Nói rằng anh “nghỉ hẳn”, tức là không giữ bất kỳ một chức vụ gì ở các hội đoàn thể, nghề nghiệp... mà anh phải gánh vác thêm hơn chục năm từ sau khi nhận sổ hưu, chứ công việc thì thậm chí anh còn bận bịu hơn cái hồi đương chức. Mà toàn là những công việc được mời thì không thể chối từ: Tham gia làm phim tài liệu nhiều tập về đường Trường Sơn huyền thoại; tham gia Dự án “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; viết sách về Quân khu Trị Thiên và Huế-Mậu Thân 1968; tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đi tìm đồng đội; chạy kinh phí làm phim về "Vị tướng và con đường"; vận động tài trợ cho triển lãm ảnh về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; làm cố vấn cho phim truyện nhựa về đề tài chiến tranh... Một người đã “hoàn dân” hơn chục năm mà còn bận bịu như thế, còn được nhiều cá nhân và tổ chức này nọ nhờ vả như thế, kể cũng là một hạnh phúc mà không phải quan chức nào cũng có được!

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Phan Khắc Hải. 

Và tôi, thỉnh thoảng lại được anh điện thoại bảo sang đây anh nhờ việc này chút. Nhất là từ khi tôi được quân đội cho nghỉ hưu theo chế độ cách đây vài năm, thỉnh thoảng anh lại a lô “Thắng có rỗi không, đi chuyến này với anh?”. Giời ạ, được đi với anh thì bận gì cũng phải rỗi chứ ạ? Mà vợ con tôi, hễ nghe nói đi với bác Hải thì mấy ngày cũng được, ở nhà cứ yên tâm kê cao gối mà ngủ nhé!

Mùa xuân năm 2019, anh xoay xở được khoản kinh phí để thực hiện bộ phim tài liệu "Vị tướng và con đường", vừa là tâm huyết của anh với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng đồng hương Quảng Bình mà anh vô cùng kính mến và cảm phục, vừa là công trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh (1959-2019) mà anh từng ký thác một phần cuộc đời mình trong đó. Tôi lại vinh dự được anh kêu đi cùng. Và trong những ngày cùng anh rong ruổi trên con đường huyền thoại, trở lại những địa danh một thời máu lửa hào hùng, mấy anh em cộng sự chúng tôi vốn là những đồng nghiệp vong niên ở Đài Truyền hình Việt Nam và Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây, lại nhắc về lời đề nghị anh nên làm một cuốn sách kỷ niệm sắp tròn 80 tuổi, một cái mốc rất quan trọng của đời người mà không phải ai cũng diễm phúc được như anh hiện nay. Anh bảo, viết hồi ký để kể về mình thì anh ngại lắm. Chúng tôi giải tỏa ngay, rằng không phải cuốn hồi ký, mà là một ấn phẩm gồm những bài viết dạng như thế này này... kiểu như thế này này... Anh nghe, vẻ đăm chiêu, nói từ từ để mình tính xem thế nào đã nhé!

leftcenterrightdel

Phan Khắc Hải (người ngồi thứ hai, từ phải qua) cùng đồng đội làm báo, viết văn ở Khu Trị Thiên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh nhân vật cung cấp. 

Từ đó đến đầu năm Tân Sửu 2021, thêm vài lần tôi nhắc anh về ý tưởng trên đây, anh vẫn à ừ để mình tính xem đã nhé. Thế rồi một ngày tháng 6-2021, anh điện thoại bảo Thắng lên đây anh nhờ chút. Tôi lên nhà anh, sâu trong ngõ hẹp ở 25A phố Phan Đình Phùng. Anh bê ra một chồng bản thảo buộc trong chiếc cặp ba dây, chắc là dụng cụ văn thư cấp từ hồi còn làm chuyên viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân, nói: "Theo gợi ý của Thắng và mấy anh em thân thiết, anh đã chuẩn bị được chừng này. Thắng giúp anh nhé!".

Tôi ôm chiếc cặp ba dây về nhà, cố thủ trong “vùng xanh” suốt 7 tuần qua 3 đợt giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội; miệt mài, cặm cụi chọn lọc, sắp xếp, biên tập, khảo cứu, bổ sung... và trao đổi với anh về những nội dung cần thêm, bớt... Kết quả là được một tập bản thảo tạm chia thành 4 phần theo 4 chủ đề: Quê hương và gia đình; Ký ức phóng viên chiến trường; Lại bất ngờ và thử thách; Thay nén tâm hương. Trong đó, phần I (Quê hương và gia đình) và phần IV (Thay nén tâm hương) là những bài viết của anh về ngôi làng Lý Hòa nơi anh sinh ra và lớn lên; về đại gia đình 3 thế hệ của anh, về tuổi thơ, năm tháng miệt mài sách vở của anh và những kỷ niệm về những người thủ trưởng trực tiếp của anh. Anh viết về họ không phải vì đó là những yếu nhân của đất nước, mà vì họ đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cơ quan nơi anh công tác, đến nhiệm vụ mà anh được giao phó. Đây là hai phần nội dung được anh viết với giọng văn dạt dào tình cảm yêu thương, tự hào, ngưỡng mộ... Thậm chí ở phần IV viết về những vị thủ trưởng nổi tiếng của anh, nhiều đoạn tôi đã đề nghị anh nên sửa chữa, giảm bớt sự “cung kính” cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng thời “thế giới phẳng”, nhưng anh không chịu. Con người anh là thế, trước sau như một, "quân tử nhất ngôn", khi đã tin, đã yêu, đã “quyết” điều gì thì như đinh đóng cột.

Phần II (Ký ức phóng viên chiến trường) và phần III (Lại bất ngờ và thử thách) là một số bài viết của anh trong những năm làm báo ở chiến trường Trị Thiên và chặng đường công tác sau này. Sự nghiệp báo chí của nhà báo Phan Khắc Hải, tính từ khi làm phóng viên Báo Quân Giải phóng Trị Thiên-Huế, đến khi rời ghế thứ trưởng phụ trách khối báo chí và xuất bản của Bộ Văn hóa-Thông tin, số lượng bài viết phải tính hàng trăm. Lần này, anh chỉ chọn lọc một số bài phóng sự-ghi chép về những sự kiện lớn mà anh được can dự, chứng kiến, như: Huế trong Mậu Thân 1968; Trường Sa những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ 20; Luật Xuất bản năm 2004 với những đổi mới thông thoáng... Cùng đó là những bài viết dạng “hồi ký” về những kỷ niệm sâu sắc trong các thời kỳ công tác của anh. Sở dĩ phần III có tiêu đề "Lại bất ngờ và thử thách", là vì cuộc đời binh nghiệp và báo chí của anh, tính từ khi đang là cậu học trò lớp 10 hiếm hoi của làng quê ngày ấy, tưởng sẽ được đi đại học lại trở thành bộ đội, tưởng sẽ vào hải quân lại vào trung đoàn radar, tưởng sẽ làm trắc thủ canh trời thì lại làm giáo viên văn hóa, tưởng “đi B” để cầm súng chiến đấu lại đi làm báo ở chiến trường... cho đến sau này khi về công tác ở các cơ quan Trung ương, lại cũng những bất ngờ như thế. Mỗi bất ngờ là một bước ngoặt đầy thử thách, ngỡ khó vượt qua. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, cùng sự ủng hộ của cấp trên, của tập thể... anh đã đứng vững và vượt lên, để lại những dấu ấn đáng kể.

Toàn bộ những trang viết của tập bản thảo và tài liệu trong chiếc cặp ba dây mà anh Phan Khắc Hải giao cho tôi, gồm 4 phần như trên. Sau khi nắn chỉnh lại nghiêm ngắn, tôi cứ thấy thiêu thiếu điều gì đó. Phải rồi, cần phải có những câu chuyện, những tình cảm của đồng đội, đồng nghiệp và bạn bè đối với người lính, nhà quản lý, nhà báo Phan Khắc Hải. Được sự đồng ý của anh, tôi liên lạc với một số người từng viết về anh trên các báo, tạp chí và cả trên facebook của họ. Kết quả là tôi đã có được những bài viết tràn đầy tình cảm quý mến, trân trọng, thấu cảm về người bạn, người anh, người đồng nghiệp, người thủ trưởng Phan Khắc Hải. Đó là xuất xứ của phần phụ lục (Ân tình đồng đội, bạn bè) trong tập sách này.

Có một câu chuyện vui vui lưu truyền ở Báo Quân đội nhân dân thời anh Phan Khắc Hải làm Tổng biên tập. Một lần anh đến Văn phòng Chính phủ dự hội nghị, nhưng bị bảo vệ chặn lại ngoài cổng, không cho vào sân, chỉ vì anh đi chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ. Thế là anh phải dựng xe bên ngoài tường rào, loay hoay mở cặp một lúc mới lục đủ giấy tờ chứng minh anh là đại biểu “xịn”. Khi được anh em trong cơ quan hỏi rõ thực hư, anh xác nhận chuyện đó rất hồn nhiên: Thì từ nhà mình sang bên đó chỉ già nửa con phố Phan Đình Phùng, lại vào ngày chủ nhật, mình đi bộ hoặc xe đạp cho tiện, có chi mô mà quan trọng hóa xe cộ rềnh ràng?

Anh Phan Khắc Hải là người như thế! Lúc nào cũng lấy công việc làm chính, lấy hiệu quả làm trọng. Đó cũng là lý do tôi được anh tin cậy giao tổ chức cuốn sách của anh. Và hôm nay, ấn phẩm đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân kịp ra mắt đúng dịp anh vừa tròn tuổi 80.

MAI NAM THẮNG