QĐND - Giáo viên “cắm bản”, “cắm đảo” là hình ảnh tiêu biểu về đức hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Trong hơn 50 năm qua, đã có hàng vạn giáo viên tình nguyện đi gieo “con chữ” cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số vấn đề xung quanh câu chuyện này.
55 năm - một phong trào thấm đẫm nhân văn
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết thành tựu và những vấn đề đặt ra hiện nay trong việc đưa giáo viên đến công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (vùng 135)?
|
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Sự hy sinh thầm lặng dường như là một phần của nghề giáo nhưng với giáo viên “cắm bản”, “cắm đảo” thì sự hy sinh này lớn hơn rất nhiều và không phải bây giờ mới có. Thực hiện chủ trương trường gần dân, không để học sinh vì phải đi xa mà không đến trường, nhất là ở các địa phương có nhiều khó khăn về địa lý như miền núi, biên giới, hải đảo…, ngành giáo dục và các địa phương đã triển khai việc đưa giáo viên về mở lớp tại bản, phum, sóc. Từ những lớp học tại bản đầu tiên vào những năm 60 của thế kỷ trước với cô giáo Tô Thị Rỉnh, đến nay, các lớp học đầu cấp tiểu học vẫn hiện diện ở nhiều nơi cùng với những phương pháp giảng dạy mới-“dạy lớp ghép”-đã góp phần tích cực vào việc giúp học sinh ở những bản, làng phân tán biết chữ, biết tính toán ban đầu để lớp 4, lớp 5 các em có thể tự đi về trường trung tâm học với bạn bè. Để có những lớp học này, thầy giáo, cô giáo dạy ở đây không chỉ có dạy mà còn phải "dỗ" để các em đi học và không bỏ học giữa chừng. Điều này đã đóng góp một phần rất tích cực cho mục tiêu nâng cao dân trí, đạt chuẩn phổ cập giáo dục của các địa phương còn nhiều khó khăn cũng như cả nước.
Tuy nhiên, việc đưa giáo viên lên công tác tại các vùng 135 hiện nay vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo được điều động, tăng cường từ vùng có điều kiện thuận lợi lên công tác tại vùng 135; sự chênh lệch trong chế độ phụ cấp giữa nhà giáo từ nơi khác đến với nhà giáo sinh sống và công tác tại địa bàn vùng khó khăn…
Con đường nào cho sự “trở về”?
PV: Theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng 135 là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp đã quá thời hạn theo quy định nhưng giáo viên vẫn gặp khó khăn trong việc luân chuyển. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân và hướng giải quyết vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ có quy định: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời gian công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.
Đây là một trong những chính sách có nhiều yếu tố tích cực. Ở các địa phương có vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giáo viên đã được điều động luân chuyển đến công tác tại vùng 135 một lần, hoặc một số lần để hỗ trợ phát triển giáo dục vùng khó. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở những vùng 135 trở về nơi ở và làm việc ban đầu. Vẫn còn nhiều giáo viên đã hết thời hạn luân chuyển nhưng vẫn chưa được sắp xếp trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo tôi, tình trạng này do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một số tỉnh miền núi, địa bàn cách trở, có quá nhiều vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nên khó có thể sắp xếp được tất cả các trường hợp giáo viên đã luân chuyển về vùng thuận lợi. Mặt khác, việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục chưa đồng đều giữa các địa phương. Bên cạnh nhiều địa phương thực hiện tốt, vẫn còn một số địa phương chưa kịp thời trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên đã hết thời hạn luân chuyển từ vùng 135 về vùng thuận lợi.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, theo đó nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng chưa được sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng 135 thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Bên cạnh việc tham mưu tăng thời gian hưởng phụ cấp thu hút đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vùng 135 đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng chưa được luân chuyển trở lại, ngành giáo dục cũng sẽ tiếp tục rà soát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng 135, bảo đảm cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng đúng, đủ chế độ, chính sách hiện hành, yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại chỗ và nỗ lực đề nghị các địa phương quan tâm bố trí, sắp xếp các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của địa phương mình đã hoàn thành nhiệm vụ tại vùng 135 trở lại địa phương công tác.
PV: Để thu hút đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng 135, định hướng trước mắt và lâu dài của Bộ Giáo dục và Đào tạo là gì, thưa đồng chí?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Về căn bản và dài lâu, chúng ta cần tập trung phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có giáo dục, đào tạo. Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp, nhà ở cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên… Tiếp tục có chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, trang cấp sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, chuẩn hóa chương trình dạy học, xây dựng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn, đủ điều kiện về năng lực thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Bộ cũng nghiên cứu để có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng biệt, tuyển chọn những người đủ điều kiện vào học sư phạm. Có chính sách trợ giúp sinh viên dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đã tốt nghiệp sư phạm có việc làm phù hợp.
Đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng 135, Bộ sẽ bảo đảm chế độ lương, phụ cấp ưu đãi. Đồng thời, thực hiện rà soát chế độ, chính sách nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng sâu, vùng xa để làm cơ sở đề xuất thực hiện cải cách về chính sách. Chỉ đạo ngành giáo dục hằng năm có chế độ khen thưởng, tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể, một số địa phương cũng có chính sách riêng đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng 135.
Vinh danh những giáo viên “cắm bản”, “cắm đảo”
PV: Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” giai đoạn 2015-2019 đã thực hiện được 2 năm, đồng chí có thể cho biết kết quả và ý nghĩa nhân văn của chương trình này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chương trình do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Hằng năm, chương trình sẽ tổ chức tuyên dương các thầy giáo, cô giáo có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… Đây là những người đã đóng góp công sức, vượt qua muôn vàn khó khăn để đem chữ đến với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Năm 2015, chương trình đã tuyên dương 62 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc 62 huyện nghèo. Trong đó có những thầy giáo, cô giáo đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục ở các địa phương nghèo, khó khăn. Các thầy giáo, cô giáo là những tấm gương về sự hy sinh và nghị lực vượt khó trong hành trình "gieo chữ" ở những vùng cao, xa xôi, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự chia sẻ, quan tâm của cả xã hội.
Năm 2016, chương trình tuyên dương 42 thầy giáo, cô giáo công tác tại các huyện đảo, xã đảo từ 3 năm trở lên, có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có nhiều đóng góp trong việc giáo dục học sinh, tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục; có tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với sự nghiệp giáo dục, được học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội yêu mến, ghi nhận. Trong đó có những thầy giáo, cô giáo như: Cô giáo Nguyễn Thị Hợi đã gắn bó với học sinh huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được 29 năm 7 tháng; cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy đã có hơn 29 năm, thầy giáo Phan Ngọc Vũ đã có 24 năm gắn bó với giáo dục tại huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang… Để ghi nhận những đóng góp và tri ân với các thầy giáo, cô giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tặng Bằng khen cho 42 thầy giáo, cô giáo nói trên.
Cô giáo Tô Thị Rỉnh là người dân tộc Tày, năm 1961, mới 21 tuổi, cô tình nguyện xung phong lên dạy học cho trẻ em người Mông trên đỉnh núi cao tại xã Tân Việt (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Tại đây, cô đã tự học tiếng Mông để vận động các gia đình đồng bào cho con đi học. Cô tự bỏ tiền mua sách vở cho học sinh; tắm rửa, dỗ dành, chăm sóc học sinh như một người mẹ. Cô thường dùng cây đàn tính mang theo bên mình để tổ chức văn nghệ cho học sinh, từ đó gây cho các em ý thức tập thể và tinh thần ham học. Năm 1967, cô được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Giáo dục tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước toàn quốc. Cô chính là hình mẫu trong bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của nhạc sĩ Văn Ký.
|
DƯƠNG THỊ THU HÒA (thực hiện)