Kết quả tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII không chỉ là sự trông đợi của các đảng viên mà là sự mong đợi của toàn dân trong những ngày tháng chuẩn bị kiện toàn bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân. Việc bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ trong dịp này có ý nghĩa hết sức quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là: Từng bước bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ để không có người đứng đầu là người địa phương.

Chủ trương này vừa có tính thời sự, vừa có tính chiến lược về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Các nhiệm kỳ trước cũng đã triển khai nhưng còn hạn chế cả về quy mô, cách thức và mục tiêu bởi còn vướng những rào cản, mà theo chúng tôi rào cản tưởng mềm nhưng khó vượt qua đó chính là văn hóa. Vậy vấn đề cụ thể là thế nào?

Thời chiến, cán bộ công tác xa gia đình là bình thường. Nhiều người vài tuần mới về thăm nhà. Có người phải đợi nghỉ phép năm mới về thăm cha mẹ, vợ con. Quả thật, đó cũng là sự hy sinh. Nhưng so với các chiến sĩ hy sinh nơi chiến trận, gian khổ nơi chiến trường thì điều đó không đáng để quan tâm. Tuy nhiên, hòa bình lập lại, cuộc sống có những yêu cầu chính đáng, trong đó đoàn tụ gia đình như là yêu cầu số một. Vì sự hợp lý, thuận tiện trong tổ chức đời sống gia đình của cán bộ trong điều kiện kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp mà tạo nên xu hướng về gần nhà, công tác tại địa phương. Cán bộ đa phần muốn xin luân chuyển về địa phương, gần nhà. Thế rồi không biết từ khi nào, hầu hết cán bộ địa phương từ người cấp cao nhất đến cán bộ cấp cơ sở đều là người địa phương.

Công bằng mà nói, việc này cũng có tính hợp lý và hiệu quả nhiều mặt trong thời bao cấp. Đó là cán bộ tranh thủ thời gian giúp đỡ gia đình, nuôi con gà, con lợn, rồi ăn uống, sinh hoạt đỡ tốn kém. Mặt khác, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp cổ điển, nên cán bộ địa phương hiểu đồng đất quê nhà, cách thức trồng cấy, chăn nuôi, đường ăn, ý ở... Rồi cán bộ trên dưới đều là người trong tỉnh, trong huyện và nhất là trong xã, dễ gần gũi, thông cảm, đôi khi xuê xoa cho qua mọi chuyện vượt cả nguyên tắc, quy định của tổ chức, cơ quan, miễn là được việc. Cán bộ trên dưới đều thống nhất, đoàn kết vì lợi ích của địa phương mình, nhiều khi giấu cấp trên, báo cáo sai lệch vì thành tích và lợi ích cục bộ địa phương. Điều đó cứ tích tụ dần thành bệnh vô nguyên tắc, mất dân chủ, gia đình chủ nghĩa, cục bộ địa phương... mất đoàn kết, đố kỵ, nhỏ nhen, vun vén cá nhân, coi thường kỷ cương phép nước. Bệnh làm quan từ thời phong kiến bỗng xuất hiện trở lại. Biếu xén, hối lộ, rồi “một người làm quan cả họ được nhờ”, rồi cất nhắc con cháu mình, con cháu bên vợ mình, họ hàng nhà mình... theo cái quy trình hình thức mà cấp dưới xu nịnh bảo là đúng, nhưng người trung thực thì bức xúc, ngán ngẩm, coi thường, bất tuân, bất phục.

Tình trạng ấy phổ biến hầu như ở mọi địa phương, ở mọi cấp, đến mức dân gian phải nói đến chuyện “con cháu các cụ cả”, rồi “nguyên tắc 4 ệ”: Quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, trí tuệ! Có những nơi người đứng đầu thoái hóa, cả đảng ủy thoái hóa theo, đến mức phải kỷ luật hàng loạt cán bộ và cả tập thể tổ chức đảng. Vấn đề đã đến mức báo động! Vậy là cái hôm qua tưởng hợp lý tồn tại lâu quá không được điều chỉnh, bổ sung đã thành cái bất hợp lý và thành “căn bệnh khó chữa” như là thói quen, tật xấu vậy!

Thay đổi thói quen, tật xấu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cách ứng xử, hành xử với người, với việc thật không dễ dàng. Mặt khác, sự thay đổi còn động đến cả lợi ích, danh vọng và thói độc quyền, mất dân chủ! Có thể nói, thay đổi những điều đó là thay đổi trạng thái văn hóa này sang một trạng thái văn hóa khác. Thay đổi điều đó là thay đổi thực trạng “yêu thích” của những người đứng đầu ham quyền lực, mất dân chủ, cục bộ địa phương và những cán bộ thiếu năng lực, xu nịnh, trục lợi! Để xóa đi hạn chế cốt tử đó có thể coi là một cuộc cách mạng! Tính cách mạng vì sự tiến bộ xã hội, vì đất nước, vì nhân dân, đó chính là thứ văn hóa chính trị cao nhất mà Đảng ta theo đuổi.

 Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả chủ trương này phải có bản lĩnh, kiên định và khoa học. Phải vượt qua được các rào cản thường tình, dễ thấy với những mâu thuẫn mang tính tất yếu của sự phát triển, nhưng cũng dễ được thổi phồng bởi những người không “ưa đổi mới” nhằm giữ cái cũ “lợi ích nhóm” gia đình trị, địa phương trị! Những người này thường tạo vỏ bọc “gia đình, địa phương” của cả một tập thể cán bộ cơ sở làm cho người mới đến vốn đã không phải là người địa phương càng khó hòa nhập và hiểu biết về địa phương. Cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm, lại nóng vội dễ rơi vào cái “bẫy văn hóa” này mà thất bại. Ngược lại, thiếu bản lĩnh, năng lực yếu sẽ dễ đầu hàng, thỏa hiệp chấp nhận “có ngai mà không có quyền”, nhàn thân và tìm “chước chuồn”! Và thế là, một chủ trương đúng nếu triển khai không bài bản, không kiên định và khoa học có thể vẫn có kết quả tồi, và cái cũ vẫn sẽ ngang nhiên tồn tại và ngự trị!

leftcenterrightdel

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.  Ảnh: TRỌNG HẢI

Không phải ngẫu nhiên sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng coi “đổi mới là văn hóa”. Bởi vậy, muốn đổi mới công tác cán bộ, yếu tố văn hóa trong bổ nhiệm và luân chuyên cán bộ cần được quan tâm.

Trước tiên, người được bổ nhiệm, luân chuyển phải là người có đầy đủ phẩm chất tốt, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đang công tác, được cán bộ và nhân dân yêu mến, tin tưởng. Văn hóa có câu “tiếng lành đồn xa”, cán bộ có tiếng tốt luân chuyển đến nơi mới dễ được cán bộ nơi mới nể phục. Trước đây, có những cán bộ kém, thậm chí có khuyết điểm được điều động đến nơi khác (thậm chí còn thăng chức), làm cho cán bộ nơi tiếp nhận coi thường, hợp tác kiểu “bằng mặt không bằng lòng”, công việc không chạy, mâu thuẫn nội bộ phát triển xấu. Nhận thấy điều đó nên hiện nay Đảng ta kiên quyết không bổ nhiệm, luân chuyển những cán bộ có vấn đề.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đặc biệt điều này trong bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, dẫu người được bổ nhiệm và luân chuyển có tốt, thì khó khăn vẫn không phải là nhỏ vì người mới đến có một mình, lại thường là cấp trên và trẻ tuổi hơn một số cán bộ tại địa phương, ứng xử thiếu tinh tế một chút cũng có thể thành chuyện lớn. Văn hóa có câu “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, người mới đến nên cẩn trọng để vào cuộc thuận lợi. Mỗi địa phương hoàn cảnh mỗi khác, sức mạnh của người đến là chân thành, lắng nghe để thấu hiểu, tôn trọng nguyên tắc của Đảng, thượng tôn pháp luật, mở rộng dân chủ, bàn bạc công khai, xử lý công bằng, minh bạch, hiểu việc, hiểu người thì mọi khó khăn ban đầu sẽ qua. Tránh nhất là việc “khoe thành tích” nơi công tác cũ!

Đối với những cán bộ nơi tiếp nhận người luân chuyển phải quán triệt quan điểm của Đảng về công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Nhất thiết không được kéo bè kéo cánh, co cụm, gây khó khăn cho cán bộ mới đến. Tuyệt đối tuân thủ Điều lệ Đảng, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ mới đến nắm bắt tình hình địa phương nhanh nhất, toàn diện nhất. Điều đó có thể có ở những nơi công tác đảng tốt, không mất dân chủ, không mất đoàn kết, không cục bộ địa phương. Còn đa phần tâm lý cán bộ địa phương với số đông áp đảo, lại thêm tư tưởng cục bộ địa phương đã “ngấm” lâu ngày, “lợi ích nhóm” đã được hình thành “bền chặt”... thì sẽ có muôn hình vạn trạng kiểu làm khó người mới đến. Thực trạng ấy rất đáng quan tâm!

Đối với cơ quan tổ chức cấp trên, phải gắn trách nhiệm với con người cụ thể và theo suốt quá trình từ giới thiệu, tuyển chọn đến bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Phải theo dõi, giúp đỡ để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, không “khoán trắng” cho họ về nơi mới! Phải xử lý kịp thời cán bộ địa phương có tư tưởng cục bộ, gây khó khăn cho cán bộ luân chuyển, đồng thời nhắc nhở, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cán bộ tổ chức cấp trên phải coi kết quả công tác của cán bộ luân chuyển gắn với trách nhiệm của chính mình. Đảng phải xét thành tích cũng như khuyết điểm của cán bộ tổ chức thông qua công việc của từng cán bộ cụ thể. Có như vậy công cuộc đổi mới cán bộ mới thành công. Thành công của công tác này củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong tình hình mới.

Đường lối của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3, khóa XIII đi vào cuộc sống sẽ là luồng gió mới ngay từ năm đầu của thời kỳ mới, khởi đầu việc hiện thực hóa khát vọng dân tộc về một Việt Nam phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
                                                                                                                               Hà Nội, tháng 7-2021

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC