Trước thềm xuân mới Nhâm Dần, tôi có dịp gặp lại hai chị em ruột: Thượng sĩ Nguyễn Hà Anh, học viên lớp đại học K50B, Hệ 4 và Thượng sĩ Nguyễn Hà My, lớp đại học K51, Hệ 2, Học viện Quân y, khi hai bạn trẻ vừa trở về từ cuộc chiến đấu dài ngày phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Gương mặt thanh tú, nước da trắng ngần của Hà Anh vẫn còn hằn sâu vết dây khẩu trang, mái tóc xác xơ. Thế rồi những sẻ chia chân thật của cô học viên năm cuối Học viện Quân y về những ngày cùng đồng đội tham gia PCD Covid-19 suốt 3 tháng không ngơi nghỉ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến người nghe không khỏi ám ảnh, xót xa. Nhưng qua đó càng thêm trân trọng, cảm phục ý chí, nghị lực phi thường và đức hy sinh cao cả của lực lượng tuyến đầu.
Tháng 8-2021, tạm rời giảng đường ngay trước lễ khai giảng năm học mới, hai chị em Nguyễn Hà Anh, Nguyễn Hà My xung phong vào tâm dịch. Sự thay đổi môi trường đột ngột và những căng thẳng khi ngày ngày phải đối mặt với dịch bệnh, cùng cường độ làm việc căng như dây đàn, khiến hai chị em Hà Anh, Hà My và các đồng đội nữ bị rụng tóc rất nhiều. Để thuận lợi cho công việc, các chị buộc phải tự cắt ngắn mái tóc của mình. Bởi khi ấy, toàn thành phố bị phong tỏa, không có hiệu làm tóc nào hoạt động. Nhiều bạn nữ đã bật khóc vì nuối tiếc mái tóc dài óng ả mà mình đã nâng niu, chăm sóc. Nhưng ám ảnh nhất là việc phải đeo khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ cả ngày, có khi cả đêm, rồi thường xuyên rửa bằng cồn sát khuẩn, làm da tay ai cũng nhăn nheo, bong tróc... “Suốt thời gian dài không có điều kiện chăm sóc, làm đẹp, nên sau khi kết thúc chiến dịch PCD, bạn nữ nào cũng nổi mụn đầy mặt, da đen sạm lại, không dám soi gương!”-Hà My chia sẻ.
|
|
Bác sĩ quân y đến khám tại nhà cho bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: KIM DUNG |
Được biết, động lực để hai chị em Hà Anh, Hà My đăng ký tham gia chống dịch, đồng thời vượt lên khó khăn, thử thách ấy, ngoài lương tâm, trách nhiệm của một người lính quân y, còn xuất phát từ lời động viên, khích lệ của bố-Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Danh Long, Khoa Răng miệng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Hiểu rõ những khó khăn, gian khổ hai cô con gái phải đối mặt, nhưng anh kiên quyết: “Các con hãy lên đường chống dịch. Đây là dịp để thử thách ý chí, nghị lực, trui rèn y đức, nâng cao y thuật, cần cho bước đường tương lai sau này của các con”.
Việc anh chị em ruột, vợ chồng cùng đăng ký tham gia PCD Covid-19 vừa qua ở Học viện Quân y thực ra không hiếm. Trong lễ tuyên dương các lực lượng tuyến đầu PCD Covid-19 do Bộ Quốc phòng, các đơn vị, địa phương tổ chức, tôi đã ghi lại được rất nhiều tấm gương tiêu biểu, cùng những câu chuyện xúc động. Đó là trường hợp Đại úy, bác sĩ Phan Thị Huyền Linh và chồng là Đại úy QNCN Nguyễn Văn Công, cùng thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6, đặt tại Tiểu đoàn 261A, Trung đoàn 2, Sư đoàn 8 (Quân khu 9).
Vợ chồng anh được tuyên dương bởi thành tích điều trị khỏi cho hơn 200 bệnh nhân Covid-19. Là bác sĩ điều trị, mỗi ngày chị Linh trực tiếp thăm khám, lấy hàng trăm mẫu bệnh phẩm trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng chị không nề hà vất vả, mà luôn hết lòng chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân, luôn coi họ như người thân trong gia đình. Chồng chị là nhân viên Khoa Dược-Trang bị của bệnh viện dã chiến, luôn nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm, vừa thiết kế, vừa lắp đặt các trang thiết bị, vật tư phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa hoàn chỉnh hệ thống kế hoạch, xây dựng danh mục thuốc, vật tư, trang bị, cũng như cấp phát, cung ứng kịp thời thuốc hằng ngày cho bệnh viện.
Đó còn là câu chuyện của Thiếu tá, Thạc sĩ Bùi Thanh Thuyết, Khoa Vi sinh vật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Suốt thời gian từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở nước ta, cho đến đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chị luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, nơi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất.
Ông bà nội, ngoại ở xa, vợ chồng đều công tác trong quân đội, chị phải gửi hai con vào đơn vị của chồng để cùng đồng đội lên đường chống dịch. Thời điểm chồng chị là phi công chiến đấu Su-30MK2, công tác tại Thọ Xuân (Thanh Hóa) thường xuyên đi công tác xa, chị phải gửi hai con trai 10 tuổi và 6 tuổi khi thì quê nội, lúc lại quê ngoại, để yên tâm làm nhiệm vụ.
Có thể nói, trong cuộc chiến đấu diệt “giặc” Covid-19 hết sức khốc liệt vừa qua, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ quân đội cũng như các lực lượng tuyến đầu được thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi; là minh chứng sinh động về truyền thống đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, càng trong gian khó, càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, chấp nhận hy sinh, để lại ấn tượng và tình cảm đặc biệt trong lòng nhân dân.
Trong đó phải kể đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, nơi tâm đỏ của đại dịch Covid-19, đã được huy động tham gia PCD, hỗ trợ nhân dân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nguy cơ lây nhiễm. Nhiều tấm gương tiêu biểu về đức hy sinh, sức chịu đựng khi có người thân mất nhưng không thể về chịu tang, cha mẹ ốm đau không thể về phụng dưỡng, chăm sóc, vợ sinh con không thể ở bên.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) đi chợ giúp dân trong thời điểm dịch bùng phát. Ảnh: MINH PHONG |
Đại úy QNCN Lê Minh Sáng, lái xe Tiểu đoàn Thiết giáp, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, không may có tới 3 người thân, gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ đều mất vì Covid-19; anh chị em ruột đều dương tính với Covid-19, nhưng đã nén đau thương, xung phong ở lại chống dịch. Thượng tá Bùi Văn Tân, Phó chính ủy Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4 khi đang thực hiện nhiệm vụ trong tâm dịch TP Thuận An (Bình Phước), nhận được tin bố đẻ qua đời do nhiễm Covid-19. Mặc dù công tác gần nhà, nhưng do nhiệm vụ anh cũng không thể về chịu tang. Vài ngày sau, vợ anh cũng nhập viện vì nhiễm Covid-19. Gác lại tình riêng, anh dốc sức cho công việc.
Đó còn là trường hợp của Thượng úy QNCN Nguyễn Thanh Binh, nhân viên hàng hải, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, xung phong cõng cụ già nhiễm Covid-19 đưa lên xe đi cấp cứu. Hạ sĩ Đào Văn Long, học viên Tiểu đoàn 2, Trường Sĩ quan Lục quân 2, trong thời gian trực PCD Covid-19, hai lần tham gia truy bắt thành công tội phạm; Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Nga, Hệ 1, Học viện Quân y làm đơn tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong thời gian hơn hai tháng, chị cùng đồng nghiệp điều trị khỏi cho hơn 700 ca F0...
Cảm kích trước những đóng góp, hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ quân đội, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, bày tỏ xúc động: “Chúng ta từng tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, nay lại chứng kiến quân đội xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ viết tiếp những trang sử sống động, nhân văn và bi hùng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19”.
Thật tự hào rằng, trong suốt hành trình gần hai năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, đất nước ta đã thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự chia sẻ, tình yêu thương và nhân ái. Từ cuộc chiến đầy cam go, thử thách này, chúng ta cũng có dịp chứng kiến biết bao nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, đức hy sinh của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc trong cả nước...
Họ chính là những bông hoa đẹp góp phần truyền cảm hứng về đức hy sinh, trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng để đi qua những ngày tháng khó khăn, từ đó không ngừng bồi đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của tình đồng chí, nghĩa đồng bào... Những chiến công to lớn ấy cùng sự ghi nhận, biết ơn của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các lực lượng tuyến đầu PCD Covid-19 chính là tấm huân chương trong thời bình dành cho họ.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, thời điểm cao nhất trên toàn quốc, hơn 230.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang được huy động tham gia PCD (riêng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có gần 140.000 người). Quân đội cũng triển khai 13 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.550 giường bệnh; thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ tiêm vaccine; 1.125 tổ lấy mẫu xét nghiệm...
Đến hết ngày 14-10-2021, các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị do quân đội đảm nhiệm đã tiếp nhận, điều trị 24.302 bệnh nhân; điều trị khỏi 19.834 bệnh nhân. Các bệnh xá, tổ quân y cơ động điều trị khỏi 321.608 ca F0 cộng đồng; cấp thuốc điều trị cho 492.051 người; cấp cứu 41.969 ca; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 2.289.544 người; tiêm vaccine 1.996.852 người. Quân đội còn phối hợp với các lực lượng vận chuyển 25.457 tấn hàng hóa; tích cực ủng hộ, giúp đỡ người lao động, gia đình nghèo trong tâm dịch giảm bớt khó khăn. Đến ngày 14-10-2021, toàn quân đã ủng hộ đồng bào vùng dịch với tổng trị giá hơn 1.003 tỷ đồng.
|
NGUYỄN HỒNG SÁNG