Phóng viên (PV): Với đôi mắt chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, bà có thể đưa ra đánh giá tổng quan về thực trạng việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam?

TS Ngô Phương Lan: Rất may là điện ảnh Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nên đã có định hướng để xây dựng công nghiệp điện ảnh. Thực tế trong mấy năm qua, điện ảnh đã có những bước phát triển rõ rệt: Thị trường điện ảnh lớn dần với doanh thu chiếu phim hằng năm tăng khoảng 30%, hệ thống rạp chiếu phim tăng nhanh về số lượng và được trang bị hiện đại, số lượng phim Việt Nam sản xuất hằng năm tăng mạnh - vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh. Tuy chất lượng phim chưa đồng đều nhưng đã có những phim được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc gia, quốc tế và có một vài phim “bom tấn” phá kỷ lục doanh thu tại Việt Nam so với các “bom tấn” nước ngoài. Quả thật, điện ảnh là ngành nghệ thuật xã hội hóa nhiều nhất và thành công nhất, theo đúng hướng: Cái gì tư nhân làm được thì nhà nước không đầu tư.

leftcenterrightdel
 Bà Ngô Phương Lan. (Ảnh: NVCC)

Về quản lý, năm nay tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi được áp dụng trong quá trình cấp phép phổ biến phim đã tạo sự thông thoáng và hiệu quả cho nhà làm phim, nhà sản xuất và phát hành theo quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để xây dựng thành công ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam thì chặng đường còn dài, còn phải vượt rất nhiều khó khăn mà quan trọng nhất là phải nâng cao sự chuyên nghiệp trong các khâu từ sản xuất, phát hành đến quản lý, phê bình. Tất cả các khâu đều rất cần sự phát triển đồng bộ, vì điện ảnh là ngành tổng hợp của nghệ thuật và công nghiệp.

PV: Hiện tại, hai hãng phim Nhà nước (Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng) đều đã được cổ phần hóa. Vậy khi không còn những “cánh chim tiên phong” một thời, vai trò của điện ảnh Nhà nước sẽ đứng ở đâu trong quá trình phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, cũng như trong công cuộc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh? Việc định hướng phát triển của nền điện ảnh sẽ như thế nào khi không còn các hãng phim Nhà nước, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là bước đi tất yếu, theo chỉ đạo của Chính phủ. Các hãng phim Nhà nước đúng là đã góp phần quan trọng nhất làm nên chặng đường lịch sử của điện ảnh Việt Nam, nhưng cho đến nay, không nên phân biệt “điện ảnh nhà nước” và “điện ảnh tư nhân” mà chỉ có một tên chung là điện ảnh Việt Nam thôi!

Đặt hàng của Nhà nước nếu có sẽ dành cho những dự án phim phù hợp tiêu chí phim đặt hàng và có chất lượng tốt nhất, cho dù của hãng phim nhà nước hay tư nhân. Và định hướng dòng phim “chính thống” sẽ thông qua những tác phẩm như thế. Điều tôi muốn nhấn mạnh là phải làm sao gìn giữ được đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, có chất lượng chuyên môn cao của các hãng phim. Hiện nay, đội ngũ lành nghề đó vẫn có thể tham gia làm phim ở bất cứ đâu nếu có dự án phù hợp với khả năng và tay nghề của họ.

PV: Vào tháng 5 vừa qua, Cục Điện ảnh Việt Nam đã lần đầu tiên chủ trì tổ chức, phối hợp với Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp (CNC) cùng các nhà làm phim, nghệ sĩ, diễn viên, nhà sản xuất, phát hành phim... tổ chức giới thiệu quảng bá điện ảnh - du lịch tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes - Pháp. Thưa bà, đây có phải là một hướng đi mới, sẽ được tiếp tục nhằm quảng bá cho điện ảnh Việt Nam?

TS Ngô Phương Lan: Trước hết, phải nói là Cục Điện ảnh chủ trì một chuỗi hoạt động ở LHP quốc tế Cannes như: Tổ chức gian hàng; quảng bá điện ảnh và điểm đến quay phim ở Việt Nam - một đất nước tuyệt đẹp và vô cùng an toàn; ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp; tổ chức Đêm Việt Nam (Vietnam Night)...

Điện ảnh Việt Nam tham gia LHP quốc tế Cannes với tư cách một quốc gia là một công việc rất mới mẻ, khó khăn nhưng hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn nếu được thực hiện bài bản và chuyên nghiệp. Rất may là bước đầu chúng ta đã thành công! Điều này phải kể đến sự đóng góp rất nhiệt tình, hiệu quả cả về kinh phí và công sức của nhiều doanh nghiệp chứ nếu riêng Cục Điện ảnh Việt Nam thì không thể làm được, vì hoàn toàn không có ngân sách và nhân lực rất ít ỏi. Nhưng ngược lại, nếu không có sự thống nhất và sự lãnh đạo của Cục Điện ảnh Việt Nam để chủ trì một sự kiện lớn như vậy thì các doanh nghiệp sẽ làm việc một cách nhỏ lẻ, không bài bản và dễ gây tình trạng thiếu chuyên nghiệp, khó làm nên một “góc Việt Nam” tại Cannes như hiện tại kết quả đã đạt được!

Các nhà làm phim tự hào khi lá cờ Việt Nam bay suốt 10 ngày trên chính gian hàng của mình, sánh ngang với gian hàng của các cường quốc điện ảnh trong và ngoài khu vực. Lượng du khách vào tham quan không nhỏ, họ hỏi về bối cảnh, điều kiện quay phim ở Việt Nam và chủ động đề nghị để được mời đến dự Đêm Việt Nam (Vietnam Night) năm nay. Và điều đáng mừng nhất là họ tiếp tục hỏi về Đêm Việt Nam năm sau sẽ tổ chức vào ngày nào rồi để lại danh thiếp để đăng ký được mời…

Cannes hằng năm là nơi thu hút hàng chục nghìn người hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh! Trong đó có quy tụ rất nhiều ngôi sao điện ảnh hàng đầu, hàng nghìn những đại diện báo chí truyền thông quốc tế, hàng trăm nghìn khán giả yêu điện ảnh… Bởi vậy, hơn bất cứ đâu, đây chính là một trong những nơi lý tưởng nhất để quảng bá điện ảnh, quảng bá các điểm đến của Việt Nam. Nhưng phải hiểu rằng, Cannes tuy là LHP quốc tế hàng đầu nhưng ngoài Cannes còn hàng trăm LHP khác nên chúng ta sẽ phải có những sự lựa chọn khôn ngoan và hoạt động phù hợp trong “rừng” LHP ấy để từng bước phát triển điện ảnh một cách thống nhất, hiệu quả.

PV: Văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình thương hiệu quốc gia (ví dụ: Trung Quốc, Hàn Quốc...). Vậy nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã tạo nên được thương hiệu gì? Và con đường tiếp tục để phát triển thương hiệu được định hướng như thế nào, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan: Điện ảnh Việt Nam từng tạo được tiếng vang với dòng phim chiến tranh! Dòng phim này không chỉ được yêu thích bởi giới khán giả trong nước mà trên thế giới cũng được biết đến như một thương hiệu của điện ảnh Việt trong nhiều thập kỷ trước. Trong những năm gần đây, phim Việt Nam dần lấy lại được vị trí và góp phần phát triển thị trường điện ảnh một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó cũng có một số bộ phim được đánh giá cao tại các LHP quốc tế trong và ngoài khu vực như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ - 2015), “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Vũ Hoàng Điệp - 2014) hay gần đây nhất là “Đảo của dân ngụ cư” (đạo diễn Hồng Ánh - 2017)… Tuy vậy, chưa thể nói rằng chúng ta đã tạo được một thương hiệu quốc tế thực sự của phim Việt! Nhưng chúng ta cũng đã rất nỗ lực để tổ chức được một số sự kiện điện ảnh lớn như LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) trở thành thương hiệu của một “LHP đang lên” trong khu vực!

leftcenterrightdel

Bà Ngô Phương Lan (áo dài đen) cùng các nghệ sĩ Việt Nam và chuyên gia điện ảnh quốc tế tại Đêm Việt Nam (Vietnam Night) được tổ chức tại Cannes (Pháp). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Định hướng để xây dựng thương hiệu cho điện ảnh Việt là phải làm được cả những phim hay - tức tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và nhiều bộ phim được khán giả yêu thích, có doanh thu tốt ở thị trường nội rồi tiến ra thị trường nước ngoài. Để hài hòa được yếu tố này là một bài toán vô cùng khó khăn và đòi hỏi một quá trình nỗ lực rất dài. Bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu điện ảnh qua các sự kiện lớn như các LHP quốc tế ở nước ngoài hay HANIFF của ta là một trong những bước đi cấp thiết đầu tiên mà chúng ta phải cùng nhau thực hiện.

PV: Vừa qua, bộ phim “bom tấn” “Kong: Đảo đầu lâu” được quay tại Việt Nam với những bối cảnh đẹp, đã tạo nên một tiếng vang lớn trong làng điện ảnh thế giới. Với đôi mắt của một chuyên gia, bà nghĩ sao về việc xây dựng một “phim trường Việt Nam” như một hướng đi để phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam?

TS Ngô Phương Lan: Thiên nhiên đẹp, đa dạng và độc đáo của Việt Nam là điều kiện lý tưởng để thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Tại Cannes, chúng ta cũng đã tìm mọi cách quảng bá, từ trực quan đến các hoạt động thực tế với một thông điệp: “Việt Nam-điểm đến mới của các bộ phim bom tấn”. Thị trường với gần 100 triệu dân chưa phải lớn nhưng cũng có sức hút đối với nhiều nhà sản xuất và phát hành.

Tuy nhiên, khi nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta vẫn còn những hạn chế như: Các công ty cung cấp dịch vụ ít ỏi, làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp, đồng bộ do còn mang tính chất nhỏ lẻ, co cụm hay đặc biệt là chưa có ưu đãi về việc hoàn trả lại thuế cho đoàn phim. Cụ thể, các quốc gia khác có chính sách hoàn trả từ 10% đến 25% (thậm chí nhiều hơn) tiền chi tiêu tại nước sở tại cho đoàn phim nước ngoài đến quay phim. Để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành cũng như nhiều tổ chức, cá nhân. Về phía ngành điện ảnh, chúng tôi đã và đang cố gắng thu hút các nhà làm phim nước ngoài bằng cách tận dụng từng cơ hội cũng như sự kiện điện ảnh để giới thiệu bối cảnh Việt Nam, trao đổi về điều kiện làm phim ở Việt Nam với bạn bè và đồng nghiệp quốc tế. Từ đó, cố gắng ký kết được các thỏa thuận hợp tác với điện ảnh các nước. Đó là những bước đi đầu tiên - những viên gạch nền tảng tuy nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết để có thể xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong tương lai!

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

TỐNG HOÀNG HÀ MY (thực hiện)