Khi các thầy làm học trò
Lớp Hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị khóa 9 đang học tại Học viện Chính trị có 63 học viên, tất cả đều là những người đã từng làm thầy trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường, trong đó có 15 tiến sĩ, 26 thạc sĩ. Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh khóa 102 có 38 học viên đều là cán bộ cấp cục, vụ, viện của các cơ quan nhà nước, trong đó có tới hơn hai phần ba có học vị tiến sĩ, gần một phần hai lớp có học hàm phó giáo sư. Ấy vậy mà khi các thầy, kể cả các thầy có tuổi đời còn rất trẻ của Học viện Chính trị lên lớp, cả hai lớp này đều im phăng phắc lắng nghe lời thầy giảng. Khi thầy nêu câu hỏi, luôn có các cánh tay giơ lên. Đặc biệt, khi thảo luận, hầu như môn nào cũng phải xin thêm thời gian, bởi có rất nhiều học viên xung phong phát biểu thảo luận, tranh luận.
Có được không khí học tập sôi nổi này, theo đồng chí Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, là do phương pháp giảng dạy mới của học viện, chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều sang sử dụng phương pháp hiện đại, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo phát triển năng lực của người học; lấy tự học làm cốt, thông qua nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để thu lượm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tạo điều kiện để giáo viên và học viên cùng nghiên cứu trao đổi.
Đại tá, TS Đồng Xuân Trường, giảng viên Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị, cho biết: "Mặc dù hầu hết các thầy của Học viện Chính trị đều được đào tạo cơ bản, đi thực tế tại các đơn vị, nhưng để gắn kết giữa giảng đường với thao trường rất cần các kiến thức, kinh nghiệm ở cơ sở của người học. Chính vì vậy, trong quá trình giảng bài, các giảng viên thường nêu vấn đề để cùng trao đổi với học viên, thống nhất nhận thức để cùng thực hiện. Mối quan hệ giữa thầy và trò cũng trở nên gắn kết hơn".
Trung tá, TS Hà Sơn Thái, giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, khẳng định: "Chính sự tương tác giữa thầy và trò đã làm cho các giờ học luôn hào hứng, sinh động. Giảng viên được cập nhật thêm kiến thức thực tế của người học để bổ sung vào giáo trình và người học được phát biểu, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, đó là một trong những kỹ năng quan trọng của người chính ủy".
Cảm kích mối quan hệ giữa thầy và trò trong Học viện Chính trị, Thượng tá, nhà văn, nhà báo Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, học viên Lớp Hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị khóa 9 đã làm bài thơ “Các thầy đi học”. Bài thơ có đoạn: "Đã thực tiễn, đã giảng bài, nắng, gió/ Đã qua bao gian khó về đây/ Bàn tay ấm nóng bàn tay/ Giờ đây ta quyết khúc này-Học viên”.
“Giỏi chính trị, thạo chỉ huy”
Đó là một trong những mục tiêu quan trọng để đào tạo người chính ủy tại Học viện Chính trị. Theo Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, cán bộ chính trị, trước hết là đội ngũ chính ủy trong quân đội, là những người chủ trì về chính trị, chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị. Lĩnh vực công tác đặc thù này đòi hỏi cán bộ chính trị không những phải giỏi công tác tư tưởng, công tác tổ chức mà còn phải biết và thạo công tác chỉ huy, tham mưu quân sự. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Chính trị đã chú trọng bảo đảm khối lượng kiến thức cả chiều rộng và chiều sâu. Về chiều rộng, cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên phải hiểu biết trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, quản lý nhà nước...
Quan sát các lớp đang học tại Học viện Chính trị, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh việc dạy kiến thức về chính trị, việc rèn luyện học viên cũng luôn được chú trọng đặc biệt. Các lớp học, kể cả lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đều thực hiện động tác đi đều khi lên xuống lớp. Việc rèn luyện kỹ năng chỉ huy-tham mưu được đưa vào những công việc cụ thể hằng ngày, tưởng như rất đơn giản nhưng người chỉ huy nào cũng phải trải qua như: Trực ban, trực nhật, luyện tập Điều lệnh Đội ngũ, chào, báo cáo...
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tất cả học viên, kể cả học viên là cán bộ cao cấp, nhà ở ngay cạnh Học viện Chính trị cũng đều phải ăn, nghỉ, học tập ngay trong trường, vì thế việc tổ chức rèn luyện học viên sau giờ lên lớp cũng được các hệ trong Học viện Chính trị quan tâm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao được tổ chức thường xuyên tại các lớp. Trung tá, TS Đỗ Ngọc Hanh, Phó chủ nhiệm Khoa Triết học, Trường Sĩ quan Chính trị, học viên Lớp Hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị khóa 9, làm câu đối để thể hiện việc rèn luyện này: “Sách bên hoa luyện rèn chữ Đức/ Đàn bên súng bồi dưỡng nét Tài”.
Đinh ninh lời Bác dặn dò
"Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại". Triết lý chính trị sâu sắc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ngày 25-10-1951, khi đến thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay). Câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trong phòng truyền thống của Học viện Chính trị, luôn nhắc nhở cán bộ, giảng viên và học viên của học viện phấn đấu nỗ lực để làm tròn nhiệm vụ. Ngày Bác lần đầu đến thăm Trường Chính trị trung cấp QĐND Việt Nam (25-10-1951) cũng được chọn là ngày truyền thống của Học viện Chính trị. Trường Chính trị trung cấp QĐND Việt Nam còn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm hai lần nữa, vào tháng 3-1952 và tháng 6-1953.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: Bản lĩnh của cán bộ chính trị, nhất là của chính ủy, chính trị viên có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt những lúc khó khăn, những bước ngoặt của cách mạng hoặc trong chiến tranh gian khổ, ác liệt.
Thực tiễn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm đổi mới vừa qua đã chứng minh điều đó. Hiện nay, bên cạnh mặt thuận lợi, quân đội đang chịu sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, âm mưu “diễn biến hòa bình” với mục tiêu “phi chính trị hóa” quân đội, tìm mọi cách cô lập, hạ thấp vai trò, uy tín quân đội, gây trạng thái hoài nghi giữa nhân dân đối với quân đội... Vì thế, đòi hỏi cán bộ chính trị, nhất là đội ngũ chính ủy phải có chất lượng mới, yêu cầu mới về bản lĩnh chính trị, phân biệt rõ đúng, sai, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán, chống lại cái sai; vững vàng, kiên định, sắc sảo, linh hoạt trong xử lý các tình huống chính trị; luôn tỉnh táo trước sự phức tạp, đa dạng của tình hình chính trị-xã hội.
Với vị trí là cái nôi, là “lò luyện” đội ngũ chính ủy trong toàn quân, trong những năm gần đây, Học viện Chính trị đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện bản lĩnh của người cán bộ chính trị. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho học viên về bản lĩnh chính trị, chú ý cả bồi dưỡng nhận thức chính trị, tình cảm và hành vi chính trị; trong đó chú ý bồi dưỡng trình độ nhận thức chính trị bảo đảm nắm vững Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước... Không ngừng nâng cao nhận thức, cảnh giác cách mạng, luôn nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch. Chú trọng bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng phương pháp tư duy chính trị trong giải quyết các mối quan hệ chính trị-xã hội. Nâng cao trình độ lý luận, về hệ thống tri thức khoa học xã hội nhân văn, khoa học quân sự... để họ thực sự là những trí thức cách mạng trong lĩnh vực quân sự. Trong đó, trước hết bồi dưỡng phương pháp xem xét, phương pháp tư duy chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch, bảo đảm luôn chủ động, nhạy bén về chính trị, tư tưởng trong mọi tình huống, không để bị bất ngờ.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị có năng lực toàn diện, trước hết là năng lực chính trị và quân sự, Học viện Chính trị đang đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Nội dung đào tạo tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; gắn đào tạo theo chức danh với đào tạo theo trình độ học vấn; bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các cấp học, bậc học và từng ngành đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường với đơn vị, đào tạo với sử dụng.
"Học viện Chính trị trước hết phải vững mạnh về chính trị, kiên định lập trường tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trung thành với Đảng, với nhân dân. Vững mạnh về chính trị là yếu tố cơ bản, quyết định hàng đầu để học viện hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) |
Với những thành tích đạt được, Học viện Chính trị vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2000 và 2020) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. |
ĐỖ PHÚ THỌ