Tôi hỏi cụ, cuối năm 1967, Bộ tư lệnh 559 mở chiến dịch đặc biệt có tên là DDT. Đầu đuôi câu chuyện này là như thế nào, thưa cụ?

- Chuyện dài lắm, nhưng tóm lại có mấy chi tiết thế này.

Rồi cụ kể: Đầu năm 1965, vào cuối giờ làm việc buổi chiều, ông Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y sang phòng trợ lý rủ tôi cùng về khu tập thể ở Lý Nam Đế (Hà Nội). Khi xuống đến sân, đột nhiên ông Cẩn dừng bước và bảo tôi, Cục đã nhất trí cử tôi vào Trường Sơn làm chỉ huy Phòng Quân y mới được thành lập.

Ông Vũ Văn Cẩn hỏi tôi có đề xuất gì không? Lúc ấy, vào Trường Sơn, vào chiến trường với tôi chẳng có gì phải lo. Vì thực tế, tôi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đi qua nhiều chiến dịch, trải qua những ngày tháng ở Điện Biên Phủ khốc liệt nên có nhiều kinh nghiệm.

Những ngày sau, tôi chuẩn bị quân trang rồi vào Trường Sơn làm Quyền Phó trưởng phòng Quân y. Ít tháng sau tôi có quyết định làm Trưởng phòng Quân y. Ngày đó, ở Trường Sơn nhiều chiến sĩ còn rất trẻ nhưng bị sốt rét đến mức rụng hết tóc, da xanh bủng, môi thâm đen, toàn thân phù thũng, hố mắt lõm sâu trông không ra hình người. Nhiều đơn vị bộ đội bị sốt rét và sốt rét ác tính chiếm tỷ lệ cao, mất sức chiến đấu trầm trọng.

Mùa mưa năm 1967 đến sớm, khẩu phần ăn hằng ngày của bộ đội bị thiếu hụt, tụt xuống còn 200g/người/ngày. Bộ Quốc phòng quyết định tạm rút một số đơn vị ô tô vận tải, pháo cao xạ của Bộ tư lệnh 559 ra hậu phương. Bộ đội bị bệnh, bị đau ốm, bị sốt rét ngày một tăng, tỷ lệ bộ đội phải ở lại điều trị tại các binh trạm, các trạm giao liên dọc đường rất lớn, nhiều chiến sĩ tử vong do sốt rét ác tính. Tại nhiều binh trạm và trạm giao liên, do đường bị tắc, xe bị cháy nên số lượng thương binh, bệnh binh dồn lại ngày càng lớn.

leftcenterrightdel

Trung tướng, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Thảo, nguyên Cục trưởng Cục Quân y. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN 

Lúc ấy, tôi quyết định đi tìm nguyên nhân. Nhớ lại bài học của thầy Đặng Văn Ngữ truyền dạy, tôi quyết định mổ muỗi để xác định tuổi đẻ của chúng. Đây là một kỹ thuật quan trọng trong nghiên cứu dịch tễ học về muỗi, đặc biệt là các loài truyền bệnh như Aedes aegypti (muỗi vằn-truyền sốt xuất huyết) hay Anopheles (truyền sốt rét). Mục tiêu là xác định muỗi đã đẻ trứng hay chưa (tức là phân biệt muỗi trưởng thành lần đầu với muỗi đã trải qua ít nhất một lần đẻ), từ đó đánh giá nguy cơ truyền bệnh trong quần thể. Nếu nhiều muỗi đẻ 3-4 lần là rất nguy hiểm, bộ đội bị sốt rét nhiều là do nó.

Từ đây, tôi đề xuất lên Bộ tư lệnh 559 được phun DDT (DDT là một loại thuốc trừ sâu tổng hợp thuộc nhóm chlor hữu cơ được phát hiện có hiệu quả cao trong việc diệt muỗi truyền bệnh sốt rét vào thập niên 1940).

Trước đề nghị có phần táo bạo của tôi, nhiều cán bộ chủ chốt của các cơ quan trong Bộ tư lệnh 559 phản đối kịch liệt. Thậm chí, trong quân y cũng có tư tưởng bàn lùi, vì cho rằng lấy đâu ra khối lượng DDT rất lớn để phun khắp dải Trường Sơn, trong khi hàng chi viện cần chuyển gấp cho nội bộ Bộ tư lệnh 559 và các chiến trường phải cân nhắc, tính toán kỹ từng cân gạo, từng cân thực phẩm và từng hòm vũ khí, đạn dược. Có cán bộ ở cơ quan tham mưu còn đặt vấn đề: Nếu việc phun DDT được ví như “muối bỏ biển” này không đem lại hiệu quả thì không những lãng phí mà còn là tội lớn trước xương máu của các chiến sĩ, và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân...

Khi đó, tôi quyết định gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên để phân tích hiệu quả của việc phun DDT diệt muỗi sốt rét. May sao ông đã ủng hộ, quyết định cho một xe chở 5 tấn DDT và các phương tiện phun thử nghiệm. Tôi chỉ đạo đội vệ sinh phòng dịch tổ chức phun thử điểm DDT ở một khu vực trong hai thời điểm: Vào mùa khô ở một số đơn vị công binh, kho, đơn vị xe trên trục Đường 128 và vào mùa mưa tại một số đơn vị trên tuyến Đường 20.

Kết quả thu được thật bất ngờ, muỗi truyền bệnh sốt rét bị diệt tỷ lệ cao. Sau đợt kiểm tra và đối sánh, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chuẩn y đề nghị của Phòng Quân y. Ông ra lệnh ưu tiên đặc biệt cho các chuyến xe vận chuyển DDT vượt khẩu đầu tiên trong chiến dịch mùa khô 1967-1968. DDT đến, các đơn vị phải phun theo kỹ thuật chúng tôi hướng dẫn “Đủ, đúng, đều và khắp” mà các đội dịch tễ đã tập huấn, hướng dẫn.

Sau chiến dịch phun DDT trên toàn tuyến, tình hình bệnh sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính giảm đáng kể. Nếu năm 1967, tỷ lệ sốt rét ác tính đang ở mức 4,16% thì năm 1968 chỉ còn 2,04% và năm 1969 là 0,84%.

Trên cơ sở thành công của chiến dịch phun DDT, tôi tham mưu để Bộ tư lệnh 559 còn quan tâm đến việc thể chế hóa công tác phòng, chống bệnh sốt rét bằng các chỉ thị, các văn bản hướng dẫn thực hiện phong trào: “5 tốt”, “5 biết” trong năm 1968; “Chiến sĩ vệ sinh hai giỏi” (phòng, chống sốt rét giỏi và cấp cứu sốt rét giỏi); “5 chế độ vệ sinh”, 10 điều về vệ sinh hành quân và 10 chức trách của trạm giao liên... Thế là từ năm 1967 đến 1968, vấn đề phòng, chống sốt rét trên toàn tuyến đường Trường Sơn đã không còn là nỗi lo lắng.

HƯNG HÀ (ghi)