Vậy cán bộ, đảng viên biết “bấu víu” vào đâu để hành xử cho chuẩn mực! Và như vậy, cán bộ, đảng viên có hành xử sai, thậm chí trái pháp luật, trái đạo lý như “bộ phận không nhỏ” cũng là do chưa có chuẩn mực! Tình hình như vậy thì quá nghiêm trọng! Có đến mức như vậy không? Lại phải thưa ngay rằng: Không! Khẳng định không là bởi không thiếu cái để cán bộ, đảng viên “bấu víu” mà hành xử cho đúng pháp luật, thuận đạo lý.
Về pháp luật thì không có ai ngoài pháp luật, càng không thể trên pháp luật. Cán bộ, đảng viên hơn ai hết hiểu điều đó. Còn đạo lý làm người, thì người thường còn biết tự “khuôn mình” sao cho hợp đạo làm người, huống hồ cán bộ, đảng viên được tổ chức, xã hội thừa nhận, ghi danh là những người tiên phong, những người đi đầu lại không biết làm như thế sao?! Rồi Điều lệ Đảng; rồi những điều cấm đảng viên không được làm; rồi nghị quyết, chỉ thị về nêu gương, về sàng lọc đảng viên, về cấm chạy chức, chạy quyền; rồi luật công chức, viên chức... nói chung không thiếu cái làm “thước”, làm chuẩn để hành xử.
Vấn đề là người ta có căn chuẩn không, có thích “mực thước” không hay người ta cứ thích buông thả, hưởng lạc... bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý làm người? Hành xử như vậy thì có “một gánh” chuẩn mực cũng chẳng ngăn được họ. Cứ như thế mà “thả ra” nên chưa có nhiệm kỳ nào phải kỷ luật nhiều cán bộ như nhiệm kỳ này! Cũng chưa có nhiệm kỳ nào Đảng phải ra nhiều văn bản có tính nhân văn sâu sắc như nhiệm kỳ này, nhưng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn phải nhiều lần nhắc về sự tu dưỡng. Có tự tu dưỡng mới trong sáng được. Không rèn luyện, tu dưỡng mà chỉ lo chạy chức, chạy quyền, lại thạo làm bằng giả, lại quen dối trên, nạt dưới, “tham ăn tục uống” mà nghĩ quẩn, lo quanh thì dẫu có hàng “mớ” quy định phỏng có ích gì? Sao không lấy tôn chỉ “dân tộc trên hết”, “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân” mà căn chuẩn, mà tu dưỡng?! Vậy mà đã có một nhà lại muốn có hai, có ba, thậm chí có hàng trăm nhà khi nhiều người chưa có nhà! Đã đành, chính sách đang khuyến khích làm giàu, nhưng là làm giàu chính đáng, làm giàu để góp cho nước mạnh chứ không phải cá nhân giàu mà nước thì tụt hậu!
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không ít lần phải nhấn mạnh: Cảnh giác với cái giàu nhanh, giàu bất chính. Không đưa những người giàu nhanh, giàu bất chính vào cấp ủy! Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp đến rồi, việc chấp hành nghiêm những quy định đã có, thấu hiểu lời kêu gọi, nhắc nhở của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; là làm cho toàn Đảng, toàn dân đồng thuận xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Lúc này không thể phân tâm được. Dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới và ngay quanh ta! Bão lũ đi qua nhưng hậu quả còn vô cùng lớn! Đất nước đang được cả thế giới ngợi ca nhưng tụt hậu vẫn còn xa... không cho phép người Việt Nam yêu nước nào dù ở trong nước hay ngoài nước không cố gắng đẩy lùi những thách thức ấy! Cán bộ, đảng viên không có lý do nào để không tu dưỡng, không đi đầu trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Hơn thế, phải đi đầu trong chấn hưng dân tộc. Nếu đặt vấn đề như thế thì dù chưa có ai đặt chuẩn mực văn hóa cho cán bộ, đảng viên thì chính mình, chính mỗi cán bộ, đảng viên hãy đặt ra cho mình chuẩn mực để tu dưỡng. Tự tu dưỡng để tự mình hiểu mình, tự mình đo với thước đo làm người, đo với thước đo danh dự và trách nhiệm đối với dân, với nước.
Nói vậy, nhưng cũng phải thấy, chưa xây dựng được hệ chuẩn mực con người Việt Nam là một khiếm khuyết. Con người không phải là thần thánh. Nếu có một hệ chuẩn mực để cả xã hội căn cứ vào đó mà rèn luyện, mà nhắc nhở nhau chắc mọi việc sẽ tốt hơn nhiều. Những giá trị cũ không còn phù hợp nữa thì phải có hệ giá trị mới, không có nó con người sống chơi vơi, những cá thể yếu, đơn lẻ rất dễ bị tổn thương, thậm chí bị đào thải. Với cán bộ, đảng viên cũng vậy. Họ cũng là con người, có thể là ưu tú, có nhiều đóng góp tốt trong những hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên, họ cũng có thể bị tổn thương, thậm chí tha hóa trong những hoàn cảnh sự cám dỗ hoặc những ràng buộc khó cưỡng mà biến chất, mà chơi vơi không biết dừng ngay cả khi lờ mờ thấy vực thẳm ngay trước mặt! Khi ấy, thể chế và chính sách minh bạch chính là bà mụ tốt nhất đỡ cho mỗi chúng ta đang như một đứa trẻ hoang mang trong bể đời trong, đục.
Nhịp sống ngày nay quá nhanh, đôi khi gấp gáp. Chỉ một thoáng sơ sẩy có thể bị cuốn vào dòng đục, vùng vẫy mãi cũng khó thoát ra để rồi buông trôi mà ôm hận cả đời! Trong thực tế ấy, đặt ra chuẩn mực văn hóa cho cán bộ, đảng viên có lẽ lại là một cứu cánh chăng? Đạo Khổng coi người làm quan là người quân tử mà đặt ra những khuôn vàng thước ngọc để mà “gò” người làm quan, củng cố chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến nay đã lạc hậu, chúng ta cũng không thể coi cán bộ, đảng viên là “người quân tử” đối lập với “kẻ tiểu nhân” được.
Ngày nay, con người là bình đẳng, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, không có ai mặc nhiên là quân tử và cũng chẳng có ai mặc định là kẻ tiểu nhân. Tuy nhiên, xã hội hiện đại được tổ chức và phân công rất rõ vị trí, vai trò của từng thành viên để từ đó mỗi người có bổn phận và chức trách riêng theo đó mà đóng góp và hưởng thụ theo phận sự. Cán bộ, đảng viên theo chức trách, quyền hạn được Đảng, Nhà nước cho hưởng chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần khá hơn người bình thường. Cấp chức càng cao, quyền hạn càng lớn, đãi ngộ càng nhiều, điều đó hợp với đạo lý và được pháp luật bảo trợ. Tuy nhiên, đi cùng với quyền lợi thụ hưởng là trách nhiệm, nghĩa vụ cũng cao hơn nhiều so với công dân bình thường khác. Có nhiều cán bộ, đảng viên làm việc ngày đêm, không tiếc sức mình, luôn đi đầu trong khó khăn, gian khổ, thật xứng đáng là “công bộc của dân” và cái mức thụ hưởng dân còn muốn tăng thêm nếu có thể. Tiếc rằng, không ít cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nghĩa vụ thì muốn như “người thường”, nhưng chế độ, tiêu chuẩn thì đòi cao hơn, thậm chí cao hơn đến vô lý so với “người thường”. Điều đó chỉ có thể trông vào văn hóa chứ theo chế độ chính sách thì mỗi cơ quan vận dụng một cách, mỗi thời kỳ “sáng tạo” một kiểu và kết quả là người có vài nhà theo chế độ, người không có cái nào?! Không những thế, nhiều người còn lạm dụng chức quyền để vơ vét, tham nhũng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm yếu đi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc! Trong điều kiện ấy, việc ban hành hệ giá trị chuẩn mực văn hóa cho cán bộ, đảng viên có lẽ đang là nhu cầu thực tế khách quan.
Quan điểm của Đảng là “làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tin tưởng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lĩnh vực cán bộ sẽ thấm sâu truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Đảng để chọn ra đội ngũ cán bộ tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới hiện thực hóa khát vọng dân tộc, đưa đất nước vươn lên, nhịp bước cùng các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hà Nội, trước thềm Đại hội Đảng
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC