Còn nhớ cách đây mấy năm, trên nghị trường Quốc hội và dư luận báo chí, người ta từng bàn luận rất sôi nổi về chủ đề này. Bẵng đi một thời gian, nay lại rộ lên nhân việc một cán bộ vừa xin từ chức. Người bảo, ông ấy xin từ chức chứng tỏ ông là người có liêm sỉ, có lương tri và phẩm giá; người lại cho rằng từ chức như vậy là vội vàng, chưa cân nhắc thấu đáo, vân vân và vân vân. Vậy bản chất thực sự của câu chuyện này là gì? Cần phải hiểu thế nào cho đúng, cho chính xác chuyện “treo ấn từ quan” xưa hay “văn hóa từ chức” nay quả là vấn đề không dễ dàng.

Trước hết, chúng tôi xin bàn chuyện “treo ấn từ quan”. Lịch sử “treo ấn từ quan” của kẻ sĩ Việt Nam thời nào cũng có và là chuyện bình thường. Khởi đầu có lẽ là vua Trần Thái Tông (1218-1277). Ông là vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần, chỉ ở ngôi 32 năm (1226-1258), sau đó nhường lại cho con trai là Trần Thánh Tông. Bắt đầu từ đó, các đời vua nhà Trần có thông lệ chỉ giữ chức trong một thời gian nhất định, sau đó nhường ngôi lại cho con, còn mình thì lui về ở ẩn, học hỏi, nghiên cứu kinh Phật, hiểu được ý nghĩa tinh diệu của cõi người. Đương nhiên, việc nhường ngôi của các vua nhà Trần còn mang nhiều ý nghĩa khác (đào tạo, bồi dưỡng con trẻ, duy trì ngôi báu dòng họ, tránh tranh giành quyền lực và mâu thuẫn nội bộ...), nhưng dẫu sao cũng là chuyện nhường ngôi; không cay cú, ham hố quyền lực đến mức mụ mẫm, mất lý trí, vô sỉ...

Điển hình chuyện “treo ấn từ quan” có lẽ phải kể tới Chu Văn An (1292-1370) đời Trần. Khi tận mắt chứng kiến vua Trần Dụ Tông chỉ thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người không giữ phép, ông can không được mới làm sớ xin chém 7 nịnh thần. Sớ đệ vào không được trả lời, ông mới treo mũ từ quan về làng. Lời án trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi: Ông học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng... tìm trong làng Nho ở nước Việt ta từ trước tới nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không so sánh được... Thời nhà Lê, đại thi hào Nguyễn Trãi cũng chỉ vì lời tâu không được vua thuận, bàn việc nhạc nhưng không hợp ý tham quan, bèn từ, không dự việc nước, xin về ở núi Côn Sơn làm thơ ngâm vịnh. Thời nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc cao sĩ, năm 44 tuổi mới đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương. “Lịch triều hiến chương loại chí” viết: Mùa xuân Ất Mùi năm Đại chính thứ 6 (1535), ông đến thi ở tỉnh, cả 4 trường đều đỗ đầu, vào thi Đình đỗ Trạng Nguyên cập đệ, trải làm đến Tả thị lang Bộ Lại kiêm Đại học sĩ Đông các. Ông ở triều được 8 năm, dâng sớ hặc bọn bề tôi lộng quyền 18 người và xin giết hết, trong đó có cả con rể ông là Phạm Dao cậy thế tung hoành. Vì thế, ông giả ốm nghỉ việc... Quan niệm sống của ông bộc bạch qua câu thơ: “Việc đời đến nơi, còn nói làm chi/ Hãy cứ uống rượu ngâm thơ bên bờ đầm tha hồ ngao du”.

Nhìn lại, lịch sử Việt Nam còn rất nhiều kẻ sĩ “treo ấn từ quan” vì những lý do khác nhau. Bởi lẽ, kẻ sĩ là tầng lớp tinh hoa nhất của xã hội. Họ là những người học nhiều, nhớ nhiều, rất giỏi trong việc tầm chương trích cú và có trách nhiệm với dân, với nước. Trong số đó, một số người có học thức uyên thâm, sâu rộng. Đối với kẻ sĩ thì cuộc sống thanh bạch, có khí phách, giữ gìn khí tiết là phẩm tính cao quý mà bất cứ nhà Nho nào cũng phải hướng tới. Chính vì quá chú trọng đến danh tiết mà khi bất mãn với triều đình, một số người dũng cảm, tâm huyết, có chí khí dâng sớ xin sửa đổi, nếu không được thì xin về ở ẩn. Số khác lại lặng lẽ lên rừng tiêu dao sơn thủy hoặc về quê vui cảnh điền viên nơi thôn dã, tránh xa lụy tục...

Thực ra, việc “treo ấn từ quan” của kẻ sĩ thời xưa cũng chưa hẳn đã là tích cực. Bởi lẽ họ quá chú trọng đến việc giữ gìn danh tiết cho bản thân mà không coi trọng chính sự, nỗ lực tìm kiếm con đường ích nước lợi dân. Vì vậy, cứ có chuyện bất mãn với triều đình hoặc khinh ghét tham quan, nhũng nhiễu, tung hoành là bỏ về ở ẩn, mặc mọi sự cho nhân tình thế thái. Mặt khác, trong chế độ nhà nước phong kiến, bộ máy nhà nước ngày càng chuyên chế. Mục tiêu tối thượng của bộ máy này là bảo đảm duy trì lợi ích quyền lực tối cao cho nhà vua. Vì lẽ đó đối với kẻ sĩ, mọi suy nghĩ, hành động của họ đều phải nhất nhất theo ý nhà vua, phục vụ lợi ích cho vua chúa. Nếu họ làm trái, làm không đúng ý vua thì chỉ có con đường từ quan, hoặc là đi đày biệt xứ, hoặc phải chết. Ví như danh sĩ Bùi Sĩ Tiêm (1690-1733) đời Vĩnh Khánh. Ông làm đến chức Thái thường tự khanh, làm sớ tâu trình 10 điều, đầu tiên nói việc nhường ngôi (vua), lời lẽ thiết tha chân thật; 9 điều khác hầu hết đều trái ý vua. Khi sớ đệ vào, chúa Trịnh Giang giận lắm, sai cách hết các chức vụ rồi đuổi về quê (Đông Quan, Thái Bình). Người đời cho rằng Bùi Sĩ Tiêm là người thẳng thắn, phong độ tiết tháo lại lẫm liệt, thiên hạ đều mến mộ, nhưng vì không được lòng vua mà phải chịu tội. Hay như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng đều là những vị quan đại thần có công lao to lớn phù chúa Trịnh, nhưng chỉ vì tính tình ngay thẳng, lại bị gian thần gièm pha nên cuối đời đều bị ép đến chết...

Dù sống trong xã hội phong kiến chuyên chế ngặt nghèo, mục ruỗng cổ hủ, lại bị vây siết bởi tầng tầng lớp lớp những định kiến, luật tắc khe khắt như vậy, nhưng vì phẩm giá, vì khí tiết của nhà Nho chân chính, nên kẻ sĩ sẵn sàng từ bỏ bổng lộc, và cũng chỉ có cách “treo ấn từ quan” mới trọn khí tiết, mới bảo toàn một con đường sống bình an. Tuy nhiên, cũng có người như Nguyễn Công Trứ (1778-1858), dù năm lần bảy lượt bị giáng chức, thậm chí có lúc bị đày tới cùng đinh, nhưng vẫn một lòng giữ vững ý chí, tìm cách vươn lên “Phải có danh gì với núi sông”. Tuy nhiên, những người như Nguyễn Công Trứ không nhiều. Và ông thực sự là tấm gương soi cho hậu thế.

Đấy là chuyện “treo ấn từ quan” của kẻ sĩ khi xưa. Còn ngày nay thì sao? Ngày nay, người ta không gọi từ chức là “treo ấn từ quan” mà gọi là “văn hóa từ chức”. Việc từ chức ngày nay khác với “treo ấn từ quan” xưa. “Treo ấn từ quan” là câu chuyện của xã hội phong kiến lạc hậu. Nó là lời cảnh báo chế độ, là tiếng nói phản tỉnh chống lại cái ác, cái xấu. Vì vậy, những bậc cao sĩ có tài năng, có chí khí sẵn sàng từ bỏ. Thật đáng tiếc nhưng vì “bất phùng thời”, vì không còn lựa chọn nào khác nên đành phải “treo ấn từ quan”, để lại tiếc nuối cho muôn dân. Còn ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội dân chủ và văn minh. Loài người phải mất nhiều trăm năm, thậm chí cả nghìn năm để tìm ra mô hình cho một xã hội dân chủ tiến bộ. Xã hội mới tìm mọi cách sử dụng nhân tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...”. Đồng thời, nó khuyến khích người có chức quyền nhưng “rỗng tuếch” bất tài, kém cỏi về mọi mặt, không hoàn thành nhiệm vụ, làm việc không hiệu quả, không mang lại lợi ích cho cộng đồng, chỉ lo vun vén cá nhân và gia đình... từ chức. Việc từ chức này đối với cá nhân được coi là hành vi ứng xử văn hóa, là lương tri. Khi người lãnh đạo thấy mình yếu kém, không còn xứng đáng với cương vị được giao nữa thì xin từ chức. Văn hóa từ chức được coi là sự hiểu biết về bổn phận, là trách nhiệm của người có chức vụ với dân, với nước. Nó là thành tựu của một nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm với nước, với dân.

Ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên “văn hóa từ chức” chưa trở thành một thông lệ. Nhiều người giữ cương vị trọng trách dù hoàn thành nhiệm vụ tốt xấu thế nào nhưng nếu không quá nghiêm trọng thì vẫn “bình chân như vại”. Thậm chí rất nhiều trường hợp lãnh đạo bộ, ngành không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành yếu kém nhưng vẫn không chịu từ chức. Chỉ đến khi họ mắc trọng tội, phải mang ra xét xử thì mới thôi giữ trọng trách để thuyên chuyển hoặc ra hầu tòa.

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”. Người được bổ nhiệm phải có trách nhiệm với Đảng, với dân. Khi không còn được dân tin thì tự giác xin từ chức, vì nếu không từ chức trước sau cũng bị tổ chức và nhân dân bắt buộc phải cách chức. Và khi đã bị cách chức nghĩa là mất hết danh dự, liêm sỉ. Quan niệm về việc từ chức luôn gắn liền với danh dự và trách nhiệm đối với xã hội. Không có văn hóa từ chức đồng nghĩa với việc thiếu tinh thần trách nhiệm. Khi đã không còn trách nhiệm cũng có nghĩa cái gọi là “liêm sỉ” cũng trở nên xa xỉ. Hậu quả của vấn đề này là gì? Là làm xói mòn lòng tin trong nhân dân, làm hoen ố chế độ chính trị, gây mất lòng tin nghiêm trọng và cuối cùng dẫn đến nguy cơ suy vong. Một xã hội lành mạnh là một xã hội phân định rạch ròi cái tốt và xấu, hay và dở, thiện và ác. Sự phân định này là tiêu chí để mọi người dựa vào đó mà hành sự cho mực thước. Nếu không có chuẩn mực thì tốt biến thành xấu, ngu dốt biến thành quyền lực; người tài năng đức độ không biết chừng lại trở thành kẻ thua cuộc...

Ở nước ta hiện nay, “văn hóa từ chức” còn hiếm. Nhiều người lãnh đạo vẫn dựa dẫm vào tập thể. Như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nêu: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”. Vì lẽ đó, “văn hóa từ chức” là một cái gì rất xa lạ với nhiều người có quyền chức hiện nay.

Để giải quyết tốt vấn đề này, trước hết phải thiết lập cho được một cơ chế công bằng, văn minh dựa trên sự kiểm soát quyền lực chặt chẽ và cơ chế thưởng phạt công minh. Người có đức, có tài phải được trọng dụng, người bất tài, không có liêm sỉ phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Trước mắt, khi chưa có “văn hóa từ chức”, chúng ta phải dùng sức ép chính trị kết hợp chặt chẽ với sức ép của dư luận. Ngoài việc giáo dục về hành vi ứng xử, khơi gợi lòng tự trọng và phẩm giá của con người, còn phải có quy chế rõ ràng minh bạch và rất nghiêm khắc để những người có chức quyền khi thấy mình yếu kém, không còn khả năng phục vụ đất nước thì tự giác từ chức...

Muốn hay không muốn, phải xây dựng cho được tiêu chí chuẩn mực về các giá trị. Khi có những tiêu chí chuẩn mực thì cứ xoay quanh đó mà làm. Nếu không có các tiêu chí chuẩn mực, mọi thứ trở nên rối loạn, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Và điều này thực sự là một vấn nạn đáng lo ngại...

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI