"Miền ký ức" Tây Nguyên giữa lòng Đà Lạt

Căn nhà nhỏ nằm cuối con hẻm trên đường Đào Duy Từ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là một thử thách không nhỏ đối với khách lần đầu ghé thăm. Con dốc hẹp, dựng đứng, ngoằn nghèo dẫn từ đường lớn xuống ngôi nhà dưới thung lũng khiến những tay lái sành sỏi nhất cũng cảm thấy e ngại. Tuy nhiên, nếu vượt qua trở ngại ấy, khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng "Miền ký ức" Tây Nguyên qua những hiện vật xưa cũ, nhuốm màu thời gian.

leftcenterrightdel

Nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng giới thiệu bộ sưu tập trang sức cổ của anh 

Nguyễn Quốc Dũng sinh năm 1977, là thư ký Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu-sưu tầm cổ vật Lâm Đồng, hiện ngụ tại phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hơn 20 năm trước, khi còn là một thiếu niên, anh đã có sở thích sưu tầm các vật dụng cũ như: Xe máy, xe đạp, đồng hồ, máy nghe nhạc, ti vi... Đến tuổi trưởng thành, làm nghề nương rẫy, trồng cà phê, có cơ hội gắn bó nhiều hơn với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua những lần tiếp xúc, được nghe người dân nói chuyện về văn hóa, phong tục tập quán, anh thêm hiểu và yêu hơn văn hóa Tây Nguyên.

Nhìn những hiện vật quý giá, đặc trưng, gắn liền với đời sống của đồng bào trong các buôn làng dần biến mất trước nhịp sống hiện đại, anh vô cùng tiếc nuối và mong muốn sưu tầm, lưu giữ lại. Ban đầu chỉ là những vật dụng phổ biến thường ngày của bà con như gùi, cối, chày, rựa... Theo thời gian, bộ sưu tập của anh tăng lên và không ngừng mở rộng biên độ về chủng loại, niên đại, có thêm nhiều hiện vật quý hiếm.

Hơn 20 năm miệt mài tìm kiếm, sưu tập, Nguyễn Quốc Dũng đang sở hữu khoảng 10.000 cổ vật, hiện vật về văn hóa Tây Nguyên và các nền văn hóa cổ khác trên dải đất miền Trung của nước ta. Các cổ vật, hiện vật trong bộ sưu tập của anh rất phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực như: Nông cụ, nhạc cụ, trang sức, vật dụng sinh hoạt, nghi lễ... Niên đại trải dài từ thời nguyên thủy cách đây hàng nghìn năm như rìu đá, đàn đá cho đến thời cận đại. Riêng bộ sưu tập trang sức đã có khoảng 3.000 hiện vật, từ những chiếc vòng, bao tay bằng đồng trong văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn cách đây hàng nghìn năm đến các loại dây chuyền, hoa tai, trâm cài tóc của nhiều thế kỷ trước. Tất cả được chế tác tinh xảo, theo nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau.

Chiêm ngưỡng kho cổ vật, hiện vật của NST Nguyễn Quốc Dũng, khách có thể cảm nhận rõ sự phong phú và nét đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên-vùng đất vừa có sự khu biệt rất rõ nét về văn hóa vừa có sự giao thoa, tiếp biến mạnh mẽ với các nền văn minh, văn hóa lân cận trong suốt chiều dài lịch sử. “Người Tây Nguyên trước đây ít sản xuất các đồ dùng kim khí, chiêng, ché, trang sức nhưng lại đặt hàng các dân tộc khác sản xuất theo nhu cầu sử dụng và gu thẩm mỹ của mình. Do đó, nhiều hiện vật dù không được sản xuất tại Tây Nguyên nhưng mang phong cách nghệ thuật Tây Nguyên”, NST Nguyễn Quốc Dũng phân tích.

Ước vọng gìn giữ, đánh thức di sản

Khi nhìn vào thâm niên và số lượng hiện vật lớn mà anh sở hữu, hẳn nhiều người nghĩ Nguyễn Quốc Dũng rất giàu có hoặc ít ra kinh tế cũng khá giả mới có thể đeo đuổi thú chơi xa xỉ vốn không dành cho số đông. Tuy nhiên, thực tế thì anh chỉ là người bình thường, trong cuộc sống nhiều lúc còn thiếu trước hụt sau. “Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, chưa có nhiều tiện nghi hiện đại, sản xuất hàng loạt theo quy mô công nghiệp như bây giờ thì những vật dụng truyền thống của đồng bào rất nhiều. Cái nào mình thích, mình xin, bà con cũng cho, thậm chí nhiều món dù phải mua cũng rất rẻ. Sau này, khi nhịp sống hiện đại và tiện nghi công nghiệp lấn át, những vật dụng truyền thống mất dần, thậm chí “tuyệt chủng” thì nó mới trở nên quý giá và mình là người may mắn giữ lại được”, Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.

Ngoài sự say mê thì nỗi lo lắng cổ vật bị "chảy máu" khiến anh phải nỗ lực rất nhiều. Không ít lần anh phải vét hết số tiền dành dụm được, đi vay mượn người thân, bạn bè, thậm chí bán cả mảnh vườn là nguồn thu nhập chính của gia đình để mua cổ vật. Anh nhớ lại:

- Năm 2013, tôi được người bạn báo tin một người dân ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk có chiếc ché rất quý, đang rao bán. Đường từ Đà Lạt sang Đắk Lắk khá xa, đèo dốc, mà trời đang mưa bão nên việc di chuyển rất nguy hiểm. Không có ô tô, chỉ có mỗi chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện đi lại hằng ngày nhưng khi nghĩ chiếc ché quý có thể sẽ bị người khác mua mất khiến tôi đứng ngồi không yên. Tôi quyết định đi qua Đắk Lắk giữa trời mưa bão. Tới Đắk Lắk, chủ nhân của chiếc ché lại nói để bên Gia Lai. Chạy tới Gia Lai, qua kiểm tra, tôi biết đây là chiếc ché mẹ bồng con, khá quý hiếm, có từ thế kỷ 18, xuất xứ từ Châu Ổ (Quảng Ngãi) nên quyết định mua. Mua xong, một mình tôi chở theo chiếc ché bằng xe máy lầm lũi theo quốc lộ qua đèo An Khê xuống Bình Định. Khi chạy tới đèo Cù Mông (Phú Yên) thì không thể đi tiếp vì mưa to, gió lớn. Tôi phải xuống đi bộ, vừa dắt xe vừa ôm chiếc ché dò dẫm trên quãng đường dài trước khi vào một nhà dân xin trú bão. Hành trình đưa chiếc ché về mất đúng 3 ngày, có lúc tưởng bỏ mạng giữa đường.

leftcenterrightdel

Cổ vật và hiện vật văn hóa Tây Nguyên của nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng 

Với NST Nguyễn Quốc Dũng, những hiện vật, cổ vật không chỉ là những vật thể hiếm hoi, in dấu thời gian mà còn chứa đựng ký ức và câu chuyện hấp dẫn. Nhìn chiếc nỏ màu đen bóng, anh có thể nhìn thấy đại ngàn hùng vĩ, vóc dáng vạm vỡ của những chàng trai Tây Nguyên đuổi theo muông thú trong những cuộc đi săn náo nhiệt. Qua những chiếc vòng tay, anh thấy mùa yêu, mùa “trao vòng tay cầu hôn” của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên. Với anh, nền văn minh nương rẫy của người Tây Nguyên với sáng tạo, khế ước, luật tục, minh triết đã in dấu trên những cổ vật, hiện vật nhuốm màu thời gian, biến nó trở thành đại sứ, tiêu biểu cho bản sắc của vùng đất Tây Nguyên.

Hiểu và yêu tha thiết di sản văn hóa Tây Nguyên, NST Nguyễn Quốc Dũng luôn hào phóng, sẵn sàng trao tặng các bảo tàng, bạn bè những cổ vật, hiện vật quý giá dù anh rất khó khăn mới sưu tầm, sở hữu được nó. Điển hình như năm 2013, anh tặng Trung tâm Văn hóa Chăm (Ninh Thuận) 2 hiện vật gốm Chăm; năm 2017, anh tặng Bảo tàng Lâm Đồng 1 chiếc đàn piano của Pháp mang dấu ấn Đà Lạt xưa. Tháng 10-2023, anh tặng cộng đồng người Cơ Ho ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn (Lâm Hà, Lâm Đồng) 49 hiện vật gồm ché, gùi, cung tên, xà gạc, cối giã gạo cùng nhiều vật trang sức như dây cườm, vòng đồng cầu hôn, nhẫn cưới... giúp người dân bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng. Anh cho biết sẽ tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ 50 hiện vật trang sức xưa trong năm 2024...

Ngoài việc trao tặng, NST Nguyễn Quốc Dũng cũng đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm chung nhằm giới thiệu các bộ sưu tập tới công chúng. Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2013), anh tổ chức triển lãm giới thiệu hơn 100 cổ vật chủ yếu là chum, ché cổ Tây Nguyên tại Nhà ga xe lửa Đà Lạt. Tháng 8-2022, anh khai trương không gian cà phê kiêm phòng trưng bày cổ vật, hiện vật văn hóa rộng 1.000m2 với tên gọi “Miền ký ức” trên đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt. Mới đây, vào tháng 10-2023, anh giới thiệu bộ sưu tập chuyên đề cổ vật trang sức Chăm và các dân tộc gốc Tây Nguyên với 246 hiện vật gồm: Vòng tay, vòng cổ, nhẫn, khuyên tai, chuỗi hạt cườm, trâm cài tóc... nhân dịp Lễ hội Ka-tê năm 2023 của người Chăm tại tỉnh Bình Thuận.

Nguyễn Quốc Dũng cho biết, công việc sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, hiện vật với anh không chỉ là niềm đam mê mà còn là duyên nghiệp nên dù có hạnh phúc hay đau khổ, dù không ít lần khó khăn, bế tắc, chán nản nhưng anh vẫn không thể bỏ cuộc, bởi đó dường như là sứ mạng mà anh phải lãnh nhận một cách tự thân. Anh cho rằng, ngoài kiến thức, kinh nghiệm thì người làm sưu tầm, nghiên cứu phải có “đạo chơi”, phải khách quan, trung thực bởi trong thế giới đồ cổ hiện nay, đôi khi thật-giả rất khó phân biệt.

- Ở Đà Lạt hiện có nhiều người có chung niềm đam mê như tôi và họ cũng đang sở hữu những bộ sưu tập quý giá, muốn được giới thiệu với công chúng. Tuy nhiên, để có mặt bằng đủ rộng, tiện nghi, phục vụ trưng bày, bảo quản hiện vật, cổ vật là rất khó, vượt quá khả năng của các nhà sưu tầm. Nếu được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về địa điểm, không gian, tôi nghĩ những di sản quý giá nằm im lâu nay sẽ được đánh thức, NST Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG