Vào đến chiến trường và cầm súng chiến đấu trong những ngày đầy ác liệt, gian khổ và hy sinh mới thấy tình đồng đội thiêng liêng đến thế nào. Không có tình đồng đội, chúng tôi không thể vượt qua gian khó, đánh thắng kẻ thù để đi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dọc đường chiến trận, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống cho chiến thắng mà nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn. Chúng tôi, những người còn sống trở về, vào ngày kỷ niệm trong năm của Quân đội hay ngày nhập ngũ luôn nhớ về đồng đội đã ngã xuống của mình. Từng gương mặt trẻ trung cùng những kỷ niệm hiện rõ như những ngày chúng tôi ở chiến trường, đang tuổi hai mươi. Một trong những đồng đội mà tôi hay nhớ là Phạm Văn Sơn, Trung đội trưởng của tôi, người Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội).
Trung đoàn 9 chúng tôi vốn là Quân tình nguyện Việt-Lào, chiến đấu ở Nam Lào. Đầu năm 1974, đơn vị chúng tôi được chuyển về chiến trường B3 Tây Nguyên, tác chiến ở vùng đất phía tây Pleiku. Là địa bàn mới, lạ đối tượng tác chiến nên trong mấy tháng đầu đơn vị phải chịu nhiều tổn thất. Anh Ngự, Trung đội trưởng khi đó bị thương nặng trong một trận chốt, tôi là tiểu đội trưởng nên tạm phụ trách thay. Đang lo lắng vì nhiệm vụ chiến đấu nặng nề, một buổi chiều cuối tháng 3, cái tháng mà người Tây Nguyên gọi là “mùa con ong đi lấy mật”, chúng tôi mừng rỡ khi có một người mới về làm trung đội trưởng. Đó là Phạm Văn Sơn.
Chúng tôi làm quen nhau rất nhanh và thật vui khi cả hai có nhiều điểm giống nhau. Sơn cùng tuổi nhưng nhập ngũ trước tôi gần một năm. Tôi mừng khi biết Sơn đã chiến đấu và quen thuộc với mảnh đất Tây Nguyên này, có nhiều kinh nghiệm. Ở đơn vị cũ, Sơn từng là “dũng sĩ diệt xe cơ giới” với thành tích bắn cháy hai xe tăng địch. Trông dáng người anh cũng tầm tầm như tôi, nhưng đen và rắn chắc hơn. Sơn có nụ cười thiện cảm, ánh mắt rất sáng nhưng đặc biệt hơn là có cái trán dô trông rất bướng bỉnh. Cũng bởi vậy, dù là Trung đội trưởng nhưng Sơn cũng bị gán ngay biệt hiệu Sơn “dô” và tất nhiên là anh vui vẻ chấp nhận.
Tôi lại trở về làm tiểu đội trưởng và Sơn “dô” ở chung lán với tiểu đội tôi. Chúng tôi có nhiều chuyện để giãi bày với nhau vì cả hai cùng học hết lớp 10. Chính vì thế mà một lần chỉ có hai thằng trong lán, Sơn lôi trong ba lô ra quyển sách dày cộp khoe với tôi. Liếc mắt nhìn qua, tôi biết ngay đấy là cuốn “Từ điển Nga-Việt” rất thịnh hành thời chúng tôi. Thật nể khi vào chiến trường đã mấy năm mà Sơn vẫn giữ được cuốn sách nặng trịch ấy qua những chặng đường hành quân vất vả. Sơn bật ra ngay mấy câu tiếng Nga để chào tôi và tự giới thiệu về bản thân. Sơn cũng tỏ ra sung sướng, vòng tay ôm chặt tôi khi nghe câu trả lời tôi bật ra khá nhanh bằng tiếng Nga.
Thế là từ hôm ấy, Sơn rủ tôi cùng học tiếng Nga. Học theo kiểu đặt câu ghép từ trong quyển từ điển. Tất nhiên là chỉ thi thoảng học vào buổi trưa những ngày đơn vị sinh hoạt ở hậu cứ và hai đứa phải chui vào rừng học để không làm phiền anh em. Sơn luôn có niềm tin sẽ tới ngày chiến thắng, chiến tranh kết thúc và được trở về tiếp tục bút nghiên.
Ở chiến trường, nhiệm vụ chiến đấu và công tác mới là chính và có thể nói là chiếm hết thời gian. Lúc nào hở ra một tí là chúng tôi lại rủ nhau chui vào rừng tìm củ, tìm rau để bổ sung cho cái dạ dày trong tình trạng lúc nào cũng thiếu đói của Mặt trận B3. Sơn và tôi đều hiểu điều đó nên những buổi chui vào rừng bập bẹ tiếng Nga với nhau không nhiều. Tuy anh em trong trung đội có biết chuyện học tiếng Nga của chúng tôi và có chút thông cảm nhưng cả hai chúng tôi đều là cán bộ trung đội, tiểu đội nên hiểu trách nhiệm của mình.
Chỉ trong tuần đầu tiên về làm Trung đội trưởng, Sơn “dô” đã được anh em trong trung đội tin tưởng. Sơn tham gia mọi công việc như anh em, giải quyết công việc rõ ràng và bình đẳng. Trung đội trưởng Sơn “dô” tham gia gác đêm cùng chiến sĩ, thường nhận ca gác cuối. Đã ở chiến trường và trong cảnh không có đồng hồ, ai cũng hiểu ca gác cuối thường dài hơn bởi người gác ca trước ước lượng sai hoặc quá ngắn ca gác của mình, thời gian bị dồn lại. Đi gùi gạo và đạn hỏa lực nhỏ thường dễ phân trọng lượng ngang nhau, nhưng khi đi vác đạn DKB mới thấy sự chia sẻ mang tính đồng đội của Sơn. Đầu đạn chỉ gần 20kg, nhưng thân quả đạn nặng tới gần gấp đôi. Đường xa đi phải mất chừng 5, 6 giờ đồng hồ, các cặp đôi thường đổi cho nhau từng chặng. Nhưng Sơn thường chọn vác đạn DKB cặp đôi với một người yếu và nhận phần vác thân quả đạn suốt cả quãng đường.
Một lần đi khiêng hàng cùng Lộc “con” thì gặp trời mưa. Lúc ấy chỉ có mình Sơn mang theo áo mưa. Thế là Sơn “dô” nhường luôn áo mưa cho Lộc, còn mình chịu ướt cho tới lúc về đến nhà. Lúc đầu cậu Lộc “con” không chịu, nhưng thấy Trung đội trưởng Sơn bảo: “Mày mới khỏi ốm mấy ngày, ngấm mưa lúc này mà bị lại là chết” nên phải nghe. Việc làm tưởng nhỏ ấy, nhưng anh em trong trung đội cảm động lắm, thêm yêu quý trung đội trưởng của mình.
Chiến trường B3 thiếu đói triền miên là chuyện tất nhiên. Cái gì cho vào miệng mà không chết là chén luôn để lừa dạ dày. Vậy mà có nhiều lúc không thể tìm được cái gì. Trong một lần đi trinh sát vướng lũ phải nằm lại một ngày, cả nhóm sống được nhờ một bánh lương khô của Sơn. 4 miếng lương khô 701 bẻ ra cứu đói cho 3 người trong suốt một ngày. Lúc ấy, trong đại đội, mỗi người chúng tôi được phát một bánh lương khô 701 “chiến lược”. Gọi như thế vì phải khi vào chiến dịch có lệnh mới được ăn. Suốt mấy tháng, thỉnh thoảng đại đội lại báo động để kiểm tra. Chúng tôi ngạc nhiên khi Trung đội trưởng Sơn vẫn trình ra được bánh lương khô của mình như các anh em khác.
Tháng 7-1974, Trung đoàn tổ chức đánh lớn. Địch có một đại đội đóng trong căn cứ. Hai tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đánh căn cứ nhưng mỗi cửa mở chỉ có một đại đội. Đại đội 6 chúng tôi đánh hướng phía Nam. Lúc này tôi được chuyển sang làm Trung đội phó của Trung đội 5.
Trận đánh mật danh Y3 diễn ra vào một ngày hửng nắng. 5 giờ 30 phút, mìn định hướng phá hàng rào và súng cối 120mm của Trung đoàn chi viện cùng hỏa lực DK82 và 12,7mm của tiểu đoàn. Sơn “dô” dẫn Trung đội 6 của mình xung phong nhưng vấp phải những làn đạn từ khẩu đại liên M60 của địch phía chéo cửa mở quét tới. 12,7mm của tiểu đoàn chúc nòng bắn kiềm chế địch để Trung đội 6 xung phong nhưng mấy lần không vượt qua được. Quân ta nằm sau những công sự nổi chờ lệnh.
Trời sáng rõ hơn, nhìn thấy mọi vật thì địch lại được pháo binh hỗ trợ. Chúng có “mắt pháo” trên cao điểm 631 nên cứ khi thấy quân ta xung phong là gọi pháo chi viện. Trung đội 6 đã có thương vong sau mấy lần xung phong tiếp mà chưa lọt vào được cửa mở. Đại đội đã ra lệnh cho trung đội của tôi thay thế nhưng Sơn “dô” không chịu.
Đợt xung phong cuối cùng của Trung đội 6, Sơn “dô” cùng mấy người còn lại đều trúng đạn pháo và gục ngã trước cửa mở. Đại đội trưởng lệnh cho Trung đội 5 của tôi lên thay. Vừa lúc Đại đội 16 hỏa lực kịp bắn một phát DK82 diệt được khẩu đại liên M60 và chớp thời cơ lúc khói của một đợt pháo địch chưa kịp tan, tôi dẫn được một tổ dùng động tác “vọt tiến” vượt qua cửa mở, chiếm được lô cốt đầu cầu. Cứ như thế, quân ta tiến dần vào, đánh lấn dần. Tầm giữa buổi sáng, chúng tôi và đơn vị bạn ở hướng Tây Bắc bắt tay được với nhau, làm chủ căn cứ địch. Trận ấy, Trung đội 6 tổn thất nặng, Sơn “dô” cùng với nửa trung đội hy sinh.
Lúc rút về căn cứ, kiểm tra lại ba lô của Sơn “dô” để gửi lên trên, cán bộ đại đội phát hiện thấy bánh lương khô 701 của Sơn còn nguyên, nhưng bóc ra thì bên trong là 4 miếng gỗ mềm được gọt đúng như 4 miếng lương khô. Chúng tôi ai nấy đều rơm rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện được ăn lương khô của Sơn từ đợt trinh sát dạo trước.
Sau chiến tranh, tôi đã về Phú Xuyên thắp hương cho Trung đội trưởng Sơn. Và mỗi dịp tháng 12 về, khi những cựu lính chiến tụ họp nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi lại nhớ đến trận đánh Y3 năm xưa, ở đó có người đồng đội thân thiết của tôi-Phạm Văn Sơn đã ngã xuống cho đất nước hòa bình hôm nay.
Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN