Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế ấy chưa vững chắc bởi chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hóa còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.

Cũng trong 30 năm qua, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều nước đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Những điểm mới của Chương trình GDPT mới

So với chương trình hiện hành, Chương trình GDPT mới có những điểm mới chủ yếu sau:

Thứ nhất, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực. Theo định hướng này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

leftcenterrightdel
Chương trình GDPT mới sẽ có môn học Hoạt động trải nghiệm. Trong ảnh: Học sinh các trường tiểu học và THCS xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) tham quan trải nghiệm tại Trung đoàn 165, Sư đoàn 312Ảnh: TƯ VINH 
Thứ hai, trong giai đoạn giáo dục cơ bản, Chương trình GDPT mới một mặt thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp, mặt khác, thiết kế một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) theo các học phần, chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những học phần hoặc chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và HĐGD bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, học phần và chuyên đề phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Thứ ba, Chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình GDPT tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.

Thứ tư, Chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục. Tỷ lệ trung bình thời lượng giáo dục trong một năm học dành cho địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học so với tổng thời lượng giáo dục của các môn học và HĐGD ở cấp tiểu học là 19%, ở cấp THCS là 28%, ở cấp THPT là 28%. Chương trình cũng không quy định quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả SGK, cơ sở giáo dục và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Dù có nhiều điểm mới song chương trình mới vẫn kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDPT hiện hành như: Mục tiêu giáo dục vẫn là giáo dục con người toàn diện, phương châm giáo dục là “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Nội dung giáo dục vẫn tiếp tục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa dân tộc, bảo đảm phù hợp với đặc điểm con người và văn hóa Việt Nam. Hầu hết tên các môn học vẫn được giữ nguyên như hiện hành, chỉ có môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở THCS và Hoạt động trải nghiệm ở cả ba cấp học là những tên gọi mới. Thời lượng dạy học chương trình mới có giảm tải nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học và HĐGD không có sự xáo trộn. Về phương pháp giáo dục, chương trình mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Từ nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới, do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo.

Phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh

Yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh được đặt ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Đó là sự tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của dân tộc. Trong giáo dục cũng như trong đời sống, phẩm chất (đức) được đánh giá bằng hành vi, còn năng lực (tài) được đánh giá bằng hiệu quả của hành động.

Chương trình GDPT mới hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Căn cứ để xác định các phẩm chất chủ yếu nói trên là những phẩm chất của con người Việt Nam được nêu trong các văn kiện của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam (cụ thể là Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước).

Nghị quyết số 03 (thường gọi là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII) xác định 5 nhóm phẩm chất của con người Việt Nam như sau: a) Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; b) Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; c) Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; d) Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; e) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Từ 5 nhóm nói trên, sau khi gộp một số đặc tính trùng nhau hoặc gần nhau (cần kiệm, chăm chỉ và thường xuyên học tập, rèn luyện; đoàn kết và nhân nghĩa) vào một từ khóa và chuyển sáng tạo sang phạm trù năng lực, có thể rút ra 5 phẩm chất như sau: Yêu nước, nhân nghĩa, cần kiệm, trung thực, kỷ cương.

Nghị quyết số 33 khóa XI nêu ra 7 đặc tính của con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Sau khi gộp một số đặc tính trùng nhau hoặc gần nhau (nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết) vào một từ khóa và chuyển sáng tạo sang phạm trù năng lực, có thể rút ra 4 phẩm chất như sau: Yêu nước, nhân ái, trung thực, cần cù.

Có thể thấy những phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển cho học sinh nêu trong dự thảo Chương trình GDPT mới (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) phù hợp với yêu cầu xây dựng con người Việt Nam trong hai nghị quyết của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chương trình GDPT mới hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau: a) Những năng lực chung được tất cả các môn học và HĐGD góp phần hình thành, phát triển: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; b) Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và HĐGD nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, dự thảo Chương trình GDPT mới còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Những thay đổi về môn học

Chương trình GDPT được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học và HĐGD gồm các môn học và HĐGD bắt buộc, các môn học tự chọn.

Chương trình tiểu học có 10 môn học và HĐGD bắt buộc (số môn học và HĐGD bắt buộc ở lớp 1, lớp 2 là 7; lớp 3 là 9). Chương trình THCS có 11 môn học và HĐGD bắt buộc. Ở THPT có 6 môn học và HĐGD bắt buộc; ngoài ra, học sinh lựa chọn 5 môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của mình từ 3 nhóm môn (Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và Nghệ thuật), mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn. Ở mỗi cấp học đều có 2 môn học tự chọn; học sinh có thể học hoặc không học các môn này.

Tóm lại, cả số môn học và thời lượng học ở 3 cấp học đều giảm so với chương trình hiện hành. Ở THPT, do học ít môn hơn nên học sinh có điều kiện học sâu hơn, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân.

GS, TS NGUYỄN MINH THUYẾT (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông)