Đến dự hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấy “vinh dự và hào hứng”. Điều đó không chỉ thể hiện sự khiêm nhường của một nhân cách lớn mà ngay trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, người nghe cảm nhận được sự trải lòng chân thành về văn hóa, về con người và về lịch sử dân tộc của người đứng đầu Đảng ta.

Cán bộ văn hóa cần cái danh thực...

 Niềm tin, sự hào hứng và niềm hy vọng cùng với những trăn trở về con người, về cán bộ, về vận hội của dân tộc trong thời kỳ mới... đều được trình bày một cách giản dị và hết sức tâm huyết. Bài phát biểu đề cập đến rất nhiều vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Là người đã tham gia công tác quản lý văn hóa, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ “xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” để khẳng định công tác cán bộ vô cùng quan trọng, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết của công tác này trong thời gian qua, phải “sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở cả Trung ương và địa phương”.

Thiết nghĩ, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải dùng đến cụm từ “chắp vá, tùy tiện” để nói về tình trạng “bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở cả Trung ương và địa phương” thì vấn đề cần sớm khắc phục ở cấp độ “những việc cần làm ngay”.

Vì sao vậy? Vì cán bộ là khâu quyết định dù ở lĩnh vực nào, ở cấp nào. Bố trí, cất nhắc cán bộ văn hóa lại càng phải cẩn trọng hơn vì đó là đội ngũ chăm lo “phần hồn” cho đời sống con người, đội ngũ xây dựng “nền tảng tinh thần của xã hội”. Cán bộ lĩnh vực nào cũng cần có thực lực, cán bộ văn hóa không là ngoại lệ. Nhưng với văn hóa, cán bộ còn cần thêm cái danh thực chứ không phải hư danh. Có thực danh, có thực lực mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường mà ở đó có nhiều tài năng và cá tính rất đặc thù của con người.

Các trí thức, đặc biệt là các văn nghệ sĩ có tài thường có cá tính đặc hữu của người sáng tạo. Muốn sáng tạo mà cái gì cũng giống người khác thì sao sáng tạo được! Mới thấy hơi khác, người quản lý đã chụp cho “cái mũ”, thở không được thì làm sao có thể sáng tạo? Người thường ngắm trăng thấy lu, thấy tỏ. Người tài ngắm trăng còn biến trăng thành chủ thể có hồn, có thể “vào cửa sổ đòi thơ” và hẹn hò cùng trăng “Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau”!

Người tài rất ít, nhưng rất quan trọng với đời. Phải nâng niu để họ cống hiến. Không thể lấy tư duy của người thường để đo cái sáng tạo của người tài! Làm thế khác nào “lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử”. Làm thế người tài chưa kịp tài đã có thể chết yểu. Nhưng cũng không ít cái giả tài, lập dị mà người đời vẫn nói “chưa có tài đã có tật”. Để phân biệt tài-tật, thật-giả là việc cực khó của người quản lý, lãnh đạo văn hóa. Không có thực tài, lại chưa lập được danh khó hòa vào cái cộng đồng “ắp đầy cá tính” để phân biệt đâu là thực tài, đâu là giả tài. Đã không tài, không danh lại thêm thói ích kỷ, tham lam, ưa nịnh nữa thì... than ôi, mầm tài năng làm sao mà “sủi tăm” lên được, đất sáng tạo cỏ dại mọc đầy!

