Niềm tự hào thôi thúc sáng tạo

Trong nhiều cuộc gặp gỡ của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với các giới chức, ngành nghề thì có lẽ những cuộc gặp gỡ với các văn nghệ sĩ luôn đong đầy cảm xúc, ăm ắp kỳ vọng gìn giữ mạch nguồn, phát triển VHNT giàu bản sắc, phong phú, riêng có của đô thị lớn nhất cả nước. Tham dự cuộc gặp hơn 100 văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm nhận sự đồng hành, hết lòng ủng hộ, suy tư về những cơ chế, chính sách mới, đột phá để phát triển VHNT của lãnh đạo thành phố.

leftcenterrightdel

 Các nghệ sĩ biểu diễn trong Chương trình "Đất nước trọn niềm vui" diễn ra tại TP Hồ Chí Minh

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, tiền thân là Hội Văn nghệ Giải phóng Đặc khu Sài Gòn-Gia Định ra đời từ tháng 12-1963 đã quy tụ nhiều văn nghệ sĩ yêu nước, giàu nhiệt huyết sáng tạo đi qua những giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quá trình đổi mới, phát triển. Ở mỗi thời kỳ, các văn nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc, lưu mãi trong tâm thức công chúng. Đến nay, đã có 24 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 90 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước; 4 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân: Nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân; hai văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là đạo diễn Phạm Khắc và họa sĩ Đặng Ái Việt. Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn khi thành phố có 80 nghệ sĩ, nghệ nhân được phong tặng, truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; nhiều nhất trong các đợt xét tặng trước đây.

Sự đổi mới, phát triển của TP Hồ Chí Minh là một thực tế sống động, nguồn cảm hứng, sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, tiếp nối niềm tự hào trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ: "Sau năm 1975, thành phố bộn bề những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, bước vào đổi mới, tập trung lo cho các vấn đề thiết yếu, hạ tầng kinh tế-xã hội. Gần 50 năm sau, thành phố đã có một bức tranh phát triển, đổi mới về mọi mặt. Những phố xá, đường lớn mở ra, những đô thị mới mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, cảm hứng sáng tạo. Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi vừa hoàn thành sáng tác bài hát “Nụ cười thành phố” và tác phẩm nhạc không lời “Ký ức người mẹ”.

TP Hồ Chí Minh hiện đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tạo môi trường, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác như: Đầu tư sáng tác, quảng bá tác phẩm, về nguồn, tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế, thực hiện các cuộc vận động sáng tác, đầu tư thiết chế văn hóa ở cơ sở... Thành phố triển khai xây dựng "Công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh", "Công trình không gian văn học, nghệ thuật cộng đồng", thực hiện Đề án "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh", Cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" (30-4-1975 / 30-4-2025) với chủ đề “TP Hồ Chí Minh-50 năm tự hào bản anh hùng ca”, tuyển chọn các công trình VHNT tiêu biểu trong 50 năm qua... Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức cho 200 văn nghệ sĩ tham quan, trải nghiệm đi tàu trên tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên để có thêm niềm tự hào, cảm hứng sáng tạo...

Phát triển văn hóa tương xứng với đô thị đặc biệt

Phát triển VHNT ngang tầm, tương xứng với phát triển kinh tế, đô thị đặc biệt là mong muốn chung của nhiều văn nghệ sĩ, người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh. Những năm qua, dù thành phố đã có nhiều chính sách ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho VHNT nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, thiếu vắng các công trình văn hóa mới, tiêu biểu, hoạt động VHNT ở cơ sở còn yếu kém, hoạt động cầm chừng, chưa đồng bộ do thiếu nguồn lực kinh phí duy trì, đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thiếu và xuống cấp... Các công trình văn hóa: Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam... xuống cấp, hạn chế không gian nghệ thuật. Do thiếu những công trình lớn, xứng tầm để tổ chức các chương trình biểu diễn hàn lâm, đẳng cấp ở tầm quốc gia, quốc tế nên phần lớn chương trình VHNT quy mô phải tổ chức trên các tuyến phố đi bộ, công viên...

leftcenterrightdel

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các văn nghệ sĩ 

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ, gần 50 năm sau giải phóng, thành phố có nhiều tác phẩm VHNT xuất sắc phản ánh đời sống, bước chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang đổi mới, phát triển năng động, sáng tạo, nghĩa tình. 50 năm sắp tới nên cần đầu tư từ hôm nay để trong tương lai, các văn nghệ sĩ sẽ có những tác phẩm hay, tiêu biểu, tương xứng với sự phát triển. Hơn nữa, thành phố cần quan tâm đến hai đơn vị nghệ thuật của Trung ương là Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vì các đơn vị này đã góp phần rất lớn trong đáp ứng nguồn nhân lực văn nghệ sĩ, là cái nôi của những tác phẩm nghệ thuật gắn với đời sống của TP Hồ Chí Minh, thực hiện công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Tạo cú hích từ cơ chế, chính sách đặc thù

Gìn giữ, phát huy những giá trị VHNT, đưa văn hóa ngang với kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trở thành động lực phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển cần có những cú hích từ cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là một thách thức mới trong quản lý VHNT và đối với văn nghệ sĩ. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh mở ra những điều kiện, cơ hội mới để giải quyết những thách thức nêu trên. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ: “Sáng tạo văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ góp phần to lớn để giữ gìn, phát huy mạch nguồn văn hóa TP Hồ Chí Minh trong hành trình đổi mới, phát triển. Để thúc đẩy văn hóa phát triển, giàu bản sắc, mang đặc trưng của TP Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố sẽ triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới để tạo động lực, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật, tạo môi trường hoạt động sáng tạo thuận lợi cho văn nghệ sĩ...”.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng khẳng định, thành phố sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển VHNT, nhất là đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Chính sách phát triển văn hóa không chỉ dừng lại ở đầu tư thiết chế văn hóa mà còn tạo môi trường cho văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, sáng tác những tác phẩm gắn với đời sống, đổi mới, phát triển. TP Hồ Chí Minh sẽ luôn đồng hành với văn nghệ sĩ và sẽ duy trì các hoạt động gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của văn nghệ sĩ; thể hiện quan điểm cùng sáng tác, sáng tạo với văn nghệ sĩ qua các chương trình hỗ trợ, ưu tiên, các giải thưởng cho những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc; tạo điều kiện lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng...

Cuối năm 2023, TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định về phê duyệt Đề án "Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030". Các ngành công nghiệp văn hóa được quan tâm đầu tư, gắn với phương thức công nghệ sản xuất hiện đại, trên nền tảng các cơ chế, chính sách mới được văn nghệ sĩ và công chúng kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ, thu hút được nhiều nguồn lực thúc đẩy VHNT phát triển. Hiện nay, công trình Bảo tàng Tôn Đức Thắng sắp hoàn thành; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ mới khởi công; Dự án Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, rộng 1,2ha, có sức chứa 1.700 chỗ, khi hoàn thành sẽ là điểm hội tụ các chương trình VHNT quy mô hàng đầu... UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương và đang nghiên cứu quy hoạch khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh thành khu phức hợp văn hóa, tập hợp nguồn lực sáng tạo VHNT, giúp gìn giữ, phát huy và nuôi dưỡng mạch nguồn VHNT, đưa thành phố trở thành trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước và tầm cỡ khu vực.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - XUÂN CƯỜNG