạng trong văn hóa của nhiều dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn gắn liền với thiên nhiên hùng vĩ cũng là điểm mạnh để tác phẩm mang đậm hơi thở và hương vị của núi rừng, sông suối Tây Nguyên. Dấu ấn, bản sắc các dân tộc cũng được thể hiện khá rõ nét.
Nếu theo dõi và quan tâm đến VHNT khu vực Tây Nguyên, bạn sẽ thấy ngoài những văn nghệ sĩ là người địa phương, gắn bó với vùng đất này, nơi đây cũng hấp dẫn nhiều văn nghệ sĩ từ nơi khác đến. Đơn cử tại Đắk Lắk, không chỉ có các văn nghệ sĩ người DTTS mà rất nhiều văn nghệ sĩ người Kinh đã sáng tác nên nhiều tác phẩm về đề tài DTTS đặc sắc. Nhiều người trong số họ đã đạt những thành công nhất định, được đông đảo công chúng biết đến và nhận nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế.
PV: Đề tài DTTS đã được các hội VHNT khu vực Tây Nguyên quan tâm sáng tác như thế nào, thưa chị?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Từ nhiều năm nay, hội VHNT các tỉnh Tây Nguyên tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động sáng tác VHNT về đề tài DTTS. Trong đó có một số hoạt động trọng tâm tổ chức qua chương trình phối hợp giữa các tỉnh. Chính vì thế, đời sống VHNT đã có những khởi sắc nhất định.
Thực tế, đề tài DTTS ở khu vực Tây Nguyên vô cùng phong phú, bởi đây là nơi hội tụ của đầy đủ 54 dân tộc anh em. Ví như tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống. Chúng tôi đã tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác ở nhiều chuyên ngành, về các vùng sâu, vùng xa, về các buôn làng. Việc gặp gỡ, tìm hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân ở nhiều nơi xa xôi, hẻo lánh và còn nhiều khó khăn cũng là chất xúc tác làm dậy lên cảm hứng sáng tạo với từng văn nghệ sĩ. Từ đó nhiều tác phẩm bám sát đời sống đồng bào các dân tộc đã ra đời với rất nhiều cảm xúc và tình cảm được gửi gắm.
Tại Đắk Lắk, bên cạnh các chuyến đi thực tế, trại sáng tác, chúng tôi còn phối hợp với các địa phương tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, tập trung về những nội dung, như: Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong giai đoạn hiện nay, hướng đi để kết nối giữa gìn giữ văn hóa với du lịch cộng đồng...; tổ chức một số chương trình tái hiện, phục dựng nghi lễ dân gian; trình diễn cồng chiêng...
Không chỉ quan tâm tới các dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi cũng chủ động quan tâm tìm hiểu đời sống, văn hóa của nhiều dân tộc di cư từ phía Bắc vào, như: Tày, Nùng, Thái, Mường... Đặc biệt, dành nhiều thời gian tham gia các kỳ lễ hội, vừa thâm nhập thực tế vừa đa dạng đề tài trong các tác phẩm. Trong đó, chúng tôi quan tâm đến hình ảnh gắn bó thân thiết của các dân tộc, hướng đến những tác phẩm VHNT về tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
PV: Cụ thể VHNT các DTTS ở đây đã phát huy vai trò ra sao trong tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Tây Nguyên luôn là vùng đất lành đón người từ mọi miền đất nước về đây sinh sống và lập nghiệp. Còn đó những khó khăn nhất định nhưng luôn gắn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. Chính vì thế, văn nghệ sĩ Tây Nguyên luôn xác định được trọng tâm chính để sáng tác và làm nổi bật đề tài này.
Nếu có dịp đến Tây Nguyên, thưởng thức âm nhạc, bạn sẽ cảm nhận được nhiều âm điệu của các dân tộc trong sáng tác của nhạc sĩ. Có âm hưởng dân ca của người Ê Đê, Ba Na, M’Nông cùng với giai điệu của dân tộc Thái, Nùng... Đó là một trong những điều thú vị.
Tại Đắk Lắk, chúng tôi có nhiều chương trình giới thiệu, công bố, triển lãm VHNT tập trung về chủ đề đoàn kết các dân tộc. Những tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật về lực lượng vũ trang, thanh niên, phụ nữ cùng giúp đỡ bà con gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế hay vượt qua bão lũ... được sáng tác và quảng bá ở nhiều hình thức. Đây cũng là đề tài có ý nghĩa rất lớn trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua tác phẩm VHNT mà chúng tôi luôn hướng tới.
PV: Thưa chị, VHNT các DTTS dẫu có nhiều thành tựu nhưng vẫn được cho là còn nhiều thách thức trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể điều gì làm chị và các văn nghệ sĩ ở Tây Nguyên quan tâm nhất?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Các hội VHNT trong khu vực Tây Nguyên, hoạt động VHNT của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức, như: Về điều kiện cuộc sống, phương tiện sáng tác... Hay như việc chương trình hỗ trợ từ Trung ương cấp về cho các hội VHNT địa phương rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ sáng tác cho văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh phí trong quảng bá tác phẩm VHNT đến với công chúng, đặc biệt là đưa về vùng sâu, vùng xa cũng tác động không ít đến sự nhiệt tình sáng tạo của văn nghệ sĩ.
PV: Trong lúc này, việc quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ trẻ được thực hiện ra sao, thưa chị?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Nền tảng cho những người sáng tác trẻ bắt đầu từ tình yêu và tự hào về văn hóa, vùng đất họ sinh sống. Vì thế, trong rất nhiều năm qua, Hội VHNT Đắk Lắk đã chủ trì tổ chức nhiều trại bồi dưỡng sáng tác VHNT dành cho học sinh, trong đó đặc biệt tổ chức những chuyến đi tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Trong mỗi chuyến đi, các em được những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà thơ, nhà văn giảng giải, giới thiệu, hướng dẫn về sự đặc sắc của cồng chiêng, gùi, ché, thổ cẩm, cầu thang nhà sàn...
Mặt khác, chúng tôi quan tâm tuyển chọn các em có năng khiếu VHNT là người DTTS. Trực tiếp hướng dẫn và nuôi dưỡng tình yêu cho các em một cách dài hơi và bền bỉ. Nhiều bạn trẻ đã trưởng thành từ các trại bồi dưỡng sáng tác do Hội tổ chức và bắt đầu sáng tác với niềm say mê nhỏ bé. Tôi tin, một ngày không xa, các em sẽ trở thành những văn nghệ sĩ tạo nên tác phẩm giá trị, đậm đà bản sắc như mong đợi.
PV: Theo chị, trong dòng chảy xã hội hiện đại ngày nay, làm sao để VHNT các DTTS bắt kịp thời đại nhưng vẫn phải giữ được những đặc trưng, bản sắc vốn có?
Nhà văn Niê Thanh Mai: Đối với VHNT, mỗi tác giả là một chủ thể quyết định con đường sáng tác cũng như đề tài của mình. Đối với VHNT các DTTS, nếu say mê không thôi thì chưa đủ, phải có sự hiểu biết về văn hóa, phải có tình yêu, sự chia sẻ. Kể cả với chính tác giả là người DTTS thì cũng phải đầu tư rất nhiều tâm sức, không ngừng học hỏi, có như thế thì tác phẩm mới sống được trong lòng công chúng và quan trọng là được đồng bào đón nhận.
Cùng với đó, văn nghệ sĩ phải không ngừng vận động để bắt nhịp được những chuyển mình trong đời sống hiện nay. Đồng nghĩa với việc trong tác phẩm bảo đảm được yếu tố truyền thống, đặc sắc của các dân tộc nhưng vẫn có yếu tố thời đại; điều này thật sự không hề dễ dàng. Muốn đạt được điều đó, ngoài sự nỗ lực chính của văn nghệ sĩ thì các cơ quan, ban, ngành và các hội VHNT cần phải phát huy tốt vai trò, tạo nhiều điều kiện hơn nữa để văn nghệ sĩ có thể cống hiến, phát huy tài năng của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn chị!
DƯƠNG THU (thực hiện)