Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn bao trùm toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội và ngang hàng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Người cho rằng, chính trị, xã hội có được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Chính trị giải phóng sẽ mở đường cho văn hóa phát triển. Bác từng nói: "Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy...".
Người cũng cho rằng, để văn hóa phát triển tự do, phải làm cách mạng chính trị trước. Ở Việt Nam, tiến hành cách mạng chính trị thực chất là tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để giành chính quyền, giải phóng chính trị, giải phóng xã hội, từ đó giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển.
Trong tác phẩm "Đời sống mới" (1947), Người khẳng định: Văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc về lĩnh vực tư tưởng. Văn hóa là sự phát triển của tinh thần. Đồng thời, trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Từ những luận cứ trên có thể hiểu, văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là khái niệm mô tả các biểu hiện cá nhân của Bác, mà là một hệ giá trị mang tính chỉ đạo, định hướng-một "nguồn lực mềm" của cách mạng và tiến trình xây dựng đất nước. Nghiên cứu văn hóa Hồ Chí Minh, các nhà khoa học đã thể rút ra những giá trị cốt lõi.
Giá trị thứ nhất, đó là tính dân tộc và nhân văn sâu sắc. Văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống đạo đức Việt Nam như yêu nước, nhân ái, vị tha, cần cù, tiết kiệm, trung thực. Những phẩm chất này được Người vận dụng nhuần nhuyễn trong công tác và ứng xử, thể hiện rõ quan điểm “lấy dân làm gốc”. Có câu chuyện nhỏ thể hiện rõ điều này. Ngày quốc lễ 2-9-1945, trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân và cả thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi kết thúc buổi lễ, Bác Hồ ra về trên chiếc xe Citroen. Một phóng viên chạy tới ghé máy ảnh vào cửa kính định chụp ảnh Bác, Bác xua tay và bảo: “Chú hãy quay máy ra ngoài kia mà chụp nhân dân!’’.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định, năm 1957. Ảnh tư liệu của TTXVN
|
Giá trị thứ hai, đó là tính hiện đại và quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng dân chủ, nhân quyền, chủ nghĩa xã hội từ các học thuyết tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều này giúp Người xây dựng nên một nền văn hóa cách mạng có tính khoa học, khai phóng và hiện đại, nhưng không xa rời truyền thống dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình thế giới.
Xin dẫn ra một ví dụ để thấy rõ điều này: Sau khi Mỹ đưa quân sang xâm lược Việt Nam, Người cũng nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết phân biệt sự khác nhau giữa những người Mỹ xâm lược và nhân dân Mỹ, được biểu hiện thông qua bức thư gửi nhân dân Mỹ tháng 12-1961, trong đó nêu rõ: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù không oán. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một dân tộc đầu tiên đã phất cờ chống chủ nghĩa thực dân (1775-1783) và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn..."; "Hiện nay, Chính phủ Mỹ đang dùng quân sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam, đang âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi buộc phải đấu tranh chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Và chúng tôi mong các bạn hành động ngay để ngăn cản Chính phủ Mỹ phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.307).
Giá trị thứ ba, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách mẫu mực. Một trong những điểm nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động. Lối sống giản dị, phong cách gần gũi, thái độ chân thành, tinh thần trách nhiệm và ý chí tự rèn luyện không ngừng của Người là hình mẫu sống động cho mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên.
Tháng 8-1942, dưới danh nghĩa là đại biểu của “Việt Nam độc lập đồng minh hội”, Bác lấy tên là “Hồ Chí Minh”. Ngày 27-8-1942, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ vì tình nghi là gián điệp. Từ đây, Bác đã trải qua hành trình gian khổ “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua”. Chính trong bối cảnh này, tập thơ “Nhật ký trong tù” đã ra đời, ghi lại một chặng đường dài và gian khổ mà Bác đã trải qua trên con đường cứu nước của mình. Đó là những bài thơ thể hiện tính nhân văn, tinh thần yêu nước sâu sắc và ý chí tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Bác, cho dù gặp phải muôn vàn khó khăn.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đứng trước những thách thức của hội nhập, cạnh tranh, việc ứng dụng văn hóa Hồ Chí Minh vào xây dựng con người, xã hội càng có giá trị thực tiễn sâu sắc và là một nhu cầu cấp thiết. Bởi, văn hóa Hồ Chí Minh giúp định hình con người Việt Nam hiện đại vừa có năng lực làm chủ khoa học-công nghệ, vừa có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đó, việc thường xuyên bồi đắp văn hóa Hồ Chí Minh sẽ giúp con người, xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, niềm tin để chống lại sự tha hóa. Bởi những giá trị về liêm, chính, chí công vô tư, vì dân phục vụ... là vũ khí hiệu quả để đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực như chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, suy thoái đạo đức và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt, sự lan tỏa của văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ gắn với tư tưởng lãnh đạo mà còn là sức mạnh kết nối cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và khẳng định vị thế văn hóa-đạo đức của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để văn hóa Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống, rất cần có các giải pháp từ tổng thể đến thành phần để đưa nội dung văn hóa Hồ Chí Minh vào giáo dục phổ thông và đại học một cách thiết thực, gắn với kỹ năng sống và phẩm chất công dân. Quá trình thực hiện cần có các tổng kết, đánh giá một cách khoa học, khách quan, trung thực để tìm ra giải pháp thực hiện cho kết quả hữu hiệu hơn.
Mặt khác, cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình truyền thông, sáng tác, biểu dương gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cơ quan nghiên cứu cần xây dựng các chương trình nghiên cứu sâu hơn về ứng dụng văn hóa Hồ Chí Minh trong xây dựng chính sách công, quản trị nhà nước, phát triển doanh nghiệp, giáo dục đạo đức công vụ.
Văn hóa Hồ Chí Minh là một hệ giá trị toàn diện, thấm đẫm tinh thần nhân văn, dân chủ và cách mạng. Việc tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát huy những giá trị đó không chỉ là yêu cầu lý luận mà còn là nhiệm vụ thực tiễn nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện, phục vụ công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc trong thế kỷ 21.
Tìm đến giá trị văn hóa Hồ Chí Minh là tìm đến với những giá trị văn hóa thấm đẫm tình người, tình đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần quốc tế yêu độc lập, tự do và cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Những giá trị ấy luôn là ánh sáng của xã hội tương lai cần được ứng dụng sâu rộng trong thực tiễn.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