Hòa trong dòng người vào thăm bảo tàng, chúng tôi cảm nhận mỗi hiện vật, tư liệu như đánh thức lịch sử hào hùng, niềm tự hào về Bác Tôn, người con của Thành đồng Nam Bộ đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới.

 Nơi nhân dân hướng về, tự hào, tưởng nhớ Bác Tôn

Bảo tàng Tôn Đức Thắng có vị trí bên sông Sài Gòn, gần với Di tích lịch sử Xưởng đóng tàu Ba Son và Trường Cơ khí Á Châu (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) thuộc quận 1, TP Hồ Chí Minh, nơi đồng chí Tôn Đức Thắng từng học nghề và làm thợ, gắn liền với những hoạt động cách mạng sôi nổi trong phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn những năm đầu thế kỷ 20. Được thành lập vào năm 1988, lúc đầu là khu trưng bày và sau được Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là bảo tàng từ năm 1990.

Hơn 36 năm qua, nơi đây trở thành điểm đến của bao thế hệ, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Đến thăm bảo tàng dịp cuối tuần, Nguyễn Hương Loan, sinh viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Chúng em rất xúc động, biết ơn và ngưỡng mộ ý chí, bản lĩnh kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chiến đấu với quân thù, bảo vệ hòa bình cho đất nước của Bác Tôn. Em ấn tượng nhất là câu chuyện Bác Tôn khi bị giam trong nhà tù thực dân đế quốc đã không ngại hy sinh, cảm hóa và truyền lửa cho các bạn tù nêu cao tinh thần yêu nước, giữ vững khí tiết, ý chí đấu tranh trước chế độ giam cầm, tra tấn của địch. Em tự hào khi được theo học dưới ngôi trường mang tên Tôn Đức Thắng và luôn cố gắng rèn luyện, học tập tốt, sau này cống hiến cho quê hương, đất nước”.   

Tham quan bảo tàng, chúng tôi xúc động và ấn tượng với nhiều kỷ vật được lưu trữ, trong đó có Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta mà Bác Tôn là người đầu tiên được trao tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 70. Cùng với đó là phần trích những dòng nhận xét chân tình, quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc. Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

leftcenterrightdel

Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Tiểu đoàn 907, Binh chủng Hóa học triển lãm lưu động chuyên đề "Bác Tôn với Quân đội nhân dân Việt Nam". Ảnh: PHƯƠNG NAM

Trong cuốn sổ ghi tưởng niệm, chúng tôi đọc được những dòng lưu bút đề ngày 25-12-2018, do ông Trần Tử Thái, xã Thanh Đồng (Thanh Chương, Nghệ An) viết: "Hình ảnh Bác Tôn kéo cờ đỏ phản chiến ở Hắc Hải để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga đã in đậm vào tâm hồn tôi từ thuở còn thơ. Rất ngưỡng mộ, tự hào về Bác Tôn, một người anh hùng Việt Nam dũng cảm đứng trên trời Tây xa lạ để bảo vệ chính nghĩa. Lớn lên, ngày càng có nhiều thông tin, càng cảm phục, càng kính yêu Bác Tôn vô vàn. Bác Tôn như một người ông, người cha rất đỗi hiền từ, giản dị, gần gũi, thân thương với lao động cần lao, một đời gian khổ vì nước, vì dân...".

Những câu chuyện ấn tượng, cảm động, đầy ý chí về người con ưu tú của Nam Bộ Thành đồng trở nên sống động, sáng rõ nhờ lối trưng bày khoa học, nghệ thuật. “Bảo tàng đã tái hiện lại những nỗi thống khổ, mất mát của chiến tranh mà ông cha ta từng trải qua, thông qua cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Vô cùng trân quý sự lao động miệt mài của các cô bác, anh chị cán bộ, công nhân viên tại bảo tàng đã xây dựng và gìn giữ, cũng như truyền tải sâu sắc những giá trị lịch sử đầy ý nghĩa này!”-đoàn giáo viên Cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần đã ghi lại những dòng cảm nhận khi đến thăm bảo tàng những ngày tháng Tám lịch sử.

"Truyền lửa" từ những hiện vật, tư liệu

Bảo tàng Tôn Đức Thắng hiện lưu giữ gần 17.000 hiện vật, tư liệu, trong đó có 1.379 hiện vật gốc, số hiện vật trên được chia thành 7 nhóm sưu tập gồm: Những phần thưởng cao quý của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; bút tích của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; phần thưởng và tặng phẩm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tặng phẩm các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng; bộ đồ nghề làm mộc và sửa xe của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua tác phẩm mỹ thuật. Tham quan các khu trưng bày, chúng tôi còn bắt gặp những hiện vật quý gắn với thời thơ ấu và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của Bác Tôn như: Sách chữ nho mà thầy Nguyễn Thượng Khách (Năm Khách) dùng để dạy Bác Tôn trong những năm đầu thế kỷ 20 tại quê nhà thuộc TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), rương gỗ, bút, giường, bộ bàn ghế, chiếc xe đạp hiệu Dynto, bộ đồ nghề làm mộc và sửa xe, gậy baton... Đặc biệt, những lá thư của Bác Tôn gửi con gái nuôi Tôn Tuyết Dung cùng cháu ngoại nuôi Nguyễn Thanh Bình và cả những người bạn cũ, như: Lính thợ tại Pháp, năm 1917; ông Võ Văn Thể, người bạn học cùng Trường Cơ khí Á Châu...

Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết: “Phần lớn tài liệu, hiện vật tại bảo tàng do các tổ chức, cá nhân trao tặng. Chúng tôi rất trân quý và hết sức giữ gìn, tuyên truyền, lan tỏa những truyền thống quý báu, tốt đẹp này. Những năm qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn xây dựng mới, Ban quản lý linh hoạt đề ra nhiều biện pháp, tăng cường tuyên truyền giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn một cách nhanh chóng, dễ hiểu với các hình thức trực tiếp và trực tuyến tới công chúng trên những ứng dụng: Myaloha, Google forms, Kahoot.it... Ngoài ra, bảo tàng còn đẩy mạnh việc truyền thông qua trang thông tin điện tử Bảo tàng Tôn Đức Thắng và các tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Zalo... để công chúng có thể dễ dàng tìm hiểu thêm thông tin về Bác Tôn”. 

leftcenterrightdel

 Đoàn viên, sinh viên tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng. 

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý hiện vật, tư liệu, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã thực hiện mục tiêu xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, tư liệu văn bản, phim, hình ảnh. Qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu số phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế để phục vụ hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong không gian số. Thời gian tới, bảo tàng tiếp tục triển khai hoàn tất các nội dung trưng bày mới, được ứng dụng công nghệ với các hình thức tương tác trải nghiệm phù hợp với từng đối tượng công chúng, thông qua 5 chủ đề: Thời niên thiếu; từ người thợ đến người lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn; 15 năm tù Côn Đảo; một hạt nhân đại đoàn kết dân tộc; vị Chủ tịch nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng chia sẻ, cùng với nỗ lực đổi mới, phục vụ khách tham quan dịp kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8) năm nay, bảo tàng đang tập trung hoàn thiện nhiều công trình, dự án chuyên đề hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày truyền thống Ba Son (4-8-1925 / 4-8-2025). Bảo tàng phối hợp cùng Tổng công ty Ba Son thực hiện triển lãm chuyên đề “Ba Son-Dòng thời gian” để giới thiệu đến công chúng lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, phong trào công nhân Ba Son trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là vai trò của Bác Tôn với việc đấu tranh giải phóng dân tộc của công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn; tổ chức cuộc thi trực tuyến trên ứng dụng Google forms cho sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham gia với chủ đề “Bác Tôn với miền Nam”.

THÁI PHƯƠNG