Vậy nên, người được bổ nhiệm tùy tiện hay được chắp vá phải tỉnh táo để chối từ. Ở đâu, tổ chức nào, cơ quan nào vẫn còn bổ nhiệm tùy tiện, chắp vá dù vô tình cũng phải xem lại ngay, còn vì “hữu ý, hữu tiền” thì phải chấm dứt ngay kẻo hậu họa khôn lường! Nền tảng tinh thần xã hội, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển không phải là chỗ để làm chơi, ăn thật hay “ngậm miệng ăn tiền”. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng đã khẳng định “văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị” thì lời nhắc nhở của đồng chí Tổng Bí thư là mệnh lệnh cần làm ngay!

leftcenterrightdel

Các nghệ sĩ biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật "Dưới lá quân kỳ" của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho (tháng 12-2019). Ảnh: THANH MINH

... và cần năng lực đúng nghĩa

 Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa”. Đây là yêu cầu cao và cũng khá cụ thể. Phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn thì cán bộ ngành nào, cấp nào cũng cần phải có. Nhưng cần am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là yêu cầu đặc hữu của lãnh đạo và quản lý văn hóa. Theo Tổng Bí thư: "Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung”. Với đội ngũ như vậy, không am hiểu thì không thể lãnh đạo, quản lý được.

Có ngành, có lĩnh vực lặng lẽ, âm thầm làm việc trong môi trường không có nhiều sự quan tâm của xã hội, với một bộ phận trực thuộc quyền lãnh đạo và quản lý riêng. Với văn hóa, nhất là văn hóa-nghệ thuật, những tài năng, những người sáng tạo có thể không thuộc cơ quan văn hóa, cũng có thể không thuộc cơ quan, tổ chức nào, nhưng tác phẩm của họ lại được nhiều người biết đến. Tên tuổi của họ đã sống trong lòng công chúng. Không am hiểu làm sao gần được họ, làm sao “vận động và thuyết phục” được họ? Sự nghiệp văn hóa là của nhân dân. Người quyết định sự nghiệp văn hóa là toàn dân chứ không chỉ là những người làm văn hóa chuyên nghiệp.

Công tác cán bộ ở đâu và khi nào cũng hết sức quan trọng. Nhưng với nhiệm vụ đồng chí Tổng Bí thư giao ngành văn hóa thời gian tới “chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn... xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay” thì công tác cán bộ lại càng phải được đặt thành nhiệm vụ hết sức quan trọng. Phải làm tốt mọi khâu của công tác này. Từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, luân chuyển... đều phải làm hết sức cẩn trọng, đúng quy trình theo quy định và theo nhịp đập trái tim vì dân, vì nước. Làm như vậy để có một đội ngũ cán bộ văn hóa xứng tầm nhiệm vụ.

Nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” vừa được Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII thông qua là cơ sở tốt nhất để ngành văn hóa xây dựng đội ngũ cho mình từ địa phương đến Trung ương. Thiết nghĩ, phẩm chất và uy tín không thể có nếu thiếu văn hóa. Ngay cả năng lực đúng nghĩa cũng đòi hỏi phải có văn hóa. Cái văn hóa làm người, trung thực, tự trọng để có năng lực thật chứ không phải sự “đánh bóng đúng quy trình” với bằng giả hoặc bằng thật học giả... năng lực giả! Đã là giả thì không thể là văn hóa.

Công tác cán bộ ở đâu và khi nào cũng là gốc, là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Nhưng để ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn phát triển mới của đất nước thì công tác cán bộ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 phải đưa nước ta vượt “bẫy thu nhập trung bình”, nghĩa là phải có thu nhập cao; đến năm 2045 phải trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng của toàn Đảng, toàn dân ta có cơ sở thực tiễn, có những cơ hội thuận lợi chưa từng có khi vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao... Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Ngay năm 2021, mở đầu giai đoạn mới, chúng ta đã gặp thách thức vô cùng lớn bởi dịch Covid-19 làm tổn hại cả về con người và vật chất, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển đất nước. Diễn biến dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu cũng hết sức khó lường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. Việt Nam đang quen dần với trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.

“Ngang tầm nhiệm vụ” trong hoàn cảnh này đòi hỏi tầm cao mới của công tác cán bộ. Khó khăn còn nhiều, nhưng với quyết tâm chiến lược của Đảng cùng khát vọng và niềm tin của nhân dân, Việt Nam nhất định sẽ phát triển, là một nước hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, phồn vinh của nhân loại.
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC