Hàng nghìn giáo viên bị mất việc do Covid-19

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến việc dạy và học của toàn ngành vô cùng khó khăn, nhiều nơi phải học trực tuyến trong thời gian dài. Là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng quan tâm điều gì nhất khi nghĩ đến đội ngũ các thầy giáo, cô giáo trên mọi miền đất nước ở thời điểm khó khăn này?

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vừa bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, vừa bảo đảm chất lượng học tập đã đặt ra cho ngành giáo dục nói chung, thầy và trò trên cả nước nói riêng nhiều khó khăn. Học trực tuyến là giải pháp bắt buộc ở nhiều nơi, dù chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Vậy nên, khó khăn, thách thức trong tổ chức và triển khai dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là khó tránh khỏi, từ việc điều chỉnh kế hoạch, phương pháp, nội dung, chuẩn bị hạ tầng truyền thông, trang thiết bị công nghệ cho đến sự sẵn sàng nhập cuộc của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các cháu bậc học mầm non và tiểu học. Thử thách, khó khăn càng nặng nề hơn, bởi hai năm qua còn là những năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh còn khiến hàng nghìn giáo viên, đặc biệt là giáo viên thuộc hệ thống giáo dục mầm non tư thục rơi vào cảnh không có việc làm, phải xoay xở, làm đủ việc để duy trì cuộc sống.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Hai năm ứng phó với dịch bệnh đã cho thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của các thầy giáo, cô giáo trên cả nước để thực hiện tốt nhiệm vụ GD&ĐT đặt ra. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn, áp lực của đội ngũ nhà giáo trong hoạt động giảng dạy và đời sống suốt thời gian qua. Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực có những đề xuất hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục mầm non; xem xét miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay; xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

PV: Trước những khó khăn ấy, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo, hướng dẫn công tác dạy học như thế nào để thích ứng với điều kiện thực tế?

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn: Trước yêu cầu phải thích nghi hiệu quả với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt cả hai việc: Bảo đảm chất lượng giáo dục và phòng, chống dịch an toàn. Những quyết sách của ngành vừa ứng phó khẩn cấp với tình hình biến chuyển nhanh chóng của dịch bệnh, vừa hướng tới sự chuyển đổi lâu dài để thích ứng hiệu quả. Kế hoạch và hoạt động dạy học tại mỗi địa phương cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian học tập trực tiếp để tăng cường và củng cố kiến thức cần phải đạt đối với mỗi học sinh.

Cụ thể, bộ đã tiến hành tinh giản nội dung giảng dạy và phát triển học liệu trực tuyến, truyền hình. Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT đang liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học (hơn 7.000 học liệu). Đồng thời, bộ đang có kế hoạch phát triển kho học liệu lâu dài, trong đó có cuộc thi sản xuất bài giảng điện tử (hiện có hơn 41.000 bài đăng ký dự thi); phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình Nhân Dân tổ chức bài giảng, phát sóng trên truyền hình Trung ương và địa phương. Trong đó, tập trung phát triển bài giảng, học liệu cho các bậc học mầm non, tiểu học, các lớp học đang và chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới. Bộ cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, đồng thời hướng dẫn kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Ngoài ra, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện đã huy động hỗ trợ và đang bước đầu phân phối một số lượng nhỏ máy tính tới các em học sinh có nhu cầu.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.

Bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; ban hành công văn đề nghị các địa phương báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chủ động gặp và làm việc với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung bảo đảm an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên

PV: Thưa Bộ trưởng, những năm gần đây, ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong khi chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên thì chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, liệu các giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi có tiếp cận được các phương pháp giáo dục mới hay không?

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là một chủ trương lớn của Đảng, khởi nguồn từ Nghị quyết số 29-NQ/TW ban hành vào năm 2013. Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Như vậy, đổi mới đã có quá trình khá dài từ trước đó, giáo viên đã được tiếp cận, chuẩn bị với đổi mới chứ không phải đến Chương trình GDPT 2018 mới tập huấn, bồi dưỡng.

Cùng với quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình tổng thể, chương trình các môn học theo Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã triển khai các bước để đưa đổi mới phương pháp giảng dạy vào trường phổ thông, giúp giáo viên làm quen và định hình phương pháp dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực người học. Song hành với đó là đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới quản lý, quản trị trường học.

Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên là nhiệm vụ rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Chương trình GDPT mới. Vì vậy, nhiệm vụ này đã được triển khai đồng bộ cùng với quá trình xây dựng, triển khai chương trình và có sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, dịch bệnh trong giai đoạn vừa qua đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Bộ GD&ĐT đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, hoàn thành đúng tiến độ từng giai đoạn, hợp phần bồi dưỡng và quan trọng hơn là bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.

leftcenterrightdel

Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Ảnh: Trung tâm Truyền thông giáo dục

PV: Không riêng Chương trình GDPT mới, phương pháp và chất lượng các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức cho giáo viên thời gian qua ra sao, thưa Bộ trưởng?

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn: Có nhiều giải pháp cho công tác tập huấn để kịp thời thích ứng với những thay đổi, tác động do dịch Covid-19. Tuy nhiên, quy trình thực hiện là: Bộ tập huấn cho cán bộ cốt cán, sau đó, các cán bộ cốt cán sẽ tập huấn lại cho các giáo viên khác. Cũng giống như dạy và học, phương thức trực tuyến được áp dụng triệt để trong triển khai tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thời gian vừa qua. Hình thức trực tuyến đã có kế hoạch thực hiện ngay từ ban đầu, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, việc triển khai bồi dưỡng trực tuyến rộng hơn, với thời lượng nhiều hơn. Một trong những yêu cầu của mỗi đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên là tổ chức đánh giá chất lượng. Những lớp đầu tiên triển khai chương trình mới (lớp 1, lớp 2, lớp 6) đã áp dụng cách đánh giá này và đến nay, quá trình này đã đạt được những kết quả ban đầu.

PV: Nói đến việc đánh giá chất lượng, chuẩn hóa giáo viên, mới đây, việc bỏ các quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ được đông đảo giáo viên, trong đó có nhiều người công tác ở vùng sâu, vùng xa đồng tình. Tuy nhiên, liệu điều đó có ảnh hưởng đến việc khuyến khích tự học nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ đối với đội ngũ giáo viên, trong khi chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số?

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn: Trong chiến lược phát triển toàn ngành, Bộ GD&ĐT đang triển khai quá trình chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở GD&ĐT, cấp phòng, sở đến cơ quan Bộ GD&ĐT; kết nối dữ liệu giữa ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số. Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh là một cú hích thúc đẩy ngành giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên không có nghĩa là không còn đặt ra các yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ. Cùng với việc điều chỉnh yêu cầu về chứng chỉ, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm. Như vậy, ngoại ngữ, tin học vẫn là yêu cầu quan trọng và thiết thực đối với mỗi giáo viên, đặc biệt là trong giai đoạn ngành giáo dục đang tích cực bắt nhịp với xu hướng và từng bước triển khai chuyển đổi số trong GD&ĐT.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

DƯƠNG THU (thực hiện)