Muốn dẫn dắt được phải có quyền lực hoặc phải có sức lôi cuốn. Có quyền lực thì người ta phải đi theo vì người ta sợ. Có sức lôi cuốn thì người ta tự nguyện đi theo vì người ta yêu mến.

Trước khi giành được chính quyền, những người cộng sản không hề có quyền lực, nhưng tại sao họ vẫn dẫn dắt được đông đảo quần chúng đi theo cách mạng? Câu trả lời là vì họ có sức lôi cuốn. Sức lôi cuốn có được không chỉ nhờ vào lý tưởng những người cộng sản theo đuổi mà còn nhờ vào những phẩm chất cao quý của họ. Một trong những phẩm chất cao cả đó là văn hóa nêu gương.

Văn hóa nêu gương là một thói quen trở thành lẽ sống, khi những người cộng sản muốn những người khác làm theo thì tự họ sẽ làm trước. Muốn quần chúng hy sinh thì những người cộng sản hy sinh trước; muốn quần chúng dấn thân thì những người cộng sản dấn thân trước; muốn quần chúng tận tụy thì những người cộng sản tận tụy trước… Đây là lý do cơ bản giải thích tại sao những người cộng sản lại tập hợp được đông đảo quần chúng xung quanh mình và làm cách mạng thành công.

Sau khi cách mạng thành công và giành được chính quyền, thì ngoài sức hấp dẫn ra, những người cộng sản bắt đầu có quyền lực để áp đặt sự tuân thủ. Đây là một thuận lợi rất lớn để xây dựng xã hội mới, nhưng đồng thời cũng là một thách thức rất lớn đối với văn hóa nêu gương. Lý do là vì ra lệnh thì dễ dàng hơn nêu gương để quần chúng làm theo. Từ những chiến sĩ cách mạng, không ít người dần dần trở thành các “ông quan” cách mạng. Họ chỉ thích ra lệnh, thích áp đặt thay vì nêu gương cho quần chúng. Đây là hiện tượng được Đảng ta gọi là suy thoái về đạo đức. Rất đáng tiếc, đây là hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Và nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước mà còn làm cho chính sách và pháp luật khó đi vào cuộc sống. Quả thực sẽ rất khó kêu gọi người dân phải thực hành tiết kiệm, khi cán bộ, đảng viên lại sống xa hoa. Rất khó kêu gọi quần chúng nhân dân chống tham nhũng, khi cán bộ, đảng viên lại dung túng, bao che cho hành vi này…

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là phản ứng chính sách quan trọng của Đảng để xử lý vấn đề nói trên. Với nghị quyết này, nêu gương không chỉ là đòi hỏi về đạo đức, mà còn đòi hỏi mang tính bắt buộc (tính pháp lý) đối với tất cả cán bộ, đảng viên. Triển khai thành công nghị quyết này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng không chỉ cải thiện hình ảnh công chúng của Đảng và Nhà nước mà còn giúp cho việc thực thi chính sách, pháp luật trong cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.

Thành tựu chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam được cả thế giới công nhận cho thấy việc nêu gương có tác động to lớn đến quần chúng nhân dân như thế nào. Muốn người dân đeo khẩu trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã đeo khẩu trang trước. Muốn người dân thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã thực hiện giãn cách trước. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, sự nêu gương đã thật sự tạo ra được niềm tin và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao chúng ta lại chống dịch thành công.

Nhân rộng và thực hành việc nêu gương trong đời sống hằng ngày của mọi cán bộ, đảng viên, chắc chắn sẽ củng cố ngày càng vững chắc hơn tính chính danh của Đảng và Nhà nước. Nhân rộng và thực hành việc nêu gương trong đời sống hằng ngày của mọi cán bộ, đảng viên chắc chắn sẽ bảo đảm nhiều hơn hiệu lực và hiệu quả của chính sách và pháp luật. Đây cũng là điều kiện quan trọng để chúng ta có ổn định xã hội và có sự phát triển bền vững.

Cuối cùng, tăng cường giám sát việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện nghị quyết của Đảng về trách nhiệm nêu gương. Khi nêu gương đã trở thành thói quen, trở thành văn hóa của cán bộ, đảng viên thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG