Tây Nguyên có hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Vào lúc người Kinh rộn rã đón mùa xuân, thì lúc này Tây Nguyên cũng rạo rực bước vào mùa lễ hội. Mùa đã thu xong thành quả, khép lại một mùa lao động cực nhọc. Mùa làm lễ Pơ thi (lễ bỏ mả). Mùa bắt chồng, hỏi vợ. Mùa thả cho hồn mình đắm chìm trong men rừng chuếnh choáng mà quên đi mọi muộn phiền.

Mùa lễ hội Tây Nguyên diễn ra vào những tháng cao điểm của mùa khô, nhưng sắc thái của mùa lễ hội ấy rất khó gọi tên, không hẳn là mùa khô, mà mùa mưa thì cũng chưa hẳn. Nó như một mùa riêng biệt, đứng riêng một mình một cõi, thành một cái gạch nối giữa hai mùa khát cháy bóng râm và lướt thướt mưa thèm nắng. Một cái gạch nối quan trọng, ngạo nghễ, ngắn ngủi mà chứa đựng tất cả những triết lý nhân sinh hiền minh nhưng cũng rất đỗi vô tư của người Tây Nguyên, những con người gần gũi với thiên nhiên, sòng phẳng với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối trước khi làn sóng văn minh ồ ạt kéo đến, du nhập vào cộng đồng.

leftcenterrightdel

Cụ A Díp (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) dạy các em nhỏ ở buôn làng cách chơi chiêng. Ảnh: BẢO HƯNG 

Để hiểu rõ hơn về “sắc thái mùa” trong dịp diễn ra những lễ hội quan trọng nhất của người Tây Nguyên trong suốt một năm, hãy tìm đến những khu rừng khộp. Cả một vùng rừng khẳng khiu, trơ trọi với những thân, những cành khô đét, quắt lại như những bộ xương bị nắng hun. Trùng trùng điệp điệp sắc khô tàn úa như thể màu xanh diệp lục đã rủ nhau bỏ đi biệt xứ, không cả một lần ngoảnh lại tiếc nuối. Dường như bao nhiêu huyết sắc, bao nhiêu nhựa sống lá đã ụa ra hết cho nắng bốc hơi, để rồi gom vào mình nhiều nhất có thể những âm thanh giòn tan, rồm rộp, rộn rã dưới bước chân người. Lần tận hiến cuối cùng cho cuộc đời, dâng khúc nhạc cho mùa lễ hội của kiếp thảo mộc thản nhiên, vô ưu, không một lần phiền muộn vì đời sống ngắn ngủi. Lụi tàn mà không tuyệt vọng, rừng khộp rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, trạng thái của hủy diệt, để lại mở đầu cho kỳ tái sinh. Bầy thú hoang ẩn náu nơi rừng khộp cũng lặng lẽ tìm đến những cánh rừng nguyên sinh, những cánh rừng nhiệt đới còn xanh tốt để ẩn náu qua mùa rừng ngơi nghỉ, chờ hết mùa trút lá, rừng lại lên xanh. Phải một lần đứng trước rừng khộp mới thấy thương những mảnh B'ri (rừng). Thương như con thú hoang lang thang tìm quê hương, nguồn cội, tìm nơi nương náu bao dung, sợ mất đi B'ri sẽ biến thành bầy thú mồ côi vong xứ.

leftcenterrightdel

Thiếu nữ và hoa cà phê. Ảnh: NGÔ MINH 

Ở phía bên kia gạch nối là sắc trắng đến nhức mắt, trắng đến tưởng như không còn bất kỳ thứ gì trên đời có thể tinh khiết hơn được nữa-sắc trắng của hoa cà phê. Mặc người vào mùa lễ hội, hoa cứ bung nở, cứ ngát hương sau khi được uống đầy đủ, no nê dòng nước mát. Hoa bung đều bông, người sống nơi cao nguyên nắng gió yên tâm tận hưởng chút nhàn nhã sau mùa thu quả, cắt cành, tưới nước, yên tâm nghĩ đến một mùa thu hoạch sai trĩu nối tiếp.

Đó là lúc người Tây Nguyên cũng bước vào mùa nghỉ ngơi, không làm rẫy, không lên nương. Làm việc quần quật suốt năm, lúa từ mùa trước đã thu vào gùi, mùa sau còn chờ tiếng sấm ra mới bắt đầu. Men lá đã ủ thành thứ rượu mà voi uống vào quên đường về, chim uống vào quên tiếng hót, người già uống vào quên tuổi tác, người trẻ uống thấy mình có thể vượt qua ngàn ngọn núi, lội qua ngàn con suối tìm người thương. Tiếng cồng, tiếng chiêng từ khắp các đỉnh núi đã cất lời mời gọi suốt ngày đêm không dứt. Thế thì sao mà lòng không rạo rực, mắt không náo nức. Làm sao mà bàn chân không khỏe khoắn, nhanh nhẹn tìm thăm nhà anh em, bạn bè, họ hàng cho được. Cái bụng đã giục giã, bàn chân chỉ cần nghe theo.

 Trong mùa lễ hội của Tây Nguyên, lễ hội thiêng liêng nhất, lớn nhất, rộn ràng nhất, cần thiết nhất là lễ Pơ thi. Phải bỏ mả để người chết được tái sinh.

leftcenterrightdel
Đua voi bên hồ Lắk. Ảnh: MINH PHƯƠNG

 Với người Tây Nguyên, cái chết chẳng có gì nặng nề. Như rừng khộp đến mùa ngưng nghỉ, chuyển hóa, con người ta khi hết đoạn sống thì phải tạm ngưng để tái sinh trở lại. Sau khi về cõi A tâu (thế giới bên kia) với ông bà, tổ tiên, nguồn cội trong một khoảng thời gian, hồn chuyển qua bảy kiếp rồi lại được trở lại cõi người qua bản thể là giọt sương ban mai thuần khiết. Giọt sương tiếp tục đầu thai vào ama (bố), amí (mẹ) ở thế hệ tiếp nối để thành người. Bởi vậy mà khi người thân chết đi, cộng đồng người Tây Nguyên dựng các khu nhà mồ, hằng ngày chăm nom cơm nước. Những căn nhà nhỏ được dựng lên bằng cây, che xung quanh các nhà mồ. Người sống chia vật dụng cần thiết cho người chết mang theo sang thế giới bên kia. Nào chiêng ché, nào gùi, nào dụng cụ lao động. Nào những bức tượng đủ kích thước, đủ loại hình, tượng khỉ mặt sầu, tượng đàn ông lao động, đàn bà địu con giã gạo, tượng trai gái, tượng bào thai, tượng ôm mặt khóc, tượng chống cằm cười, tượng đứng, tượng ngồi, kẻ cao, người thấp, lô nhô trong cõi A tâu im lặng, huyền bí. Tượng là tình cảm quyến luyến của người sống, là vị thần bảo vệ, che chở cho người chết không bị quỷ ma quấy phá. Từ lúc người thân về với ông bà cho đến khi làm lễ Pơ thi, hằng ngày, người trong nhà ăn món gì thì mang ra nhà mồ cho người chết món đó. Đồ ăn, thức uống được gửi tới người trong mồ bằng ống nối. Người sống ngồi bên người đã khuất, kể lể, tâm sự chuyện nhà, chuyện bon để họ không thấy lẻ loi.

Đến một ngày, khi gia đình đã chuẩn bị xong trâu, bò, dê, heo, gà và phải đúng vào mùa lễ hội, mùa nghỉ ngơi thì làm lễ Pơ thi. Cả bon, cả buôn kéo đến tổ chức cuộc tiễn đưa cuối cùng của một kiếp người. Rộn ràng, rạo rực từ lúc chiều buông cho đến khi bình minh lên. Lửa hừng hực cháy theo bước chân xoang nhịp nhàng. Tiếng chiêng từ khu nhà mồ ngân vang bốn phía. Những khúc dân ca thiết tha, những câu chuyện rì rầm thâu đêm suốt sáng. Hương rượu cần khiến trời đất cùng nghiêng ngả.

leftcenterrightdel
Dạy con phóng lao.  Ảnh: MINH PHƯƠNG

Theo quan niệm của bà con các dân tộc Tây Nguyên, cõi người và cõi thế giới bên kia hòa nhập bên nhau trong không khí thiêng liêng, huyền ảo của núi rừng. Đêm Pơ thi, người sống múa hát, ăn uống, đánh chiêng, khóc cười tiễn biệt một lần cuối cùng với hồn của người đã khuất. Đêm Pơ thi, không ai tỉnh. Để sớm mai, khi đêm tàn, ngày mới đến, nghi thức hiến sinh vừa kết thúc, người sống không còn ràng buộc với người chết, bỏ hết những vấn vương mà tiếp tục cuộc sống của mình. Những đồ đạc đã chia, những bức tượng đứng ngồi đã tạc, những nhà mồ sẽ nằm im trong mưa gió, mặc thời gian bào mòn, hoang phế, rồi tan biến vào rừng. Nấm mồ không cần ghi tên tuổi. Tượng không cần biết ai đã tạo ra, chỉ biết đó là người được Yàng chọn vào lúc cần thiết phải tạc. Đơn giản, thuần khiết, hồn hậu, sinh ra từ rừng lại trở về với rừng, xin từ rừng lại trả lại cho rừng. Bỏ đi hết, để tất cả hòa vào đất trời, sông suối, hòa vào cỏ cây, hoa lá, bụi đất, thảo mộc. Giải thoát cho người đã mất và giải phóng cho người còn sống. Nghĩa địa, nhà mồ của người Tây Nguyên là nơi bắt đầu sự sống. Pơ thi là khởi nguồn tái sinh. Cũng như mùa xuân của người Kinh là mùa hy vọng, mùa khởi đầu, mùa làm lại. Đứng lên từ những đổ nát, hoang tàn, từ những mất mát, chia ly. Còn mùa tái sinh là còn hy vọng...

Nhớ về mùa lễ hội Tây Nguyên, tôi học cách sống vô tư, nhẹ nhàng, thuận theo tự nhiên, tử tế với thiên nhiên. Tôi đi tìm sự ngây thơ bản gốc của giọt sương ban mai đến với cõi người...

ĐÀO THU HÀ