Tuy nhiên, để có được những điểm sáng văn hóa nơi tuyến đầu Tổ quốc ấy, các đoàn KT-QP đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, từ thực tiễn hoạt động của các khu KT-QP, đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần sự quan tâm, đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Những “chiến sĩ văn hóa” nơi biên cương
Ngày đầu tuần cuối tháng Tư, trời vừa sẩm tối, đông đảo bà con đã tập trung ở sân nhà văn hóa bản Pói Lanh, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Sau hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, đồng bào nơi đây lại được bộ đội Đoàn KT-QP 326 (Quân khu 2) chiếu phim phục vụ, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước của địa phương. Ông Tòng Văn Xiên, Trưởng bản Pói Lanh bày tỏ: “Từ ngày được bộ đội Đoàn KT-QP 326 hỗ trợ xây tặng nhà văn hóa, người dân Pói Lanh và bà con khu vực lân cận có nơi sinh hoạt, học cái chữ, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ. Nhất là các buổi chiếu phim màn hình to như thế này, bà con phấn khởi lắm”.
|
|
Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) xóa mù chữ cho người dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. |
Niềm vui của Trưởng bản Tòng Văn Xiên và người dân Pói Lanh làm tôi liên tưởng đến hàng chục công trình nhà văn hóa được các đoàn KT-QP trên địa bàn Tây Bắc hỗ trợ xây tặng địa phương. Nói như Đại tá Nguyễn Văn Huân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 379 (Quân khu 2): Muốn tập hợp được nhân dân, muốn xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho bà con, nhất thiết phải có nhà văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, chỉ huy đoàn đều chú trọng phối hợp với địa phương tiến hành củng cố, xây dựng hệ thống nhà văn hóa, điểm trường, trạm y tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào.
|
|
Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) xóa mù chữ cho người dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. |
Quả thật, nhiều lần đi công tác các tỉnh biên giới Tây Bắc, điều khiến tôi thực sự ấn tượng là mỗi lần trở lại các khu KT-QP, như: Sông Mã (Sơn La), Mường Chà (Điện Biên), Bát Xát (Lào Cai), Xín Mần, Vị Xuyên (Hà Giang), Phong Thổ (Lai Châu), đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây mỗi ngày thêm khởi sắc, giao thông đi lại thuận tiện, điện lưới quốc gia, đường bê thông dẫn đến từng thôn, bản. Hành trình mang văn hóa đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa của các đoàn KT-QP không chỉ là những công trình dân sinh, nhà văn hóa thôn, bản, trạm y tế, mà còn là những lớp học xóa mù chữ, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trình độ dân trí của đa số người dân trong vùng dự án cơ bản còn thấp kém, nhiều người mù chữ, tái mù chữ. Vì vậy, để các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với dân, giúp họ biết thụ hưởng và làm chủ các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình, việc biết chữ vô cùng có ý nghĩa. Ví như ở Đoàn KT-QP 326, 10 năm qua, đơn vị đã phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức 46 lớp xóa mù chữ cho 1.093 người dân; vận động 1.655 học sinh bỏ học trở lại trường.
|
|
Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đội Sản xuất số 2, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) hướng dẫn bà con nhân dân trên địa bàn xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. |
Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng khu KT-QP giai đoạn 2010-2020 của Bộ tư lệnh Quân khu 2 cũng cho thấy, kết quả triển khai thực hiện chương trình dự án của các đoàn KT-QP trên địa bàn đóng góp một phần quan trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương. Từ sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của các đoàn KT-QP, người dân được tiếp cận khá đầy đủ với thông tin thời sự, kiến thức khoa học, văn hóa. Nhiều hủ tục từng bước bị đẩy lùi; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,56% năm 2010, xuống còn 44,42% năm 2019, nhiều xã trên địa bàn về đích nông thôn mới.
Không chỉ cán bộ, chiến sĩ các khu KT-QP trên địa bàn Tây Bắc phát huy được vai trò của đội quân công tác, báo cáo của Bộ Quốc phòng về “Thực trạng phát triển các khu KT-QP khu vực biên giới giai đoạn 2010-2020 và phương hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định: Đời sống văn hóa tinh thần của người dân sinh sống tại 30/33 khu KT-QP trong cả nước được cải thiện đáng kể sau nhiều năm bộ đội các đoàn KT-QP thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với nhân dân. Trong các công trình dân sinh phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào, có một số công trình nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng... Qua đó giúp đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi biên cương Tổ quốc mỗi ngày thêm khởi sắc.
Gỡ nút thắt, xây dựng các điểm sáng văn hóa
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong các khu KT-QP, cũng đặt ra không ít những khó khăn, thử thách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện các đoàn KT-QP, những chiến sĩ nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa nơi tuyến đầu Tổ quốc. Thực tế cho thấy, một số đoàn KT-QP đã được thành lập cách đây hàng chục năm, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết, tích cực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên cuộc sống của đồng bào nhiều địa phương trong khu KT-QP vẫn hết sức khó khăn, nhiều tập quán sinh hoạt, hủ tục chậm được khắc phục, đặc biệt là vấn đề phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân còn nhiều trở ngại. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Theo Đại tá Nguyễn Văn Huân, trình độ dân trí của đồng bào tại các khu KT-QP chậm phát triển, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, canh tác. Đặc biệt, nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế nói chung, văn hóa nói riêng còn dàn trải, manh mún. Cùng với đó, các hộ dân trong vùng dự án phần lớn đều thuộc hộ nghèo, nhưng có biểu hiện trông chờ, ỷ lại Nhà nước, không có ý thức vươn lên, sợ khi thoát nghèo sẽ bị giảm các chế độ phúc lợi đang được hưởng. Đó chính là lý do khiến cái vòng luẩn quẩn: “Đói-nghèo-khó khăn” bám riết người dân hết năm này qua năm khác, trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Khi đời sống vật chất còn khó khăn, thiếu thốn thì điều kiện được thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần chẳng bao giờ tồn tại trong suy nghĩ của người dân.
Quá trình khảo sát các khu KT-QP thuộc Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, địa bàn Tây Nguyên; tìm hiểu thực tế nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các đoàn KT-QP, đồng thời nghiên cứu báo cáo “Thực trạng phát triển các khu KT-QP khu vực biên giới giai đoạn 2010-2020 và phương hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Quốc phòng, chúng tôi nhận thấy, thực trạng nêu trên không chỉ xảy ra ở các khu KT-QP trên địa bàn Tây Bắc, mà là tình trạng chung của các khu KT-QP trong cả nước.
|
|
Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Đội Sản xuất số 2, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) hướng dẫn bà con nhân dân trên địa bàn thực hiện nếp sống văn minh. |
Theo đó, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dự án tuy có bước phát triển nhưng chưa thực sự đột phá so với các địa bàn khác; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện nhưng chưa bền vững. Các đoàn KT-QP chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận. Không ít cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện chưa nắm chắc, tìm hiểu sâu phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào... Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp trong xây dựng khu KT-QP còn nhiều khó khăn.
Từ thực trạng nêu trên, làm sao để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào sinh sống trong các khu KT-QP? Làm sao để người dân được thụ hưởng các giá trị văn hóa truyền thống ngay trên quê hương mình? Theo Thiếu tướng Đinh Mạnh Phác, Phó tư lệnh Quân khu 2, trước tiên, Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực cho các đoàn KT-QP để triển khai các dự án bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ, phù hợp trình độ, tập quán, văn hóa của nhân dân, thúc đẩy người dân tự vươn lên thoát nghèo; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, rút ngắn khoảng cách lưu thông hàng hóa, tạo sự liên kết kinh tế vùng phát triển thuận lợi và bền vững.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược triển khai đồng bộ, toàn diện công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao dân trí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn... Đặc biệt, việc tuyển dụng cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện, các đoàn KT-QP cần bám sát tình hình địa bàn, chú trọng tuyển dụng người địa phương, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói, phương thức canh tác, sinh hoạt của các dân tộc... Đây mới thực sự là những chiến sĩ văn hóa góp phần xây dựng các khu KT-QP thành những điểm sáng văn hóa nơi biên cương Tổ quốc.
Bài và ảnh: HỒNG SÁNG