Phóng viên (PV): Thưa ông, vừa qua, có những học sinh học đến lớp 5 mà vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo thì dư luận thường cho là do cách dạy của giáo viên. Từ góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đặc biệt, ông có thể lý giải những trường hợp học sinh đó?
PGS, TS Phạm Minh Mục: Khi gặp những trường hợp trẻ học hết lớp 5 mà đọc chưa thông, viết chưa thạo thì xã hội thường đổ lỗi do giáo viên dạy không đến nơi đến chốn... Nhưng thực tế, có một nguyên nhân chưa được nhiều người quan tâm. Đó là nguyên nhân bên trong của bản thân trẻ, còn giáo viên lại chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy đối tượng học sinh như vậy dẫn đến học sinh này không có tiến bộ và không thể hoàn thành chương trình giáo dục của cấp học. Đây là một trong những đối tượng bị rối loạn phát triển tâm thần kinh mà cụ thể hơn là rối loạn học tập đặc thù. Trẻ mắc hội chứng này không phải là trẻ khuyết tật trí tuệ, các em có chỉ số IQ có thể tương đương 100, các em vẫn hoạt bát và tham gia học tập vui chơi bình thường, nhưng kết quả học tập chậm hơn trẻ khác từ 6 tháng đến 1, 2 năm ở một số lĩnh vực nào đó, biểu hiện rõ nhất ở kỹ năng đọc, viết và tính toán.
PGS, TS Phạm Minh Mục. Ảnh: MINH THÀNH
Theo nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi ở trẻ em học lớp 2 và lớp 5 thì số trẻ này hiện chiếm khoảng 6,8%-7,2% số trẻ em Việt Nam trong độ tuổi. Khi gặp những đối tượng như vậy, giáo viên phải được trang bị những phương pháp, kỹ năng đặc thù để hướng dẫn và hỗ trợ; đặc biệt phải tạo môi trường học tập phù hợp với trẻ.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn tình hình trẻ rối loạn phát triển hiện nay ở nước ta như thế nào?
PGS, TS Phạm Minh Mục: Những năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, trong khi đối tượng trẻ khuyết tật giác quan có xu hướng giảm rõ rệt thì trẻ khuyết tật về trí tuệ và các nhóm khuyết tật khác (thuộc nhóm rối loạn phát triển tâm thần kinh) lại gia tăng rất nhanh. Đối tượng này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm trẻ khuyết tật. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối nhiễu tâm thần 2015 (DSM-5), rối loạn phát triển tâm thần kinh bao gồm 6 loại: Khuyết tật trí tuệ, rối loạn giao tiếp, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động/giảm chú ý, rối loạn học tập đặc thù và rối loạn vận động. Tất cả các loại khuyết tật này có mức độ khác nhau, xuất hiện ở những độ tuổi khác nhau. Trong đó, rối loạn phổ tự kỷ đang là một vấn đề “nóng” khiến xã hội quan tâm nhiều nhất hiện nay. Đó là những em bị suy giảm giao tiếp kéo dài, rối loạn hành vi, suy giảm trí tuệ… xuất hiện sớm, từ 16 tháng tuổi đến 5-6 tuổi.
Trẻ khuyết tật nói chung, trẻ rối loạn phát triển tâm thần kinh nói riêng là những đối tượng trẻ em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và phát triển, hòa nhập cuộc sống. Giáo dục hòa nhập hiện là một trong những phương thức giáo dục chủ đạo dành cho trẻ khuyết tật được Nhà nước cũng như ngành giáo dục Việt Nam rất quan tâm.
PV: Với sự gia tăng nhanh nhóm trẻ khuyết tật về trí tuệ như vậy thì thực trạng đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục đối tượng này hiện nay ra sao, thưa ông?
PGS, TS Phạm Minh Mục: Theo khảo sát chưa đầy đủ thì có khoảng 30% số giáo viên ở trường chuyên biệt được đào tạo chính quy về giáo dục đặc biệt. Còn các trung tâm giáo dục hòa nhập thì số giáo viên được đào tạo chuyên ngành này rất thấp, chủ yếu là mới được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn hoặc đào tạo ngắn về giáo dục đặc biệt. Trong khi đó, yêu cầu đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật lại rất nhiều. Ngoài nền tảng sư phạm nói chung, họ cần phải có một loạt phẩm chất khác như: Tình yêu thương trẻ, tính kiên trì, nhẫn nại và phải được trang bị kiến thức, phương pháp và các kỹ năng đặc thù với từng đối tượng khuyết tật khác nhau. Có những kỹ năng rất khó như dạy chữ nổi, ngôn ngữ ký hiệu hay các kỹ năng đặc thù dạy trẻ rối loạn phát triển, phải sử dụng thường xuyên thì mới có thể thành thạo.
Nói chung, giáo viên ở các trường chuyên biệt cũng như các trường hòa nhập còn gặp rất nhiều khó khăn về kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Kể cả những người được đào tạo bài bản chuyên ngành này ở các trường sư phạm mà hàng loạt kỹ năng dạy trẻ rối loạn phát triển, trẻ đa tật vẫn còn chưa đủ. Do vậy, họ phải luôn sáng tạo, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm qua quá trình dài làm việc với trẻ, quan sát hoặc chia sẻ với đồng nghiệp thì mới có kỹ năng, phương pháp tốt.
PV: Là người gắn bó mấy chục năm với lĩnh vực giáo dục đặc biệt này, ông có thể chia sẻ những vất vả, áp lực mà các nhà giáo đã trải qua trong công việc?
PGS, TS Phạm Minh Mục: Thực tế qua quá trình làm việc, tôi đã chứng kiến rất nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết với trẻ khuyết tật. Họ không quản vất vả ngày đêm, tận tình dạy dỗ, giúp trẻ hòa nhập. Có người còn nhận trẻ tự kỷ làm con nuôi, hằng ngày đưa trẻ đến trường, dạy, chăm sóc như con của mình. Nhờ vậy mà nhiều trẻ đã tiến bộ hẳn lên, từ chỗ chỉ biết ngồi trong góc nhà, không biết nói gì thì dần dần biết chào hỏi, đọc, viết được, biết đếm, nhớ địa chỉ, số nhà, rồi ngày nào cũng đòi đi học để được gặp cô giáo, chơi với bạn… Chỉ đơn giản như vậy thôi cũng là niềm hạnh phúc đối với họ.
Tập huấn giáo viên và phụ huynh về kỹ năng giao tiếp bằng trao đổi tranh ảnh với trẻ tự kỷ tại Hà Nội, tháng 10-2017. Ảnh: ĐỨC HUY
Thế nhưng, tai nạn nghề nghiệp mà các nhà giáo này gặp phải trong công việc hằng ngày thì không kể hết. Ví dụ như trẻ sẵn sàng đánh cô, nhổ nước miếng vào mặt cô, đánh bạn, cắn bạn, tự làm đau bản thân như húc đầu vào tường, cào xước chân tay… Khi xảy ra những sự cố đó thì giáo viên đều phải chịu hậu quả, hoặc là phụ huynh kiện, bị xã hội lên án gay gắt, thậm chí có phụ huynh sẵn sàng vào trường đánh các cô khi con họ bị bạn khác đánh. Một vấn đề khác, nhiều phụ huynh thấy con học tập không tiến bộ thì cũng đổ lỗi do cô giáo dạy không hiệu quả, trong khi đó có nhiều trẻ rối loạn phát triển có thể phát triển âm, như ban đầu trẻ có ngôn ngữ (nói) dần dần có thể mất ngôn ngữ, các hành vi không mong muốn có thể xuất hiện thường xuyên hơn, mức độ trầm trọng hơn. Vậy với những trẻ này hạn chế được những hành vi tiêu cực trên cũng đã là một thành công. Quả thực, việc dạy trẻ rối loạn phát triển vất vả gấp 5, gấp 10 lần dạy trẻ bình thường. Giáo viên phải kèm cặp trực tiếp từng học sinh, có khi dạy đi dạy lại một điều, lúc đó trẻ có thể thực hiện được nhưng hôm sau lại quên ngay. Và cô giáo phải hướng dẫn lại từ đầu. Tất cả điều này đều là công sức lao động của giáo viên.
PV: Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo dục đặc biệt, khích lệ niềm say mê nghề nghiệp của họ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, theo ông cần có chế độ, chính sách như thế nào đối với các nhà giáo này?
PGS, TS Phạm Minh Mục: Với những đối tượng trẻ em rối loạn phát triển, nếu không có phương pháp đặc thù hỗ trợ thì các em sẽ không vượt qua được hoặc tiến bộ rất chậm. Vì thế, trên cơ sở khung chuẩn năng lực nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất khung tiêu chuẩn cho giáo viên chuyên biệt, trong đó sẽ có những yêu cầu, chỉ số về năng lực, kỹ năng dạy trẻ khuyết tật của các nhà giáo. Tuy nhiên, cũng cần có chế độ ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo đã được đào tạo bài bản, chính quy về giáo dục đặc biệt. Khi họ có đủ những tiêu chí nền tảng thì nên có ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, chế độ phân công công việc hợp lý và xây dựng môi trường làm việc tốt cho họ. Đồng thời cũng phải tổ chức bồi dưỡng chuyên môn định kỳ, thường kỳ để họ tích lũy kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ khuyết tật.
Về chế độ, chính sách với giáo viên dạy trẻ khuyết tật đã được quy định rất đầy đủ nhưng một số chính sách lại chưa thực sự đi vào cuộc sống. Với giáo viên trường chuyên biệt được hưởng thêm 70% lương đã được thực hiện trên toàn quốc. Nhưng đối với giáo viên dạy hòa nhập thì việc thực hiện chế độ, chính sách còn rất nhiều bất cập bởi quy định giáo viên chỉ được nhận phụ cấp 0,2% cho các giờ đứng lớp có học sinh khuyết tật khi học sinh đó có giấy xác nhận của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Nhưng theo thống kê của Bộ LĐTBXH thì hiện cả nước mới có hơn 13% trẻ khuyết tật có giấy xác nhận mà chủ yếu là đối tượng chính sách bảo trợ xã hội chứ không phải về hoạt động giáo dục. Các tiêu chí của rối loạn phát triển dẫn đến khó khăn về học tập của đứa trẻ hầu như chưa được xét đến nên rất thiệt thòi cho các giáo viên. Đây là điều khiến chúng tôi vô cùng trăn trở khi gặp gỡ các giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục hòa nhập ở các địa phương.
Hiện nay, Bộ LĐTBXH cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp để sửa đổi những bất cập trong các thông tư quy định về chế độ, chính sách cho giáo dục đặc biệt này nhưng nhiều tiêu chí về rối loạn học tập đặc thù như rối loạn ngôn ngữ, đọc, viết, phát âm… của trẻ không được đưa vào quy định thì giáo viên dạy đối tượng này sẽ còn chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian rất lâu nữa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ở nước ta hiện có khoảng 5.000 giáo viên đang giảng dạy và làm nhiệm vụ về giáo dục đặc biệt với 3 mô hình giáo dục: Giáo dục chuyên biệt; Giáo dục hội nhập (bán hòa nhập) và Giáo dục hòa nhập. Trong đó, có 105 trường chuyên biệt công lập, khoảng 10 trường chuyên biệt tư thục với số học sinh dao động khoảng 10.000 em mắc các loại khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị... Hơn 500.000 học sinh khuyết tật đang học tại các trường hòa nhập. Ngoài ra, còn có 15 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập vừa có chức năng như trường chuyên biệt, vừa có chức năng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên địa bàn. |
HÀ THANH MINH (thực hiện)