Đó không chỉ là niềm vui của gia đình ông Ksor Hưng mà là tâm lý chung của hầu hết gia đình ở Tây Nguyên, có con em đang thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị thuộc Quân đoàn 3. Bởi chủ trương của Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn là cùng với sự chính quy, thống nhất của hệ thống doanh trại, các đơn vị phải coi trọng việc xây dựng cảnh quan môi trường “sáng-xanh-sạch-đẹp”, gắn với không gian văn hóa đặc trưng vùng Tây Nguyên.
Quả thật, tham quan một lượt khuôn viên doanh trại Trung đoàn 28, chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi các công trình, biểu tượng, hình ảnh, linh vật thân thuộc gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được tạo dựng, khắc họa một cách chân thực, sinh động qua các thiết chế văn hóa, hệ thống pano, áp phích, biển bảng, tranh cổ động, nhưng vẫn bảo đảm tính chính quy, thống nhất.
Thượng tá Phạm Trường Giang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 28, chia sẻ, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đa phần là con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, như: Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng... phong tục, tập quán, thói quen tuy có khác nhau, nhưng cùng chung cái nôi văn hóa Tây Nguyên. Do đó đơn vị hết sức coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp vùng Tây Nguyên trong mọi hoạt động của bộ đội.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) trao đổi, học tập tiếng dân tộc thiểu số. |
Từ những chia sẻ của đồng chí chính ủy trung đoàn, tôi có cuộc thâm nhập thực tế, khám phá phần nào nét văn hóa tiêu biểu vùng Tây Nguyên ngay tại một đơn vị chủ lực với nhiệm vụ chính trị là huấn luyện, SSCĐ. Theo đó, nhiều năm trở lại đây, cùng với các đơn vị trong sư đoàn, quá trình hành quân dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận, hay trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với đồng bào; tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Tây Nguyên, như: Đi cà kheo, chơi cầu bập bênh, đẩy gậy...
Đặc biệt, dịp lễ, tết hay trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 28 đều chủ động mời các đội cồng chiêng của địa phương đến giao lưu, diễn tấu động viên bộ đội, góp phần quảng bá, giới thiệu với quân và dân trên địa bàn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Từng có nhiều dịp đến biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, già làng A Ma Khang, phụ trách Đội cồng chiêng buôn Treng, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc hồ hởi, trải lòng: “Phấn khởi lắm khi được diễn tấu cồng chiêng cho chính con em, đồng bào mình xem. Mà không chỉ đến Sư đoàn 10 đâu, đội cồng chiêng của mình đã đi phục vụ hầu hết đơn vị đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, đến đâu cũng được bộ đội đón nhận nhiệt tình lắm”.
Khảo sát thực tế tại các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3, đến đâu chúng tôi cũng được hòa mình vào không gian văn hóa Tây Nguyên, cảm nhận được niềm tự hào, phấn khởi của mỗi cán bộ, chiến sĩ, hiển hiện qua từng ánh mắt, nụ cười, qua mỗi hoạt động, thói quen sinh hoạt của họ. Đó là kết quả của quá trình đẩy mạnh những hoạt động giáo dục truyền thống, giao thoa văn hóa giữa cán bộ, chiến sĩ các đơn vị với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi họ đã gắn bó gần nửa thế kỷ.
Thú vị hơn, quá trình dạo bộ dưới những tán cây xanh mát trong khuôn viên doanh trại Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, tình cờ tôi được thưởng thức trọn vẹn chương trình phát thanh nội bộ của đơn vị bằng tiếng dân tộc. Thượng tá Phạm Văn Điển, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 66 cho hay, mô hình này được đơn vị duy trì nhiều năm nay. Để bảo đảm chất lượng chương trình, đơn vị tiến hành chọn lọc, bồi dưỡng một số đồng chí sĩ quan trẻ, hạ sĩ quan, chiến sĩ có giọng đọc tốt, lưu loát, tiến hành thu âm nội dung chương trình bằng hai thứ tiếng phổ thông và tiếng Ê Đê, biên tập kỹ lưỡng trước khi phát cho bộ đội nghe. Hiện chương trình được nhân rộng trong các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên, trở thành món ăn tinh thần, người bạn tâm tình không thể thiếu của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) chăm sóc cảnh quan môi trường đơn vị. |
Khi tôi nhắc đến mô hình đầy ý nghĩa này, Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Phó chính ủy Quân đoàn 3, tâm đắc: “Các đơn vị muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải được nhân dân trên địa bàn đóng quân ủng hộ, che chở, giúp đỡ. Bởi mọi hoạt động của bộ đội đều liên quan trực tiếp đến người dân. Vì vậy Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn xác định, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phải thực sự am hiểu địa bàn, nắm chắc phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào. Từ năm 2001 đến nay, quân đoàn mở 28 lớp học tiếng dân tộc thiểu số cho gần 1.000 lượt cán bộ, QNCN. Nhiều đồng chí phát huy được hiệu quả trong công tác dân vận, góp phần gìn giữ nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân.
Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3 chia sẻ, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên, Bảo tàng quân đoàn chủ động sưu tầm, lưu giữ, trưng bày nhiều tài liệu, tư liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh truyền thống kiên cường bất khuất, khắc phục khó khăn gian khổ của quân và dân Tây Nguyên nói chung, bộ đội chủ lực Tây Nguyên-Quân đoàn 3 nói riêng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đối với chiến sĩ mới, cán bộ mới ra trường, Bảo tàng quân đoàn cùng các phòng (nhà truyền thống), phòng Hồ Chí Minh đều có nội dung giới thiệu vùng đất, con người, truyền thống văn hóa Tây Nguyên, qua đó giúp bộ đội thêm tự hào về Tây Nguyên-mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa.
Bài và ảnh: HỒNG NGUYỄN