Đa dạng không gian thưởng lãm 

TP Hồ Chí Minh cùng với Thủ đô Hà Nội là những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng bảo tàng, trong đó có nhiều bảo tàng tư nhân phát triển mạnh mẽ thuộc nhiều lĩnh vực. Một số bảo tàng tư nhân nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh có thể kể đến như: Bảo tàng Áo dài (quận 9), Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP Thủ Đức), Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam (quận 10), Bảo tàng Đỗ Hùng (quận 1), Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định... Các BTTN trên đang làm phong phú thêm hoạt động bảo tàng, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, ký ức và giáo dục giá trị truyền thống hiệu quả.

Là một trong số nhũng bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Áo dài do nhà thiết kế Sĩ Hoàng sáng lập là địa điểm trưng bày những chiếc áo dài Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử hình thành đến nay. Theo đại diện lãnh đạo Bảo tàng Áo dài, số lượng khách tham quan Bảo tàng tăng theo từng năm. Năm 2022, Bảo tàng đón khoảng 39.000 lượt khách tham quan; sang năm 2023, số lượt khách là 44.000. Dù khách quốc tế đến Việt Nam đang trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng lượng khách đến Bảo tàng Áo dài luôn ở mức cao cho thấy sự quan tâm và niềm tự hào đối với áo dài truyền thống, đặc trưng trang phục Việt Nam.

Nhằm tạo sức hút đối với khách tham quan, thời gian qua, Bảo tàng Áo dài tổ chức nhiều hoạt động giúp du khách không chỉ tham quan, nghe thuyết trình, tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam mà còn tham gia nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm. Đơn vị cũng chủ động tham gia nhiều lễ hội, hỗ trợ các đơn vị để quảng bá hình ảnh áo dài, các triển lãm đến gần công chúng.

Trong số các bảo tàng tư nhân tại thành phố, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định là bảo tàng duy nhất tại TP Hồ Chí Minh và Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Hiện Bảo tàng có 7 bộ sưu tập với khoảng 300 hiện vật quý giá về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động. Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn liền với hình mẫu những người chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đi kèm với những chiến công hào hùng một thời của lực lượng biệt động. Dữ liệu của Bảo tàng đang được số hóa để lưu giữ tốt hơn, giúp khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ dễ dàng kết nối, hiểu hơn về di sản lịch sử Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Thời gian qua, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định luôn là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống và là điểm đến văn hóa, lịch sử yêu thích của người dân, du khách, đặc biệt là các bạn trẻ và khách nước ngoài.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Ảnh: HÙNG KHOA 

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt hai bảo tàng tư nhân là Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn đã làm phong phú thêm không gian thưởng lãm, lan tỏa giá trị lịch sử văn hóa của TP Hồ Chí Minh nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là hai bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng, được bố trí thành các khu vực trưng bày riêng biệt tại một tòa nhà ở trung tâm quận 1. Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày hàng nghìn bộ trang sức cổ cùng trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em kết hợp với những bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ hoa văn, thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán của từng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày những cổ vật, hiện vật trong cung cấm của 13 đời vua triều Nguyễn; từ những món đồ trang sức, giải trí thường nhật của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa cho đến trang phục, vật dụng triều chính...

Hỗ trợ, kết nối phát triển bảo tàng tư nhân

Thành lập một bảo tàng tư nhân là công việc không hề dễ dàng. Bởi vì đòi hỏi không chỉ niềm đam mê, am hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử của những người sáng lập mà còn cần rất nhiều nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, sưu tầm, đánh giá hiện vật về giá trị văn hóa, giá trị di sản cao, hình thức trưng bày hiện đại, đầu tư kinh phí duy trì và hoạt động quảng bá, thu hút du khách. 

Trong những năm qua có không ít bảo tàng tư nhân mở ra, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian là phải đóng cửa do gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn lực kinh phí duy trì. Thực tế, đa số các bảo tàng tư nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được lập ra mà không đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu mà mục đích chính là góp phần lưu giữ những ký ức lịch sử, nét đẹp văn hóa của dân tộc, tôn vinh một lĩnh vực nghề nghiệp, đem những giá trị đẹp đẽ của di sản trao cho cộng đồng. Có những bảo tàng thu phí rất ít ỏi, thu không đủ bù chi, có những bảo tàng hoàn toàn miễn phí cho khách tham quan. Vì vậy, để bảo tàng tư nhân phát triển, tiếp tục lan tỏa những giá trị đẹp đẽ đang là bài toán khó đặt ra cho cả nhà quản lý lẫn người đầu tư.

Theo các chuyên gia, việc ngày càng có nhiều bảo tàng tư nhân là điều đáng mừng. Vì nhờ đó, các hiện vật, tư liệu quý giá được phát huy hết giá trị phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu. Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP Hồ Chí Minh, các bảo tàng tư nhân không chỉ góp phần làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản và nhân dân mà còn góp phần kích cầu du lịch, tạo dựng thêm điểm đến cho mỗi vùng đất, lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa... Từ những giá trị ấy, cần có một quỹ hỗ trợ cho bảo tàng tư nhân, các hoạt động bảo tồn di sản. Quỹ này có thể thành lập từ việc huy động các nguồn lực xã hội với tôn chỉ, mục đích, tiêu chí hoạt động rõ ràng để các bảo tàng tư nhân dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ban hành chính sách hướng các đơn vị có điều kiện đầu tư, quan tâm các hoạt động văn hóa, bảo tàng.

leftcenterrightdel
Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn. Ảnh: THU HƯƠNG 

Bên cạnh nguồn kinh phí còn hạn hẹp, các bảo tàng tư nhân còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu nhân lực chất lượng cao và còn hạn chế trong ứng dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt ở các bảo tàng xưa, cổ. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết, một trong những vấn đề lớn của các bảo tàng tư nhân là thiếu nhân lực. Phần lớn cán bộ bảo tàng có kinh nghiệm thì phải sau khi nghỉ hưu mới chuyển sang làm việc cho bảo tàng tư nhân. Vì vậy, hiện nhân sự của các bảo tàng tư nhân chỉ ở mức đủ để duy trì hoạt động cơ bản, chưa thể phục vụ cho sự đầu tư, nâng tầm chất lượng. Việc có các nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm cao là đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng nói chung nhưng không phải BTTN nào cũng có điều kiện mời nhân sự trình độ cao về làm việc.

Trước các thách thức đặt ra, nhiều bảo tàng tư nhân tại TP Hồ Chí Minh đang tự tìm ra những lối đi mới, vừa lan tỏa được những giá trị đẹp, vừa thương mại hóa để bảo đảm hoạt động lâu dài. Một trong những hướng đi hiệu quả của bảo tàng nói chung và BTTN nói riêng là liên kết du lịch. Đơn cử, Bảo tàng Áo dài thường xuyên tổ chức những hoạt động ý nghĩa như Ngày hội Di sản góp phần cùng TP Hồ Chí Minh kích cầu du lịch nội địa, Ngoài ra, Bảo tàng còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng như giao lưu, biểu diễn dân ca, ví, giặm, quan họ, đờn ca tài tử... nhằm thu hút khách du lịch. Hay như Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, được thành lập tháng 6-2023, là bảo tàng nghệ thuật đầu tiên được hình thành từ chủ trương xã hội hóa lĩnh vực bảo tàng của TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Bảo tàng đã mở rộng thêm quy mô, tận dụng những diện tích trống để ra mắt nhiều sự kiện, hoạt động công chúng kích cầu du khách tham quan.

Các chuyên gia cho rằng, nếu biết khai thác, các bảo tàng tư nhân sẽ là những địa điểm thu hút một số lượng rất lớn khách du lịch. Tuy nhiên, để trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, các bảo tàng tư nhân cần được các cơ quan chức năng thường xuyên hỗ trợ đào tạo và cập nhật thông tin về du lịch, ứng dụng công nghệ lưu giữ hiện vật thời 4.0 để bắt nhịp xu thế. Đồng thời, các ngành chức năng phải quan tâm, hỗ trợ quảng bá, kết nối với các tour du lịch để các BTTN có thể tiếp cận thường xuyên với du khách xa gần.

NGÂN HƯƠNG