Những gì pháp luật không cấm thì mọi người đều có quyền làm. Quy luật trên cũng áp dụng trong lĩnh vực điện ảnh và ta có thể thấy điều đó qua 19 phim truyện nhựa dự giải Cánh Diều 2016 vừa qua đều là của các hãng phim tư nhân. Những phim đó đều được Hội đồng duyệt phim Quốc gia duyệt, cấp phép phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, có nghĩa chúng đều là những sản phẩm chính danh. Vậy thì diện mạo của điện ảnh Việt Nam ngày hôm nay là gì?
Nếu so với điện ảnh Việt Nam chỉ cách đây chừng 10 năm thôi, thì điện ảnh Việt Nam ngày nay đã lột xác hoàn toàn. Nó không còn có mối liên hệ gì với nền điện ảnh quen thuộc mà nhiều người vẫn biết. Không còn bóng dáng những nhân vật anh hùng trong chiến đấu cũng như tiên phong trong lao động sản xuất. Điện ảnh Việt Nam hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới mẻ với những nhân vật hoàn toàn mới lạ thích ứng với những thay đổi đang diễn ra hằng ngày trong xã hội. Có thể diện mạo ấy lạ lẫm với ai đó, nhưng bình tĩnh nhìn lại thì thấy nó rất phù hợp với quy luật vận hành của một xã hội tiêu thụ. Xã hội đó đã tạo ra một lớp khán giả điện ảnh trẻ ở các đô thị (tuổi đời trên dưới 20) mà nhu cầu chủ yếu là giải trí. 19 phim dự giải năm nay thì có đến 18 phim thuộc dòng giải trí (ngoại trừ 1 phim sẽ bàn sau). Chưa bao giờ chức năng giải trí của điện ảnh lại được đề cao như hiện nay. Các phương tiện truyền thông hết lòng cổ súy cho những phim giải trí, lấy con số doanh thu phòng chiếu làm tiêu chí đánh giá sự thành công của một bộ phim…
Ê-kíp bộ phim “Sài Gòn, anh yêu em” nhận giải Cánh Diều Vàng 2016. Nguồn: Internet
Quả thật, điều quan trọng của 1 bộ phim là khán giả có thích xem nó không? Có chịu bỏ tiền ra mua vé để xem nó không? Vậy cái gì đã làm đa số khán giả trẻ hiện nay thích thú để chịu bỏ tiền ra mua vé xem phim ở các rạp? Ta thử tìm hiểu điện ảnh Hollywood, nền điện ảnh giải trí hàng đầu thế giới để tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên. Phải công nhận rằng các nhà làm phim Mỹ có óc tưởng tượng rất phong phú, họ có nhiều ý tưởng táo bạo để dựng nên những câu chuyện khó có thể xảy ra ngoài đời, rồi biến nó thành hiện thực trên màn ảnh. Nào người từ hành tinh khác đến, quái vật từ lòng đất chui lên, từ băng đảng tới người lương thiện, từ ma-phi-a tới cảnh sát… Không có đề tài nào mà họ không đề cập đến, miễn là khác lạ, chưa từng có trong cuộc sống. Chức năng phản ánh hiện thực không phải là mối quan tâm của họ. Càng giàu trí tưởng tượng càng tốt và họ biết cách thể hiện những cái tưởng tượng đó thành hình ảnh đầy ấn tượng nhờ những phương tiện kỹ xảo ngày càng tinh vi mà phim “Kông-Đảo đầu lâu” gần đây là một ví dụ. Công thức pha chế quen thuộc của các phim giải trí Hollywood là: Một chút bi, một chút hài, một vài cảnh “hot” và rất nhiều pha hành động như: Đánh đấm, đấu súng, rượt đuổi bằng xe hơi, mô tô… và có khi còn cả máy bay nữa. Phim ảnh giải trí của Việt Nam ngày nay cũng đang đi theo khuynh hướng đó. Trong 19 phim dự giải Cánh Diều năm nay thì có đến 12 phim hành động. Nhiều phim có cảm tưởng như câu chuyện xảy ra ở Hồng Công, Xê-un (Seoul) hay Tô-ki-ô (Tokyo)... hoặc ở một xứ sở nào đó nơi các băng đảng lộng hành như ở chỗ không người. Người xem chỉ biết câu chuyện xảy ra ở Việt Nam khi ở cuối phim đột nhiên xuất hiện bóng dáng những chiến sĩ công an súng lăm lăm trên tay vây bắt bọn tội phạm.
Theo công thức pha chế trên đây, trong hầu hết các phim đều phải có những nhân vật dị biệt như đồng tính, những nhân vật có ngoại hình khác lạ (lùn, béo) để tạo chất hài. Các nhân vật trên phim, kể cả nam lẫn nữ hễ động một tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, nói năng bặm trợn như hét vào mặt nhau. Trong những phim hài, diễn xuất của diễn viên cường điệu đến mức giả tạo. Nhiều phim sa vào chủ nghĩa bi lụy (melo) hòng lấy nước mắt khán giả… Tuy vậy, những phim giải trí đó cũng có những cái được: Trước hết là kỹ thuật ghi hình tiến bộ rõ rệt so với trước (có phim đạt tiêu chuẩn quốc tế). Những pha võ thuật mang tính chuyên nghiệp cao, thậm chí nhiều phim hành động không kém gì các phim của Hollywood. Bối cảnh được chọn lựa dàn dựng công phu, tỉ mỉ, không cẩu thả qua loa. Xuất hiện trong một số phim là một vài gương mặt diễn viên trẻ có triển vọng… Nhưng cái yếu chung của các phim trên là nội dung không mang một ý nghĩa gì sâu sắc, mới mẻ. Kết cấu nhiều phim lỏng lẻo, rời rạc. Các nhân vật rơi từ khung cảnh này sang khung cảnh khác tùy tiện, không cần logic…
Vậy là bên cạnh những kết quả đáng khích lệ của công cuộc xã hội hóa điện ảnh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực trạng điện ảnh Việt Nam hôm nay cũng đang đặt ra những vấn đề đáng quan ngại!
Gần đây đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức ngày 4-4-2017 tại Hà Nội, đã nhấn mạnh: “Để văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển, đồng hành cùng dân tộc, Hội Nhà văn Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW về văn học, nghệ thuật, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam... Hội cũng cần bám sát hơi thở cuộc sống đương đại, đi sâu, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của xã hội, phấn đấu tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật khắc họa sinh động hình ảnh con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại; đề cập đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội đương đại; kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo - truyền thống quý báu của dân tộc, văn hóa Việt Nam…”.
Những lời kêu gọi trên của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với các nhà văn cũng là lời kêu gọi các văn nghệ sĩ nói chung, trong đó có những người làm điện ảnh. Nhìn những gì đang diễn ra trong sinh hoạt điện ảnh hôm nay cho thấy đã đến lúc những người làm phim cần nghiêm túc nhìn lại mình để định hướng cho giai đoạn sắp tới, ngõ hầu đưa điện ảnh Việt Nam trở về với những thiên chức cao cả, nhân văn mà nó đã từng có!
Đạo diễn, NSND ĐẶNG NHẬT MINH