1. Cứ hết mùa mưa đầu mùa khô, người Kinh gọi là giao mùa ấy, Tây Nguyên cực đẹp mọi nhẽ.

Tây Nguyên không đủ bốn mùa rõ rệt như đồng bằng, mà có những mùa như thoảng qua, ví như thu, ví như xuân. Nên người ta chia thành mùa thời tiết, không biết tôi gọi thế có đúng không, là mùa mưa và mùa khô, mỗi mùa chiếm 6 tháng. Ấy là ngày xưa, chứ giờ, biến đổi khí hậu, rồi ảnh hưởng của nhiều thứ nên mùa mưa, mùa khô nó cũng phập phù lắm...

Dẫu vậy, mùa này vẫn rất đẹp!

Trời cao và xanh, mây vẩn vơ, và gió, lúc mơ hồ như thảng thốt, lúc lại lồng lộn như ngựa hoang. Trên cái nền đất đỏ bazan chủ đạo ấy, nói chủ đạo bởi không phải tất cả Tây Nguyên đều là đất bazan, vạn vật như bừng tỉnh. Căn ra, mùa này tương đương mùa đông và xuân ở đồng bằng, thảo nào!

Đầu tiên là dã quỳ nở. Miên man nở, sảng khoái nở, nhi nhiên nở. Bên cạnh đấy là xuyến chi. Xuyến chi thì nở quanh năm, nhưng có vẻ như, nó được dã quỳ tôn lên, hay là cả hai cùng tôn nhau lên khiến cả thảo nguyên mênh mông ngờm ngợp hoa.

Chưa hết, Tây Nguyên có 3 loại pơ lang cũng nở vào dịp này. Pơ lang hoa đỏ bắt đầu rừng rực như đốt lên những đốm lửa giữa ngằn ngặt xanh của bìa rừng, và pơ lang trơn bắt đầu tụ quả, để tới tháng tư, khi những sợi bông tung lên trời rồi lả tả rơi đậu xuống tóc, xuống vai người thì dân làng bắt đầu đi làm rẫy mùa mới. Ngoài ra còn một loại nữa, là cây vông rừng, người Gia Rai gọi là cây dap, thường cắm ở nhà mả, bờ rào cổng làng. Cây pơ lang thường làm cột gơng cút để cúng Yang, nhìn cây là biết sự ấm no của làng.

Và bây giờ, cũng mùa này, chuẩn bị mùa hoa cà phê nở.

Thì bắt đầu mùa Ning Nơng.

Là mùa “ăn năm uống tháng” của người Tây Nguyên, mùa lễ hội.

Thực ra người Tây Nguyên không có ý thức tổ chức lễ hội mà nó chỉ là những hoạt động tín ngưỡng tự thân. Nên nó có phần lễ và phần hội.

Và họ làm cho họ, không có diễn viên, không có khán giả. Chỉ có nhiệt huyết, niềm tin và toàn bộ tâm hồn họ hướng về lẽ thiện, lẽ đúng, lẽ phải và Yang tâm linh của họ.

Và họ làm nên một nền văn hóa đặc sắc của họ.

Trong cái tổng thể văn hóa Tây Nguyên mà họ tạo ra ấy, không gian văn hóa cồng chiêng đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những ngày cuối năm dương lịch vừa qua, một loạt tỉnh Tây Nguyên tổ chức các lễ hội, các liên hoan lớn về văn hóa, về cồng chiêng. Đắk Lắk thì tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc”; Gia Lai tổ chức “Tuần văn hóa du lịch” với trọng tâm là Liên hoan trình diễn không gian văn hóa cồng chiêng; Kon Tum có “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên”...

leftcenterrightdel

Cồng chiêng gắn liền với những lễ hội quan trọng của người dân Tây Nguyên. Ảnh: BẢO HƯNG 

2. Những con người phía sau “lễ hội”

Chữ lễ hội tôi để trong ngoặc kép là bởi như đã trình bày, bản thân bà con không gọi đấy là lễ hội như kiểu chúng ta hiểu và tổ chức hiện nay. Và để có được những “hoành tráng” hôm nay là bao âm thầm không mệt mỏi của những con người yêu Tây Nguyên miệt mài, yêu không vụ lợi, yêu trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng chứ không phải yêu mù quáng rồi áp đặt.

Một trong những người ấy là Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ.

Nguyễn Quang Tuệ xuất thân giáo viên, dạy ở một làng của một huyện thuộc tỉnh Gia Lai. Rồi cứ thế dần dần, vừa học thực tế vừa học ở giảng đường, thành thạc sĩ, dẫu tôi đánh giá, sự hiểu biết của anh về văn hóa Tây Nguyên thì... nhiều tiến sĩ cũng thua. Trong đời viết của mình, tôi cũng có mon men chút ít tới Tây Nguyên, nhưng mỗi khi gặp việc, người đầu tiên tôi hỏi là Nguyễn Quang Tuệ.

Gia Lai có hai người Kinh nhưng nói tiếng Gia Rai, hiểu biết văn hóa Gia Rai, Ba Na mà tôi rất nể là Nguyễn Quang Tuệ và Trần Quang Lực, một cán bộ ở huyện Krông Pa. Tuệ thì học tiếng để làm việc. Lực thì giỏi tiếng Gia Rai tới mức trở thành giáo viên dạy tiếng Gia Rai cho cán bộ huyện, và không loại trừ cả một số thanh niên Gia Rai nhưng sinh ra, lớn lên ở phố.

Nguyễn Quang Tuệ đã xuất bản gần hai chục đầu sách, từ sưu tầm tới nghiên cứu về văn hóa dân gian Tây Nguyên, và số chưa có điều kiện xuất bản của anh cũng không ít. Anh nghiện Tây Nguyên tới mức, nhà ở TP Pleiku nhưng cứ ngày nghỉ là xuống làng. Hầu như tất cả làng ở Gia Lai đều có dấu chân, và dấu lưng anh. Anh đều có bạn, và bạn đa phần là các già làng. Già làng chính là những pho sử sống, nguồn tư liệu văn hóa dân gian hết sức quý giá mà anh tranh thủ ngày đêm để khai thác, bởi họ đang già và mất đi. Không thể chịu được những kho vàng ròng ấy mất, Tuệ và cộng sự níu họ lại bằng nhiều cách, có cả vận động quỹ để tài trợ lương cho họ hằng tháng.

Gần đây, Nguyễn Quang Tuệ và cộng sự đã làm được một việc, tạm coi là cách để gìn giữ và bảo tồn tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay, là tổ chức các cuộc “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” vào các tối thứ bảy ở ngay góc quảng trường Pleiku. Các đêm thứ bảy, anh vời bà con ở các làng lên đấy chơi chiêng, coi đấy như làng mình, chơi như chơi ở làng, đắm say như ở làng, tự nhiên như ở làng, tất nhiên nhiều thứ không thể như ở làng. Khá thành công, anh tiến lên mần thêm vào các sáng chủ nhật cuộc chơi “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển”, một cuộc chơi văn hóa dân gian rất hấp dẫn như một cách níu giữ đầy khó khăn và cả khiên cưỡng nữa. Quan trọng là, có hoạt động thì mới bảo tồn, truyền nghề và quảng bá du lịch được.

Ngay tôi, gần nửa thế kỷ ở Tây Nguyên, viết nhiều về nó, từng không tin có thể bảo tồn cồng chiêng kiểu truyền nghề cho lớp trẻ, chỉ bởi, bây giờ một cây guitar thôi đã có thể thay thế cả dàn chiêng rồi. Muốn chơi chiêng phải đủ người, phải có không gian, có cả bộ chiêng... Thế mà qua các đêm chiêng cuối tuần và các cuộc sắc màu văn hóa sáng chủ nhật, té ra tôi nhầm. Toàn người trẻ chơi chiêng, chơi rất hay. Xuống các huyện, các làng cũng thế. Các cháu học sinh từ tiểu học trở lên đã rất thành thạo chơi chiêng.

Một buổi sáng chủ nhật, ở bãi cỏ nhiều bóng cây góc quảng trường, tôi và Nguyễn Quang Tuệ trao đổi:

- Em nghĩ cái thiếu nhất của Tây Nguyên là ít người chuyên sâu làm công tác nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian. Chúng ta vì lý do nào đó đã không đào tạo, không nâng niu (tạo điều kiện) để những cá nhân có thiên hướng khả năng “bị xúi giục” rồi toàn tâm đi theo con đường ấy. Những người ngoài Tây Nguyên đến làm công việc này, có một bộ phận rất tốt, nhưng hạn chế của họ là không gắn bó, nên không tránh khỏi cái nhìn chưa đầy đủ.

Chúng ta đã bỏ qua nhiều thứ, và có những thứ đã vĩnh viễn mất đi mà không kịp nghiên cứu, sưu tầm. Ví dụ có nhiều, ở văn học dân gian, các truyện cổ, bài dân ca Ba Na, Gia Rai... (đơn ngữ tiếng Việt, thiếu tên người kể, địa chỉ nghệ nhân...) vẫn có giá trị nhưng không nhiều. Và anh cũng biết, ngoài sự tạo tác của nghệ nhân, chúng cũng được những người sưu tầm sáng tác, uốn nắn. Bây giờ, dẫu có bạc vạn cũng không còn đi sưu tầm sử thi, truyện cổ dân gian Ba Na, Gia Rai như nhiều chục năm trước được nữa. Các cụ mất cả rồi, lớp trẻ nếu ai đó có biết thì cũng thường không đủ ngôn ngữ phù hợp để diễn đạt những câu chuyện cổ ấy. Đến nay, anh cũng biết là ngoài hơn chục cuốn sách dân ca Ba Na, Gia Rai, sử thi Ba Na, truyện thơ Ba Na song ngữ, thậm chí có cuốn còn có dị bản được chú giải cẩn trọng, thì không có cuốn nào tương tự nữa. Mình không vui vì mình trở thành độc nhất mà rất buồn anh ạ. Giá như có dăm bảy người cùng làm thì sự thể chắc chắn khá hơn...

Khi đang viết bài này, thì có thông tin khá vui: Nguyễn Quang Tuệ dẫn một đoàn bà con Gia Rai, Ba Na ra Hà Nội chơi chiêng. Một trong những chỗ bà con chơi là phố cổ, ngay phố đi bộ Hà Nội. Tôi hình dung, mấy đêm ấy, Hà Nội dập dềnh chiêng Tây Nguyên. Trước đấy, Lễ hội âm thanh thế giới lần thứ 22 ở Hàn Quốc đã mời cồng chiêng Gia Lai tham gia. Nguyễn Quang Tuệ cũng là người tổ chức chuyến đi này.

Thì cứ thế, văn hóa dân gian Tây Nguyên, cồng chiêng Tây Nguyên được bảo tồn từ những lặng thầm như thế...

Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG