Đổi mới tư duy làm phim để hội nhập

Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 18 đến 21-11 với mục tiêu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Đây là sự kiện văn hóa-nghệ thuật quốc gia chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ngày 24-11-2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Ban tổ chức LHP xác định, yêu cầu, mục tiêu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đồng thời linh hoạt, thích ứng trong điều kiện “bình thường mới” để tổ chức LHP một cách tốt nhất. Các hoạt động trong khuôn khổ LHP được điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình hiện nay, song vẫn bảo đảm trang trọng, ấm cúng của một hoạt động mang tầm cỡ quốc gia.
      

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim "Bố già" (đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng; Trấn Thành Town, HKFilm và Galaxy Studio phối hợp sản xuất). 

Về mặt giải thưởng, ở hạng mục Phim truyện điện ảnh có hai tác phẩm nổi trội là “Mắt biếc” (giải Bông sen Vàng; Nhạc phim xuất sắc; Phim có bối cảnh quay tại Huế) và “Bố già” (giải Bông sen Bạc; Nam diễn viên chính xuất sắc; Nữ diễn viên phụ suất xắc; Biên kịch xuất sắc). Đây là hai bộ phim đạt doanh thu cao và dành được nhiều tình cảm của khán giả trong thời điểm phát hành. Một số giải thưởng quan trọng khác được trao cho các bộ phim như: Giải Đạo diễn xuất sắc trao cho Trịnh Đình Lê Minh, phim “Bằng chứng vô hình”; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trao cho NSND Lê Khanh, phim “Gái già lắm chiêu V”...

Nhìn chung, LHP để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng. Con số 127 phim được các hội đồng tuyển chọn tham dự LHP, trong đó 92 phim dự thi ở các hạng mục (gồm 17 phim truyện, 37 phim tài liệu, 15 phim khoa học, 23 phim hoạt hình) cho thấy sự phát triển về số lượng phim của điện ảnh Việt Nam thời gian qua. Về chất lượng, không thể phủ nhận những năm gần đây các tác phẩm của điện ảnh Việt Nam luôn cố gắng đổi mới trong tư duy sáng tác và phương pháp thể hiện nhằm hội nhập được với dòng chảy của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, để đáp ứng đúng tiêu chí “giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” thì còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Hơn nữa, các giải thưởng trao tại LHP lần này chưa tập trung mà vẫn mang tính chia đều nhằm động viên, khích lệ những người làm công tác sáng tác...

Lịch sử điện ảnh Việt Nam đã có những tác phẩm mang đậm bản sắc Việt và tạo được dấu ấn đối với bạn bè quốc tế, như: “Bao giờ cho đến tháng Mười” (đạo diễn Đặng Nhật Minh); “Trăng nơi đáy giếng” (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn)... Trải qua hàng thập kỷ phát triển và hội nhập cùng với chính sách xã hội hóa điện ảnh đã tạo điều kiện cho những hãng phim tư nhân tham gia thị trường điện ảnh ở tất cả các khâu, như: Sản xuất-tiếp thị-phát hành. Áp lực về mặt doanh thu khiến các nhà sản xuất phim tư nhân thiên về những bộ phim hành động, hài, kinh dị mang hơi hướng của Hàn Quốc hay Hollywood mà quên rằng, chuyện phim chỉ thực sự chinh phục được khán giả khi mang trong mình những chất liệu văn hóa Việt. Và chỉ có vậy, khán giả mới thấy những câu chuyện, nhân vật trên màn ảnh gần gũi với đời sống thực, và cũng chỉ bằng cách đó tác phẩm điện ảnh mới có thể sống cùng thời gian.

Một trường hợp hiếm hoi của phim Việt gần đây đã cố gắng tìm tòi, khai thác kho tàng văn hóa Việt để đưa vào tác phẩm của mình, đó là nhà sản xuất-đạo diễn Ngô Thanh Vân với hàng loạt phim, như: “Ngày nảy ngày nay”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Trạng Tí”... dựa trên những câu chuyện văn học dân gian. Phim “Cô Ba Sài Gòn” là câu chuyện về tà áo dài truyền thống Việt Nam; phim “Song Lang” dựa trên hình thức sân khấu cải lương truyền thống... Và một minh chứng rõ nét nhất trong năm 2021 là hiện tượng phim “Bố già” (đạo diễn Trấn Thành-Vũ Ngọc Đãng). Chỉ là những câu chuyện đời thường của một xóm lao động nghèo nhưng tác giả đã khéo kết nối những mảnh đời bất hạnh để chuyện phim chạm được đến trái tim của người xem, để họ thấy mình trong mỗi nhân vật phim. Con số 420 tỷ đồng từ doanh thu phòng vé và 4 giải thưởng chính tại LHP là minh chứng cho thấy: Nếu biết tận dụng và khai thác văn hóa dân tộc thì bất kỳ một tác phẩm điện ảnh nào cũng có thể mang lại doanh thu và làm nên dấu ấn nghệ thuật.

Hướng tới những giá trị nhân văn cao cả

Điện ảnh là sản phẩm của kỹ thuật và nghệ thuật. Vì vậy, hiện đại có thể hiểu là nội dung mỗi tác phẩm điện ảnh phải là câu chuyện trong đời sống xã hội, khái quát từ cuộc sống thường ngày, phản ánh những mặt trái của xã hội cũng như ước mơ, khát vọng của con người. Câu chuyện ấy cần được diễn tả bằng ngôn ngữ đương đại, tận dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm yếu tố bổ trợ để trở nên hấp dẫn người xem về mặt hình ảnh và âm thanh.

Câu chuyện về kinh phí làm phim là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay. Phim của các hãng phim nhà nước với mức kinh phí khiêm tốn nên không thể đầu tư nhiều về mặt kỹ xảo. Ngược lại nhiều hãng phim tư nhân không tiếc tiền đầu tư vào sản phẩm điện ảnh nhưng lại dẫn đến hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, phô diễn âm thanh theo ý đồ của đạo diễn mà không phục vụ nhiều cho nội dung.

Ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào phim không còn là điều xa lạ với các nhà sáng tác, nhưng vấn đề là làm thế nào cho hay, góp phần nâng tầm giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh mới là điều đáng bàn. Hiện nay, trong hạng mục giải thưởng của LHP Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giải Âm thanh xuất sắc và Họa sĩ xuất sắc chứ chưa có thêm giải dành cho kỹ xảo. Điều này cho thấy việc dùng kỹ xảo trong phim Việt vẫn còn phải cân nhắc và học hỏi.

leftcenterrightdel

Quang cảnh Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22.   Ảnh do Ban tổ chức  Liên hoan phim cung cấp

Xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh đồng nghĩa với việc nền công nghiệp ấy sản xuất ra hàng hóa và hàng hóa đó phải bán được cho người tiêu dùng (người xem). Sau khi hàng hóa được sản xuất sẽ phải tiếp thị và quảng bá để được người tiêu dùng biết đến. Nhìn vào thực trạng công tác quảng bá, tiếp thị của những nhà sản xuất phim hiện nay có thể thấy rằng, các hãng phim đã làm khá tốt công tác này. Với mục đích làm phim là để kinh doanh, các nhà sản xuất đã có kế hoạch quảng bá, tiếp thị rất bài bản và chuyên nghiệp. Việc cập nhật tiến độ sản xuất phim được thực hiện liên tục trong suốt quá trình quay để thông tin liên tục đến khán giả sản phẩm mà họ sắp tung ra thị trường tạo tâm lý tò mò, chờ đón của người tiêu dùng. Đồng thời, các tác giả còn rất chú trọng đến việc gửi phim tham gia các LHP quốc tế với hy vọng khi phim có giải sẽ làm nên thương hiệu cho những người làm công tác sáng tác và cho chính bộ phim của họ khi phát hành ở thị trường trong nước.

Mục tiêu phát triển của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây là đề cao tính dân tộc, nhân văn nhưng vẫn mang tính hội nhập với điện ảnh khu vực và quốc tế. Để xây dựng một nền công nghiệp phim ảnh phát triển thì không thể thiếu đặc trưng văn hóa của từng quốc gia trong mỗi tác phẩm. Đồng thời, tác phẩm ấy phải hướng tới những giá trị nhân văn cao cả để hòa cùng dòng chảy chung của nhân loại. Câu chuyện của điện ảnh Việt Nam vẫn cần những cố gắng từ những người trong cuộc. Suy đến cùng, văn hóa dân tộc chính là hạt nhân, là cốt lõi quyết định đến chất lượng của mỗi tác phẩm điện ảnh nói riêng, văn học-nghệ thuật nói chung. Chỉ dựa trên giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, tác phẩm điện ảnh ấy mới là của Việt Nam và do người Việt Nam sáng tác.

TÂM MINH