Biết tôi khó ăn, khó ngủ vì luôn đau đáu với kỷ niệm rừng già, sốt rét, bom đạn, một người bạn đồng ngũ gửi cho tôi bài thơ “Một thời để nhớ” của cựu chiến binh Đỗ Tiến Ruyện, người từng có thời gian dài chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên (B3). Càng đọc bài thơ ấy, tôi càng cảm thấy những mất mát hy sinh, vui buồn nơi chiến trường gian khổ ác liệt năm xưa ùa về, nó như mới diễn ra cách đây vài ngày.

Tháng 5-1965, khi đang là giáo viên Trường cấp 1 xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tôi cùng anh Lê Đáp và những đồng đội nhập ngũ vào Đại đội cối 82mm thuộc Trung đoàn 250B, Quân khu Việt Bắc. Cuối tháng 10-1966, tạm biệt cái rét căm căm ở miền Bắc, chúng tôi lên tàu vào Nam chiến đấu. Tàu dừng ở Phủ Lý (Hà Nam), sau đó chúng tôi hành quân bộ tới Quảng Bình.

Sau khi nghỉ ngơi và làm các thủ tục cần thiết, chúng tôi vượt dãy Trường Sơn, sang đất Attapeu của Lào rồi từ đó trở về Tây Nguyên và đứng chân tại Kon Tum. Tôi được biên chế về Tiểu đoàn vận tải của Phòng Hậu cần thuộc Mặt trận Tây Nguyên. Nhiệm vụ của chúng tôi rất đa dạng, khi thì vận chuyển vũ khí, đạn; lúc lại vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm và nhiều mặt hàng khác. Khi cần, chúng tôi theo chân bộ đội chủ lực để vận chuyển thương binh về bệnh xá hoặc bệnh viện.

Từ năm 1961, Mỹ, ngụy tiến hành rải chất độc hóa học khắp núi rừng Tây Nguyên. Cây cối trơ trụi. Năm 1965 và 1966, sau những đòn đánh mạnh mẽ của quân chủ lực ta, nhất là ở Sa Thầy, bọn Mỹ, ngụy liên tục tổ chức các đợt hành quân đánh vào những vị trí nghi ngờ có quân ta bằng thiết giáp và trực thăng. Với chiến thuật “nhảy cóc”, “phục kích”, “vồ mồi”, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đi công tác lẻ bị địch bắt.

Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi phải vừa thực hiện nhiệm vụ vận tải, vừa sẵn sàng cơ động đánh địch đột nhập hoặc hành quân di chuyển. Tinh thần cảnh giác của bộ đội lúc đó rất cao. Có đêm, khi cả đơn vị đang ngủ say thì bỗng chỉ huy tiểu đoàn phát lệnh báo động SSCĐ. Chúng tôi vơ vội vũ khí và tư trang, nhanh chóng rút ra vị trí theo phương án tập luyện từ trước. Lát sau thì có lệnh dừng triển khai.

Sáng ra cánh lính kháo nhau, đồng chí công vụ ở gần chỉ huy tiểu đoàn ngủ mơ kêu thất thanh “ối giời ơi!” giữa đêm khuya. Nghĩ là địch tung thám báo, biệt kích đột nhập vào vị trí trú quân nên mới báo động triển khai kế hoạch tác chiến. Cánh lính được trận cười vỡ bụng!

Chiều tối 8-4-1967 là thời điểm tôi không thể quên. Lúc ấy tôi bị sốt rét hành hạ phải nằm ở nhà thì nghe tiếng nổ rất lớn trên đỉnh đồi. Bò dậy, chui được ra khỏi nơi trú ẩn, hướng mặt về phía tiếng nổ, tôi thấy kho đạn DKZ trên đỉnh đồi rực sáng. Không lâu sau, tôi nhận được thông tin, Tiểu đội trưởng Nguyễn Đăng Hải và Phó tiểu đội trưởng Phạm Hùng Vĩ hy sinh.

Sau đó, Trung đội phó Phạm Hồng Vỹ và vài anh em nữa dùng cáng khiêng anh Ngư bị thương về nơi trú ẩn. Anh Ngư, người cùng tiểu đội với tôi nằm bất động trên cáng, toàn thân cháy đen, mặt biến dạng. Anh Vỹ thông báo ngắn gọn, trong lúc xếp đạn, một quả DKZ gần đó phát nổ đã hất anh Ngư và một số đồng đội bay xa mấy chục mét. Đồng đội đưa anh vào bệnh viện nhưng tim anh đã ngừng đập. Đến nay, hình ảnh bi thương ấy của anh trước lúc hy sinh vẫn cứ ám ảnh tôi.

leftcenterrightdel

Thầy giáo, cựu chiến binh Ngô Minh Thủy, tác giả bài viết (bên phải) kể chuyện chiến đấu ở Tây Nguyên. Ảnh: BÍCH THÚY 

Sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, lượng cung cấp ở miền Bắc cho Tây Nguyên giảm hẳn vì bị địch phong tỏa quyết liệt trên diện rộng. Trong lúc bộ đội rất đói vì thiếu gạo, thiếu muối thì tôi được cử đi học sơ cấp y tá ở Bệnh viện 1 rồi trở về công tác tại Trạm 3. Nói là làm y tá nhưng tôi cũng chỉ có một túi thuốc với ít bông băng, kim tiêm mà không có nước cất, cồn sát trùng.

Ở thời điểm đó, việc cứu chữa thương binh là yêu cầu số một. Việc làm nước cất không khó. Tôi chỉ cần đun sôi nước và thu nước ngưng tụ ở phía trên là xong. Nhưng để làm ra cồn giữa núi rừng mênh mông và thiếu thốn thì quả là phức tạp. Sau nhiều đêm suy tính, tôi đã quyết định thí nghiệm làm cồn. Tôi lấy riềng, ớt và lá cây bòng bong, gạo giã nhỏ rồi nắm lại, phơi khô để làm “men”.

Tôi nấu cơm trộn với sắn tãi ra lá chuối cho nguội rồi bóp “men” tự chế trộn đều và ủ lại. Sau 3 ngày, khi thấy có mùi thơm thì đưa hỗn hợp vào nồi để đun và lại lấy hơi nước ngưng tụ. Hì hục mấy ngày cũng được một bát B52 nước ngưng tụ. Tôi dồn chúng vào một cái lọ thủy tinh và cất kỹ như báu vật.

Mùa khô năm 1972, Trạm T3 chúng tôi tiếp nhận một trường hợp đặc biệt. Sau khi điều trị vết thương ở Viện 4, trên đường trở lại đơn vị, anh Xuân ở Trung đoàn 28 quê Ninh Bình bị dính mảnh bom, bị thương rất nặng ở đầu, tay. Anh được đồng đội phát hiện và đưa vào Trạm T3 trong tình trạng hôn mê sâu. Hằng ngày, tôi dùng cồn tự chế để lau rửa vết thương cho anh.

Vài hôm sau thì anh tỉnh. Đôi mắt anh mở to, rồi cái miệng mấp máy. Tôi phải ghé tai sát đầu anh mới nghe rõ anh nói. Anh nói nhát gừng, giọng yếu ớt là rất thèm được ăn thịt gà, cơm nếp. Tôi báo lại với Trạm trưởng Nguyễn Văn Mậu. Anh Mậu cho người vào bản đổi gà, gạo nếp mang về. Nhìn thấy đồ ăn được mang tới, khi đưa miếng thịt gà vào miệng thì anh Xuân lắc đầu. Nước mắt anh trào ra và rồi anh nhắm mắt, ngưng thở, tạm biệt chúng tôi.

Giữa chiến trường khốc liệt, trong điều kiện thiếu thốn, chúng tôi chặt cây nứa đập dập rồi kết lại như một chiếc chiếu để bó thi thể anh và an táng. Chúng tôi cúi đầu nghẹn ngào tạm biệt anh giữa núi rừng im ắng nhưng đặc quánh mùi thuốc súng.

Ở chiến trường Tây Nguyên thời đó, đói khổ là nhẽ thường tình. Thời đó, ngoài kẻ thù, chúng tôi còn phải chiến đấu với sốt rét ác tính. Nhiều đồng đội của tôi đã ra đi trên đường hành quân vì sốt rét. Đang bình thường đột nhiên người có cảm giác hơi lành lạnh, ngây ngấy sốt, rồi toàn thân lạnh toát. Dường như cái lạnh ấy từ trong xương phát ra, khiến người run cầm cập, hai hàm răng va đập vào nhau kêu thành tiếng không cách nào cưỡng lại được.

Khi bị sốt rét, dù quấn vào người bao nhiêu là mùng, mền, tăng, võng mà vẫn không hết lạnh. Người bị sốt luôn có cảm tưởng như luồng khí lạnh đang chạy trong cơ thể rút hết hơi trong ruột gan rồi thổi tống ra ngoài. Lúc này, nếu có ngồi kế bên đống lửa cũng không thể xoa dịu được cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Khi lên cơn sốt, uống thuốc ký ninh thì đỡ. Dù sáng hôm sau thức dậy thấy người bình thường nhưng đến chiều tối lại sốt với mức độ cao hơn.

Mùa mưa năm 1972, trên đường đi lấy hàng về, đang è cổ lần từng bước trên nền đất bazan trơn trượt, xuyên mắt trong làn mưa trắng đục, tôi phát hiện một vật thể thù lù bên đường cách chỗ tôi vài mét. Lật tấm tăng ra tôi thấy một người trong đó. Anh gục đầu trên chiếc ba lô bẹp dí. Tôi tạm đưa hàng vào chỗ kín đáo, ngụy trang kỹ lưỡng rồi cõng anh về Trạm T3 để điều trị.

Rất may, sáng hôm sau anh tỉnh lại và tôi biết tên anh là Nguyễn Quốc Hội, quê ở xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc. Anh bị thương nặng và được đồng đội đưa đi Viện 4 điều trị. Sau khi vết thương đã ổn định, trên đường tìm về đơn vị cũ thì anh bị sốt rét ác tính. May mà tôi phát hiện và cấp cứu anh kịp thời. Tôi đút cho anh từng thìa nước đường, từng thìa cháo. Một tuần sau thì sức khỏe anh phục hồi... Sau này trở về địa phương, tôi có gặp anh một lần, anh bảo là mình thương binh nặng mất tới hơn 80% sức khỏe. Vài năm sau đó, anh đã không chống lại được vết thương tái phát và ra đi mãi mãi.  

Chiến tranh đã lùi xa, tôi ước một ngày được trở lại mảnh đất Tây Nguyên hào hùng và đầy nắng gió. Tôi ước được thắp lên mộ những đồng đội vẫn đang nằm lại ở Tây Nguyên một nén hương thơm... Thế hệ chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế để có được hòa bình, độc lập hôm nay. Tôi luôn nghĩ rằng, những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến đấu ấy là không thể đong đếm, không thể bán mua và càng không thể bị lãng quên. Đó là quá khứ bi tráng nhưng thật hào hùng! 

NGÔ MINH THỦY