Phóng viên (PV): Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, đồng chí “rất vui mừng và hào hứng” đến dự hội nghị. Theo đồng chí, bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị có ý nghĩa như thế nào đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Cùng với những nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vị trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo. Đó là những văn kiện có tính vạch đường, chỉ lối để giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp cho lĩnh vực phát triển văn hóa mà đồng chí Tổng Bí thư đề cập. Tôi nghĩ, đó cũng là vấn đề trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành văn hóa sẽ quyết liệt triển khai bằng được để văn hóa thực sự giữ vai trò “soi đường cho quốc dân đi” như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” đã được các đại biểu dự hội nghị thể hiện khá rõ nét. Đây có phải là tinh thần mới, khí thế mới mà hội nghị muốn lan tỏa, truyền cảm hứng đến toàn xã hội hay không, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Tôi nghĩ “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam là yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách lúc này. Hội nghị đã thể hiện tinh thần, quan điểm ấy một cách rõ nét. Báo cáo trung tâm và các tham luận, các ý kiến trực tiếp phát biểu tại hội nghị không chỉ khẳng định những kết quả quan trọng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam mà còn tập trung làm rõ những hạn chế, yếu kém, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.
Báo cáo trung tâm của hội nghị nhấn mạnh: Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần chưa phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng.
Đánh giá như vậy là phù hợp với tình hình thực tiễn, là cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, tiếp tục cụ thể hóa vào cấp mình, ngành mình, từ đó xác định rõ những nội dung, chương trình, kế hoạch cần làm trước mắt cũng như lâu dài.
PV: Thưa đồng chí, hội nghị đã khẳng định vai trò và những thành tựu của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò quan trọng của văn hóa đã được thể hiện như thế nào trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của dân tộc, được hình thành và liên tục bồi đắp qua hàng nghìn năm của bao thế hệ người Việt Nam. Nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930 đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa dân tộc. Tiếp đó, quan điểm “Mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)” và chủ trương phát triển văn hóa theo 3 hướng: dân tộc-khoa học-đại chúng đã được chỉ rõ trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước còn muôn vàn khó khăn, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 11-1946 đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp văn hóa. Nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: Văn hóa là một mặt trận quan trọng, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Thấm nhuần lời dạy và kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa luôn là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng, như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa với sự phát triển đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đặc biệt, hội nghị văn hóa vừa qua có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, với hơn 150 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học... đã khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa. Báo cáo của hội nghị đã khẳng định những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước trên các mặt: Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, kết quả xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, kế thừa và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hội nhập quốc tế.
Những giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống-tài sản hết sức quý báu của dân tộc-đã liên tục được bồi đắp và phát huy, trở thành nền tảng để dân tộc ta tiến bước vào giai đoạn phát triển mới hôm nay. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực phát triển đất nước. Những giá trị tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ, phát huy trong thời đại mới, đồng thời tiếp thu những giá trị phù hợp từ tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Văn hóa đã củng cố, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc, sức mạnh, khát vọng cống hiến và xây dựng Tổ quốc trong mỗi con người. Phát triển văn hóa để tạo dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa hiện nay còn được nhìn nhận cả trên góc độ kinh tế, trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
PV: Tham luận và các ý kiến của không ít đại biểu tại hội nghị đã đề cập khá thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong phát triển văn hóa và quản lý văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa... Liệu điều đó có ảnh hưởng đến việc gây dựng niềm tin, truyền cảm hứng đến các tầng lớp nhân dân theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu không, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Chúng ta “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” chính là để thực hiện những yêu cầu, mong muốn của Đảng và của đồng chí Tổng Bí thư. Không chỉ trong hội nghị mà sau hội nghị, tôi tiếp tục nhận được sự nhất trí, đồng lòng, đồng cảm của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng và các trí thức, văn nghệ sĩ về nhìn nhận những hạn chế, yếu kém.
Những đánh giá cụ thể trên từng mặt, như: Cấp ủy ở không ít nơi chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, nhất là ở các đơn vị kinh tế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi một cách đáng kể. Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn thấp, chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển văn hóa có gia tăng, nhưng phần lớn cho các công trình, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và một số lĩnh vực văn hóa mang lại lợi nhuận thuần túy. Một số nơi còn xem nhẹ vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ... Rồi vấn đề môi trường văn hóa trường học bị ảnh hưởng bởi các ứng xử bạo lực, phản cảm, gian lận thi cử...
Nhìn rõ những hạn chế, yếu kém cũng là một việc làm tích cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta không sợ khuyết điểm, vấn đề là nhận thấy khuyết điểm để quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Tại hội nghị, chúng ta đã nhận thức rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan từ phía cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội. Đó cũng là cơ sở để nhân dân có niềm tin sâu sắc vào các giải pháp đột phá của Đảng trong lãnh đạo xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
PV: Thưa đồng chí, khâu then chốt trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng là công tác cán bộ. Từ kết quả hội nghị vừa qua, theo đồng chí, khâu then chốt này sẽ được triển khai thực hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Từ phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đến các báo cáo, tham luận, ý kiến tại hội nghị đã cho chúng ta nhận diện rõ hơn những vấn đề cần giải quyết, khắc phục trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa.
Báo cáo trung tâm của hội nghị đã đề cập đến bài học về “chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức, có tài, có kinh nghiệm và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ khá, giỏi trong chuyên môn, có khả năng hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực; chú ý đến việc phát hiện, đào tạo, sử dụng tài năng văn hóa, văn nghệ ở một số lĩnh vực, bộ môn có tính đặc thù, chất lượng cao, năng lực đặc biệt”. Đây không chỉ là bài học mà còn là giải pháp tổng quát về công tác cán bộ của Đảng trong lãnh đạo ngành văn hóa.
Điều quan trọng nhất đối với công tác cán bộ ngành văn hóa hiện nay là việc hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Tới đây, Đảng ta sẽ lãnh đạo việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở Trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở. Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, tạo dư địa phù hợp cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân. Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo phát triển văn hóa, con người, xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của con người, đóng góp tích cực cho xã hội. Điều quan trọng là, chúng ta phải chuyển đổi hệ thống quản lý văn hóa chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác; hỗ trợ, tạo điều kiện và môi trường phát triển văn hóa bền vững; phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, không áp đặt, khuôn mẫu; khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển, hoạt động các thiết chế văn hóa ngoài công lập.
Trọng điểm của công tác cán bộ ngành văn hóa hiện nay là tháo gỡ ngay những khó khăn về nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù của văn hóa. Đây là vấn đề cấp thiết, cần được các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp quan tâm triển khai sớm. Đó là việc xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ, khoa học phù hợp, có trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất ở tất cả các cấp quản lý. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, các chế độ đãi ngộ khác. Đồng thời, phải đầu tư phát triển các trường văn hóa, nghệ thuật trên cả nước theo định hướng mới, khoa học, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ đào tạo nghệ thuật mới, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy các ngành nghệ thuật đặc thù. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THU HÒA (thực hiện)